Ngành Công Thương: Tình trạng xin cho vẫn tiềm ẩn

Ngành Công Thương: Tình trạng xin cho vẫn tiềm ẩn
TP - Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương sáng 15/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngành Công Thương đã biết gạt bỏ những lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình. Tuy nhiên, trong xây dựng chính sách vẫn còn một số chính sách kìm hãm sự phát triển, chưa thoát ra được những tư duy cũ. Tình trạng xin - cho vẫn còn tiềm ẩn.

Điểm lại 7 kết quả nổi bật của ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh đến việc Bộ Công Thương luôn thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về cấu trúc lại bộ máy, giúp cho Bộ hoạt động mạnh mẽ, đạt kết quả. Trong đó có việc xử lý 12 dự án thua lỗ, cắt bỏ và giảm đầu mối cục, vụ với 5 đơn vị. Thủ tướng khẳng định, Bộ Công Thương đã làm quyết liệt với thái độ dũng cảm, không né tránh.

Một điểm sáng của ngành Công Thương được Thủ tướng nhiều lần nhắc lại chính là việc tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, trong năm qua, Bộ Công Thương đã tập trung xử lý và đạt được những kết quả cụ thể. Điển hình như việc thoái vốn rất thành công tại Tổng Công ty Sabeco và đang chuẩn bị tiến hành thoái vốn tại một số doanh nghiệp lớn như Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, PVoil, PV Power.

Cụ thể, với thương vụ bán vốn nhà nước tại Sabeco, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là một hình mẫu, một khuôn khổ cho cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Thủ tướng cho biết, nếu thực hiện bán vốn Sabeco từ đầu năm 2017 thì sẽ chỉ bán được khoảng hơn một tỷ hoặc tối đa 2 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ tiến hành niêm yết công khai trên sàn, tổ chức đấu giá, roadshow chào hàng ở trong và ngoài nước, thương vụ này đã thu về cho Nhà nước 5 tỷ USD, tương ứng số tiền 110 nghìn tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với dự kiến ban đầu.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh thoái vốn không chỉ là thu hút lượng vốn lớn để đầu tư vào việc khác mà còn là biện pháp để chống tham nhũng và tiêu cực. Các đơn vị liên quan cần tiếp tục quyết tâm thực hiện việc này.

Thủ tướng cũng thẳng thắn nêu những tồn tại bất cập cần tháo gỡ thời gian tới, trong đó có việc “tiềm ẩn tình trạng xin cho” chưa được khắc phục.

Theo người đứng đầu Chính phủ, năm qua Bộ Công Thương đã biết gạt qua lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình khi tiên phong bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số quy hoạch chiến lược ngành Công Thương vẫn còn chậm. Chưa khắc phục tính bất cập trong xây dựng quy hoạch chiến lược, vẫn còn tiềm ẩn cơ chế xin cho. “Chúng ta vẫn còn một số chính sách kìm hãm sự phát triển, chưa thoát ra được những tư duy cũ. Chúng ta cần phải khắc phục để thực sự giải phóng nguồn lực, để chúng ta thực sự có một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong ngành Công Thương”, Thủ tướng nói.

Cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh

Tại Hội nghị tổng kết ngành Công Thương năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng cho biết, trong buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trình Thủ tướng ký Nghị định số 08 ngày 15/1, ngay tại hội trường về cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh trong tổng số 1.216 điều kiện (tương đương 55%). Đây là con số rất lớn chứng tỏ Bộ Công Thương đang rất quyết tâm nhằm đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, theo thông lệ quốc tế.

Theo Thủ tướng, ngành Công Thương đã biết gạt bỏ những lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình đồng thời là bộ đi đầu trong việc cắt bỏ các thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính góp phần quan trọng tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

MỚI - NÓNG