Ngân hàng xuống sức, hóa chất và cơ khí vượt lên

Ngân hàng xuống sức, hóa chất và cơ khí vượt lên
Sáng nay (9-4) Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam cùng báo điện tử VietNamNet đã tổ chức lễ công bố bảng xếp hạng Fast500 - 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2012.

Ngân hàng xuống sức, hóa chất và cơ khí vượt lên

> Tái cơ cấu Ngân hàng và những nỗi lo

> Bộ Công Thương nhận nhiều đơn tố tham nhũng 

Sáng nay (9-4) Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam cùng báo điện tử VietNamNet đã tổ chức lễ công bố bảng xếp hạng Fast500 - 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2012.

Biểu đồ Tốc độ tăng trưởng bình quân của 500 DN thuộc các BXH FAST500 năm 2010, 2011, 2012 - Nguồn: Vietnam Report
Biểu đồ Tốc độ tăng trưởng bình quân của 500 DN thuộc các BXH FAST500 năm 2010, 2011, 2012 - Nguồn: Vietnam Report.
 

Theo đó, trong bảng xếp hạng (BXH) doanh nghiệp tư nhân chiếm ưu thế. Ngay trong top 10, hầu hết là các doanh nghiệp tư nhân. Cụ thể, Công ty cổ phần Năng lượng Hòa Phát đứng đầu danh sách FAST 500, tiếp theo là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Cà phê Intimex Nha Trang, Công ty Cửa sổ nhựa châu Âu (EUROWindow)…

Trong BXH dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đứng đầu là Công ty Lâm sản PISICO Quảng Nam, tiếp theo là Vàng bạc đá quý SJC Cần Thơ và các tên tuổi khác như Vàng bạc đá quý Bến Thành, May Chiến Thắng…

Đáng lưu ý, với phân tích từ số liệu thu được của các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất VN năm 2012, Vietnam Report cho biết dù khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân của các doanh nghiệp thuộc FAST500 vẫn tăng dần. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân của 500 doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu nhanh nhất giai đoạn 2008-2011 vẫn đạt 62,2%, cao hơn chỉ số tương tự được ghi nhận trong giai đoạn 2006-2009 (54%) và 2007-2010 (57%).

Tuy nhiên, Vietnam Report công nhận tốc độ tăng lợi nhuận đã chậm hơn tăng doanh thu, nghĩa là dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại không tăng tương ứng. Thực tế cũng chỉ khoảng 26% số doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng gấp đôi có mức gia tăng lợi nhuận tương ứng trong cùng giai đoạn. Sau quá trình phân tích, Vietnam Report nhận định: trong quá trình sau khi Việt Nam gia nhập WTO, lực lượng doanh nghiệp Việt Nam đã tăng trưởng khá mạnh về quy mô, tuy nhiên hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp chưa tăng trưởng tương xứng.

Qua bảng khảo sát, Vietnam Report cho biết Hà Nội và TP.HCM vẫn là hai đầu tàu của nền kinh tế, đóng góp số lượng DN tăng trưởng lọt vào BXH FAST500 nhiều nhất trên cả nước. Điều này chứng tỏ sự phát triển vẫn chưa thực sự đồng đều. Và đặc biệt, BXH cho thấy thực tế là ngành tài chính - ngân hàng, bất động sản - xây dựng đang giảm tốc thay vì tăng trưởng nóng như các giai đoạn trước.

Trích xuất dữ liệu, Vietnam Report cho biết trong giai đoạn 2007-2010, ngành tài chính - ngân hàng đứng đầu BXH FAST500 với tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành đạt trên 70%. Và “ông em họ” khối ngành xây dựng, bất động sản và vật liệu xây dựng cũng không kém cạnh khi tăng trưởng bình quân đạt mức trên 53%. Tuy nhiên sang tới năm 2011, bất động sản bắt đầu gặp nạn, giá nhà đất chững lại và có dấu hiệu giảm dần. Số liệu từ FAST500 năm 2012 cho thấy mặc dù ngành bất động sản đứng đầu về số lượng DN hiện diện đông đảo trong BXH, nhưng tăng trưởng bình quân của những doanh nghiệp dạng này trong FAST500 chỉ khiêm tốn ở con số khoảng 38%, ngành tài chính - ngân hàng cũng chỉ ở mức 47%.

Đặc biệt, FAST500 chứng kiến sự “lên hương” của nhóm ngành hóa chất, cơ khí hay thực phẩm - đồ uống với tỉ suất lợi nhuận trên tài sản cao nhất. Xét về tốc độ tăng trưởng bình quân, theo công bố, ngành cơ khí đang có tốc độ tăng trưởng cao nhất với mức 86%, trong đó doanh nghiệp đứng đầu tăng trưởng tương đương 231,5% trong giai đoạn 2008-2011. Theo sau là ngành viễn thông với tốc độ tăng trưởng toàn ngành 72,7% và doanh nghiệp đứng đầu tăng trưởng 281%. Như vậy, về cơ cấu ngành nghề, một số ngành thiết yếu như nông nghiệp, cơ khí, viễn thông đã chiếm vị thế ngày càng quan trọng trong FAST500.

Tham dự buổi lễ trao giải, giáo sư Michael Dukakis - cựu ứng viên tổng thống Mỹ, cựu thống đốc bang Massachusetts và hiện là chủ tịch Diễn đàn toàn cầu Boston - đã chia sẻ những nhận định của ông về triển vọng kinh tế - chính trị của thế giới trong thời gian sắp tới. Ông Michael Dukakis cho rằng trong thời điểm khó khăn hiện nay, các nhà lãnh đạo quốc gia cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng và cẩn trọng để đưa ra những chiến lược hợp lý cho đất nước. “Mỗi quyết định được đưa ra cần được xem xét để phục vụ cho sự phục hồi của nền kinh tế” và trước mắt, ông Michael Dukakis cho rằng để phát triển tốt hơn, các nước cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhưng không chỉ là hạ tầng “cứng” như sân bay, cảng biển, đường sá mà còn cần đầu tư vào “hạ tầng mềm” như y tế, giáo dục... Đây là hai trụ cột quan trọng quyết định sự thành công của nền kinh tế - ông Michael Dukakis nhấn mạnh.

Theo Cầm Văn Kình
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG