Ngán ngẩm OTC

Ngán ngẩm OTC
TP - Thị trường OTC đang rơi vào tình trạng như thị trường địa ốc năm 2004, hàng nhiều giá đã hạ nhưng “chẳng ma nào mua”! Trên các trang web OTC cũng tràn ngập các lời "than khóc"...
Ngán ngẩm OTC ảnh 1

Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, trưởng bộ phận môi giới OTC Cty chứng khoán ACBS nhận xét: “Thị trường OTC đóng băng nhưng tôi thấy có nhiều cổ phiếu OTC vẫn có tính thanh khoản cao, nhiều Cty có cổ phiếu OTC làm ăn còn ngon lành hơn nhiều doanh nghiệp đã niêm yết”.

Nhà đầu tư Nguyễn Thị Ngọc Huyền (sàn VCBS TPHCM) cho biết “Đạm Phú Mỹ và LBM (niêm yết trên sàn TPHCM- PV) giá ngang nhau nhưng các chỉ số lợi nhuận, kinh doanh của Đạm Phú Mỹ đều tốt hơn nhiều, vậy mà người ta tranh nhau mua LBM (ngày 14/6 tình trạng này đã chấm dứt- PV) còn Đạm Phú Mỹ thì chào mãi chẳng ai hỏi”.

Không chỉ Đạm Phú Mỹ mà hàng loạt cổ phiếu OTC của nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt, triển vọng sáng sủa như Bảo hiểm dầu khí, Alphanam, Hoàng Anh Gia Lai, trái phiếu SSI, PNJ... không chỉ rớt giá mạnh mà giao dịch thành cũng cực hiếm.

Riêng Bảo Việt, chiều 14/6 đã rơi xuống 69.000 đồng/cổ phiếu, gần sát với giá trúng thầu thấp nhất nhưng một số nhà đầu tư còn chờ hạ thêm bằng giá trúng thấp nhất vì “không bán thì chỉ có nước bỏ cọc”.

Bên cạnh đó, “cổ phiếu vua” của hàng loạt ngân hàng đang trong cảnh chợ chiều, từ Đông Á, Eximbank, Quân đội cho đến Phương Nam, Phương Đông, An Bình, SEABANK... đều giảm 15-30% so với tháng trước.

Nhiều nhà đầu tư bi quan cho rằng thị trường OTC hết năm nay chưa chắc đã tan băng bởi thị trường này có quá nhiều nhược điểm không thể giải quyết trong thời gian ngắn được.

Chờ một ngày tươi sáng!

TS Nguyễn Quang Hưng phân tích: “Sắp tới nguồn tiền đổ vào chứng khoán sẽ hạn chế, bởi nhiều nguyên nhân. Do tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng lên, nên Ngân hàng Nhà nước sẽ mua vào khoảng 3 tỷ USD.

Việc giảm tỷ lệ cho vay vào chứng khoán còn 3%/tổng dư nợ của các ngân hàng làm tăng áp lực thu hồi nợ của ngân hàng và trả nợ từ các nhà đầu tư.

Tôi ví dụ như Ngân hàng An Bình có dư nợ khoảng 2.000 tỷ đồng thì chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán có 60 tỷ đồng, một con số quá nhỏ so với nhu cầu nhà đầu tư hiện nay”.

Còn nhà đầu tư Trần Chí Vũ (sàn SSI TPHCM) thì nói về trường hợp của mình “Tôi trúng đấu giá 20.000 cổ phần Đạm Phú Mỹ với mức giá 54.000 đồng và được ngân hàng cho vay 40%, trên 400 triệu với lãi suất 1,2%/tháng thì một  tháng riêng trả nợ đã mất đứt 5 triệu bạc.

Rao bán 2 tháng nay để trả nợ với giá chỉ 65.000 đồng/cổ phần mà không ai mua. Có vài người bạn tôi, vay cả tỷ bạc, tiền lãi mười mấy triệu đồng/tháng nay ăn ngủ không yên. Có lẽ bán xong lô cổ phiếu này tôi cạch luôn chứng khoán”.

