Ngân hàng và cuộc chuyển đổi 4.0

Ngân hàng và cuộc chuyển đổi 4.0
TP - Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số trong lĩnh vực tài chính đang đặt nhiều ngân hàng đứng trước áp lực chuyển đổi. Ngân hàng nào chuyển đổi nhanh từ mô hình truyền thống sang mô hình công nghệ số, ngân hàng đó sẽ có vị thế vững chắc trong tương lai.
Ngân hàng và cuộc chuyển đổi 4.0 ảnh 1

VPBank là ngân hàng tiên phong cập nhật công nghệ.

Ngân hàng công nghệ số

Không còn phải ra tận phòng giao dịch mới thực hiện được các giao địch đơn giản như chuyển khoản, hay mở sổ tiết kiệm, thậm chí là mở thẻ tín dụng như trước đây. Ngày nay, chỉ với vài thao tác trên chiếc điện thoại khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp đều dễ dàng thực hiện các giao dịch chuyển tiền, thanh toán dịch vụ hay theo dõi tài khoản ngân hàng.

Ở Việt Nam có khoảng 30 triệu người đang sử dụng điện thoại thông minh và lượng người truy cập Internet ước tính 52% dân số. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng internet trung bình 9% mỗi năm, đứng thứ 15 thế giới. Với thuận lợi như vậy, ông Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng, tin rằng, sự bùng nổ của công nghệ thông tin kéo theo xu hướng phát triển ngân hàng số và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Thực tế, tỷ lệ người sử dụng ngân hàng số trên tổng số người sử dụng dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam đang không ngừng gia tăng. Năm 2011, tỷ lệ này chỉ ở mức 7%, nhưng đã đạt 44% vào năm 2014 và con số này được dự báo còn tiếp tục tăng trong những năm tới. Những dịch vụ ngân hàng công nghệ số đang được nhiều người sử dụng ở Việt Nam, nhất là các dịch vụ internet banking như chuyển tiền, thông quan điện tử, nộp thuế điện tử, thanh toán qua internet banking, và đa số đều được các ngân hàng cung cấp đầy đủ.

Vài năm gần đây, sự xuất hiện của các công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực tài chính (fintech) đã tạo ra một cuộc cách mạng mới, phá vỡ thị trường ngân hàng truyền thông. Fintech chủ yếu được phát triển về các lĩnh vực như: Thanh toán, hỗ trợ các khoản vay mượn thực hiện với các công ty cho vay, quản lý tài sản, hỗ trợ tư vấn tài chính. Nhờ có Fintech và việc thanh toán qua mạng internet, internet banking, điện thoại thông minh, phần mềm,… trở nên cực kỳ dễ dàng (đặc biệt trong thế giới mà hầu như con người không thể sống thiếu smartphone). Sự xuất hiện của Fintech cũng khiến cho những ngân hàng làm việc theo phương thức truyền thống buộc phải cải tiến hệ thống của họ nếu không muốn bị tụt hậu và phần lớn lợi nhuận sẽ rơi vào tay chính các công ty fintech.

Có thể thấy rõ nguy cơ này ở tại thị trường Trung Quốc, nơi các công ty fintech như Tencent và Ant Finnancial (2 công ty sở hữu hai ứng dụng thanh toán trực tuyến lớn nhất Trung Quốc là WePay và AliPay) đã dần thay thế các ngân hàng trong việc thanh toán. Nhiều chuyên gia dự đoán Tencent ở lĩnh vực thanh toán di động có thể sẽ vượt cả Mastercard và Visa vào năm 2018 về số lượng thanh toán hàng ngày. Ở nhiều thành phố lớn của Trung Quốc, lượng người sử dụng tiền mặt cho các giao dịch mua bán hàng ngày đã giảm đi, thay vào đó họ thanh toán qua các ứng dụng WePay và AliPay.

