Ngân hàng Việt lo mất khách khi vào AEC, TPP

Ngân hàng Việt lo mất khách khi vào AEC, TPP
TPO - Khi TPP được ký kết, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn hơn bởi tính đa dạng của sản phẩm dịch vụ tài chính và ngân hàng. Tuy nhiên, bối cảnh mới đòi hỏi các ngân hàng Việt phải cạnh tranh khốc liệt hơn không chỉ trên sân nhà mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Việc gia nhập cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào cuối năm 2015, và tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đặt lĩnh vực ngân hàng trước rốt ráo đổi mới mạnh.

Chủ đề trên được đề cập tại Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội và ngành Ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” tổ chức ngày 8/12 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Bộ Khoa học và Công nghệ đồng chủ trì. Bên cạnh, Hội thảo cũng tập trung làm rõ các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế từ lý thuyết đến thực tiễn; Tác động của các nền kinh tế lớn, của tiến trình hội nhập (đa phương và khu vực) đối với phát triển kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp, các ngành kinh tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Theo NHNN, để thực hiện theo đúng các cam kết đã ký, Việt Nam đã và đang từng bước nới lỏng dần các quy định trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và hiện nay đối với lĩnh vực ngân hàng, giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 30%, đối với lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán là 49%. Tuy nhiên, theo cam kết về tự do hóa dịch vụ trong AEC, đến hết năm 2015, các nước sẽ phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ và nhà đầu tư trong khối có thể tham gia tới mức 70% vốn tùy thuộc vào mức độ sẵn sàng của từng nước thành viên.

“AEC đã là bước tiến đòi hỏi Việt Nam phải mở cửa hơn nữa đối với lĩnh vực tài chính so với cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo NHNN, bên cạnh việc nới lỏng sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào sân chơi nội địa, các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng đối mặt với nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật… Thêm vào đó, TPP sẽ là bước ngoặt đòi hỏi Việt Nam và các nước tham gia phải cho phép các tập đoàn tài chính nước ngoài bán dịch vụ của mình sang thị trường các quốc gia thành viên khác mà không cần phải thành lập chi nhánh tại đó nếu các công ty trong nước tại thị trường này được phép cung cấp dịch vụ đó. Điều này đồng nghĩa với việc không cần phải có thủ tục cho phép các ngân hàng nước ngoài thành lập ngân hàng con (có vốn 100% nước ngoài) như theo thỏa thuận trong WTO, khi TPP được ký kết, Việt Nam vẫn sẽ chứng kiến nhiều sản phẩm đa dạng hơn của các ngân hàng nước ngoài trên thị trường trong nước.

Đại diện NHNN cũng khẳng định, khi TPP được ký kết, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn hơn bởi tính đa dạng của sản phẩm dịch vụ tài chính và ngân hàng. Tuy nhiên, bối cảnh mới  đòi hỏi các ngân hàng Việt phải cạnh tranh khốc liệt hơn không chỉ trên sân nhà mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Việt Nam tiếp cận tốt nguồn vốn của WB, ADB

Ngày 8/12, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Trong 5 năm qua, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước huy động hiệu quả nhất nguồn vốn tài trợ ưu đãi của WB/ADB/IMF, thể hiện qua các cơ hội tiếp cận đối với nguồn vốn vay của WB/ADB/IMF.

Cụ thể, NHNN đã đàm phán/ký kết với WB 55 chương trình/dự án với tổng trị giá hơn 8 tỷ USD, nâng tổng số chương trình/dự án WB đã phê duyệt tài trợ cho Việt Nam tính đến tháng 6/2015 là 160 chương trình/dự án với tổng trị giá khoảng 20,1 tỷ USD; ký kết với ADB 45 chương trình/dự án với tổng trị giá gần 4,5 tỷ USD, nâng tổng số chương trình/dự án ADB đã phê duyệt tài trợ cho Việt Nam tính đến tháng 6/2015 là 147 chương trình/dự án với tổng trị giá khoảng 13,65 tỷ USD.  Các hỗ trợ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên cao của đất nước như biến đổi khí hậu, tái cơ cấu… đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, đặc biệt tại các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa.

Trong giai đoạn 2011-2015, NHNN đã ký thêm được 18 Bản Ghi nhớ/thỏa thuận hợp tác với các đối tác Nhật Bản, Thụy Sỹ, Hungary,Trung Quốc… trong lĩnh vực thanh tra giám sát ngân hàng, phòng chống rửa tiền, phát triển nguồn nhân lực...

MỚI - NÓNG