Với tâm trạng như ông Vũ thì sắp tới giá cổ phiếu OTC còn hạ vì nhà đầu tư phải bán ra để giảm nợ và cắt lỗ. Nhưng “vạn người bán” liệu có mấy kẻ mua vì “mua rồi bán cho ai, còn chờ thì biết đến bao giờ?”. Vậy còn giải pháp nào để “chờ ngày mai tươi sáng”?

Hãy  nghe một nhà đầu tư trên trang web sanotc.com than: “Đã chót “ôm” Petrosetco đúng cái thời gần oanh liệt nhất. Nếu không tham bán đi thì cũng có chút lời, nhưng bây giờ chính thức bị kẹt không biết đến bao giờ nữa. Nhưng thấy tâm sự đây là tình hình chung, rất nhiều người bị kẹt OTC nên cũng cố gắng chờ đợi vậy. Hy vọng một ngày mai tươi sáng”.

Nhà phân tích chứng khoán Trần Ngọc Nam cho rằng: “Khi Ủy ban Chứng  khoán Nhà nước (UBCKNN) quản lý thị trường OTC có hiệu quả thì những cổ phiếu  có tính thanh khoản sẽ dễ giao dịch và thị trường sẽ sôi động hơn. Nhưng tôi tin không còn “cơn điên OTC” như năm ngoái, đầu năm nay khi mà hàng loạt doanh nghiệp lớn IPO và thị trường OTC minh bạch hơn”.

Nhà đầu tư cổ phiếu OTC từ 4 năm nay như ông Vũ Văn Định thì lo ngại: “Tôi e rằng lượng tiền trên sàn niêm yết còn bị rút ra một khoản không nhỏ bởi các đợt IPO dẫn đến thị trường OTC khó mà hồi phục được trong thời gian tới.

Bên cạnh đó các Cty có cổ phiếu thanh khoản tốt lại liên tục đấu giá dẫn đến cung quá lớn mà cầu đã chựng lại”. Nhưng điều mà nhà đầu tư cổ phiếu OTC lo ngại nhất là thông tin “tù mù” và “mua dễ bán khó” của cổ phiếu OTC.

Hạn chót 30/6 để đăng ký Cty đại chúng sắp hết, nhiều nhà đầu tư hy vọng sau đó các thông tin về cổ phiếu OTC sẽ minh bạch, cập nhật hơn. Nếu đúng như những gì UBCKNN tuyên bố thì giao dịch cổ phiếu OTC sẽ đi dần vào khuôn khổ, chỉ khi điều ấy được thực hiện trên thực tế thì thị trường OTC mới tan dần cảnh ảm đạm như 2 tháng nay.

Tuy nhiên, giữa tuyên bố và thực tế luôn có khoảng cách lớn, lo ngại hơn nữa cổ phiếu OTC trên thị trường đã lên đến hơn 1.000 loại. Liệu UBCKNN và các trung tâm giao dịch, lưu ký có “ôm” nổi khi mà hơn 200 doanh nghiệp niêm yết đôi khi còn lúng túng.

Nhắn tin để biết thị trường chứng khoán

Công ty Cổ phần phát triển Công nghệ Hà Thành và báo Tiền phong phối hợp thực hiện dịch vụ nhắn tin qua đầu số 8209 để biết 9 thông tin cơ bản trên thị trường chứng khoán.

9 thông tin đó gồm: 1. Kết quả giao dịch; 2. Chỉ số thị trường TP HCM; 3. Chỉ số thị trường Hà Nội; 4. 5 chứng khoán tăng giá mạnh nhất;5.  5 chứng khoán giảm giá mạnh nhất; 6. 5 chứng khoán giao dịch nhiều nhất; 7. Thống kê giao dịch theo tuần; 8. Thống kê giao dịch theo tháng; 9. Thống kê giao dịch theo năm.

Bạn đọc soạn tin theo cú pháp như hướng dẫn của bảng dưới đây rồi gửi đến số 8209. Mức cước phải trả là 2.000 đồng/bản tin.

Ngán ngẩm OTC ảnh 2

Báo Tiền phong – Cty CPPTCN Hà Thành

MỚI - NÓNG