Tại Việt Nam, dù việc thanh toán bằng tiền mặt hoặc sử dụng các dịch vụ truyền thống của ngân hàng vẫn còn nhiều, nhưng nhiều chuyên gia tài chính cũng đã lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa đến từ các công ty fintech. Mới đây nhất, Samsung đã chính thức cho ra mắt ứng dụng Samsung Pay, thanh toán trực tuyến qua điện thoại di động, tại Việt Nam. Còn các công ty fintech khác như MoMo, Moca hay VNPay cũng đã cho thấy sức mạnh ban đầu và khả năng mở rộng của mình trên thị trường. Điều đó có nghĩa, các ngân hàng ngày nay không chỉ còn cạnh tranh với nhau, mà còn phải cạnh tranh với cả những đối thủ khác đang tham gia vào thị trường; trong đó nổi bật lại chính là các công ty công nghệ.

Ngân hàng và cuộc chuyển đổi 4.0 ảnh 2

Thành lập VPDirect thể hiện sự chuyển đổi số hóa mạnh mẽ của VPBank.

Cuộc cách mạng của VPBank

Trước sự phát triển mạnh của các công ty fintech như vậy, ông Võ Tấn Long, Giám đốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Công nghệ số (VPBank), cho biết: “Nếu ngân hàng nào không nhanh chóng chuyển đổi theo xu hướng công nghệ số, ngân hàng đó sẽ bị mắc kẹt trong mô hình kinh doanh truyền thống. Hay nói một cách khác, chỉ có thực hiện một cuộc cách mạng số hóa và chuyển đổi dữ liệu theo công nghệ số thì ngân hàng mới có khả năng gia tăng thêm số lượng khách hàng và mở rộng thị phần”.

Ở khía cạnh này, VPBank chính là một trong những ngân hàng tiên phong. Ngoài việc thành lập ra Khối Dịch vụ Ngân hàng công nghệ số cách đây vài năm, ngân hàng này mấy tháng trước đã lập thêm khối VPDirect – hoạt động như một doanh nghiệp fintech ngay trong chính lòng ngân hàng. Bên cạnh đó, VPBank cũng đã thành lập bộ phận “Digital Factory” nhằm ươm mầm và phát triển các trải nghiệm số hóa cho khách hàng, đồng thời thiết kế lại các quy trình của VPBank theo hướng tự động và số hóa. “Mục tiêu lớn của các hoạt động này là nhằm cải thiện các trải nghiệm của khách hàng trên các kênh này, qua đó nâng cao hiệu quả thu hút khách hàng, và giảm thiểu chi phí hoạt động của ngân hàng truyền thống”, ông Long nói.

Song song với việc nâng cao tỷ lệ các hành trình trải nghiệm và các quy trình nghiệp vụ được số hoá, từ năm 2015 VPBank liên tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty fintech khởi nghiệp. Mục đích của việc này nhằm cung cấp thêm các dịch vụ mang tính chất đổi mới sáng tạo, mang lại các giá trị thặng dư phi truyền thống cho khách hàng, cũng như tiếp cận đến các mảng khách hàng mới. Ông Long chia sẻ đây chính là hoạt động mang tính chiến lược lâu dài và được VPBank tập trung nguồn lực thực hiện một cách quyết liệt. Nó không chỉ mang lại các lợi ích lớn cho khách hàng, mà còn là nguồn đổi mới sáng tạo và tài năng, bổ sung vào năng lực của chính VPBank.

Theo ông Long, việc xây dựng một ngân hàng công nghệ số riêng biệt, cho phép VPBank chủ động đầu tư vào việc phổ cập các dịch vụ này tới một lượng khách hàng lớn hơn, nhưng có thể có phong cách sống, mức thu nhập khác với những khách hàng truyền thống của ngân hàng, thông qua các giá trị phi truyền thống. 

Sự chuyển mình của VPBank đã được chứng minh trên thực tế. Từ cuối năm 2016, số lượng giao dịch tài chính qua các kênh số hóa của ngân hàng lần đầu tiên vượt qua số lượng giao dịch tại quầy. Số lượng khoản vay online và mở thẻ tín dụng tăng hàng chục lần.

MỚI - NÓNG