Ngành da giày điêu đứng

Ngành da giày điêu đứng
Đứng vị trí thứ ba trong các ngành đóng góp lớn nhất vào GDP và kim ngạch xuất khẩu của VN, nhưng sau 1 tháng bị áp thuế chống bán phá giá tại EU, cả ngành da giày VN đã lâm vào hoàn cảnh bi đát.

Ngay khi có tin khả năng xảy ra vụ kiện, các DN da giày đã bị mất hàng loạt hợp đồng, bởi khách hàng lo lắng sẽ bị áp thuế chống bán phá giá nên không dám đặt hàng - đó là ý kiến của hầu hết DN da giày khi nói về tác động của vụ kiện.

Ngay từ năm 2005, kim ngạch XK giày da của nhiều DN giảm mạnh. Sản lượng giày XK của Cty TNHH Sao Vàng (Hải Phòng) năm 2005 chỉ đạt trên 5,3 triệu đôi, bằng 88,7% so với năm 2004 nên kim ngạch XK của DN giảm 8% so với năm 2004. Còn ông Nguyễn Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc Cty da giày Hải Phòng cho biết: Cả năm 2005, Cty chỉ đạt 83% sản lượng so với năm 2004, nhiều đơn vị thành viên chỉ đạt 60%. 

Nặng nề hơn là Cty cổ phần giày Hải Dương, Giám đốc Cty Nguyễn Văn Vinh cho biết: Ngay từ tháng 11.2005, đơn hàng đã giảm rõ rệt nên phải giảm việc, tháng 12, lượng đơn hàng càng giảm mạnh và đến thời điểm hiện nay, sản lượng chỉ còn được khoảng 30% so với cùng kỳ mọi năm.

Còn hàng loạt nhà máy như giày Barotex, Cty liên doanh Kainan, giày Thái Nguyên, giày Tiên Sơn... đã phải ngừng sản xuất bởi các khách hàng không ký hợp đồng đặt hàng, công nhân phải nghỉ chờ việc. Nhiều DN phản ánh, mới chỉ áp thuế có 4,2% mà hàng loạt DN đã lao đao, nếu EC áp thuế tới 16,8% vào thời điểm 15.9.2006, tình hình còn hết sức tồi tệ. Giám đốc một DN (xin không nêu tên) đã bức xúc nói với chúng tôi: Vụ kiện chẳng khác gì "cơn sóng thần" đang tàn phá ngành công nghiệp da giày VN.

Ngành da giày sẽ bị bỏ rơi?

Trong buổi họp báo công bố phán quyết của EC hồi cuối tháng 3 vừa qua, đại diện EC đã cho rằng chỉ khoảng 30% sản phẩm của ngành da giày VN chịu tác động của mức thuế chống bán phá giá. Vấn đề này cũng được một số cơ quan chức năng VN đồng quan điểm khi cho rằng, vụ kiện tuy lớn nhưng chưa thể "bóp chết" được ngành công nghiệp giày da của VN.

Không đồng tình quan điểm này, các DN da giày đều khẳng định: Nếu bị áp thuế ở mức 16,8%, mỗi đôi giày sẽ tăng giá từ 3-4USD, có những loại giày tăng tới 14USD. Như vậy, các nhà phân phối không thể chịu đựng nổi, sẽ bỏ VN chuyển hướng đầu tư và đặt hàng sang các nước khác như Indonesia, Campuchia, Ấn Độ... Trong mỗi hợp đồng đặt hàng, khách luôn yêu cầu các DN phải sản xuất đủ chủng loại giày: Giày da, giày thể thao, giày trẻ em... mới đảm bảo lợi nhuận.

Và sẽ không có chuyện loại bỏ riêng giày có mũ da mà vẫn ký hợp đồng cho VN gia công các mặt hàng giày da khác như cách nghĩ của EC và một số cơ quan chức năng VN. Chỉ cần giày mũ da của VN bị áp thuế, khách hàng sẽ bỏ VN, ngành da giày sẽ mất tất cả các hợp đồng gia công giày dép XK vào thị trường EU. Khi đó, tình trạng đổ vỡ, phá sản của các DN ngành da giày sẽ rất lớn, gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế cũng như xã hội.

Nói về tương lai ngành da giày VN, nhiều DN cho rằng: 90% các DN da giày VN là các đơn vị gia công cho các nhà phân phối nước ngoài để được hưởng chiết khấu vô cùng nhỏ nhoi. Nay các nhà phân phối bỏ sang thị trường khác đặt hàng, các DN Việt Nam sẽ mất thị trường, người lao động nghèo VN chịu ảnh hưởng bởi mất việc. Còn Giám đốc Cty cổ phần giày Hải Dương đã phát biểu thẳng thắn: "Chúng tôi lấy gì để bán phá giá? Vụ kiện của EC chỉ "đánh" vào phụ nữ và trẻ em của VN. Nhưng người lao động mất việc vì vụ kiện sẽ đi đâu, về đâu"?

Theo Công Thắng
Lao động

MỚI - NÓNG