Ngành nông nghiệp đối phó với thiên tai, dịch bệnh và “bão giá”

Ngành nông nghiệp đối phó với thiên tai, dịch bệnh và “bão giá”
TP - Ngày 27/3, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị Triển khai các nhiệm vụ cấp bách của ngành trong bối cảnh rất nhiều khó khăn: Thiên tai, dịch bệnh, biến động giá vật tư nông nghiệp.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết (hạn hán, rét đậm, rét hại…), việc trồng trọt ở các tỉnh miền Bắc gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Phan Huy Thông - Phó Cục trưởng Trồng trọt nhắc lại: Vừa trải qua đợt bão, lũ ở miền Trung, đợt rét đậm, rét hại mang tính lịch sử, kéo dài 38 ngày ở miền Bắc đã làm khoảng 200.000 héc-ta lúa, 18.000 héc-ta mạ và 35.000 héc-ta cây rau màu chết, làm đảo lộn cơ cấu giống và thời vụ gieo cấy lúa Đông-Xuân.

Ở phía Nam, dịch rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá vẫn là mối đe doạ lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Ngay tại vụ Đông-Xuân 2007-2008, lúc cao điểm đã có tới 210.000 héc-ta lúa nhiễm bệnh, trong đó có 26.500 héc-ta nhiễm nặng, với mật độ rầy phổ biến 1.000-1.500 con/m2 (cá biệt có nơi nhiễm 10.000 con/m2).

Cùng đó, giá phân bón và vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao lên tới kỷ lục. Tháng 1/2008, giá ure tăng 27% so với cùng kỳ năm 2007. Đến tháng 3/2008, giá ure lại tăng thêm 20% so với tháng 1/2008. Cũng thời gian này, giá phân DAP có lúc tăng gần 84%. Giá phân bón tăng quá cao khiến các doanh nghiệp không dám ứng trước phân bón cho nông dân, làm hạn chế khả năng đầu tư của nông dân.

Tình hình hạn hán cũng rất gay gắt. Tại miền Bắc, so với trung bình nhiều năm (TBNN), lượng dòng chảy các sông suối thiếu hụt tới 25%; riêng hạ du sông Hồng, thiếu hụt 30-40%. Tại Hà Nội, mực nước sông Hồng xuống mức 0,8 m - thấp nhất trong lịch sử. Một số hồ ở Ninh Thuận, Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên, Trung Bộ… dung tích nước chỉ đạt 40-60% dung tích thiết kế.

Đáng lo nhất đối với chăn nuôi là dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến hết sức phức tạp. Dịch “tai xanh” tái xuất hiện trên cả ba miền, làm chết 536.000 lợn nái (tương đương 4-5 triệu lợn thịt). Nguy hại hơn, virus gây bệnh “tai xanh” đã có mặt ở khắp nơi, có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Từ đầu năm đến nay, cả nước có 34 xã/phường thuộc 24 huyện/thị của 16 tỉnh/thành có dịch cúm gia cầm. Tổng số gia cầm chết và buộc tiêu hủy lên tới hơn 35.000 con. Bên cạnh đó là dịch lở mồm long móng, bệnh thủy sản… vẫn chưa thể khống chế.

Ngành chăn nuôi lại gặp khó khăn chưa từng có trong lịch sử là giá thức ăn tăng mạnh. Theo thống kê, so với cuối năm 2007, giá ngô hiện tăng 48,5% (lên mức 5.200 đ/kg); giá khô dầu đỗ tương: tăng 88,5% (lên mức 8.500 đ/kg); cám gạo: 50% (4.500 đ/kg); thức ăn cho gà thịt: 72% (6.000 đ/kg)…

Giá cả sinh hoạt, hàng hoá tiêu dùng, công lao động, giá vật liệu và năng lượng (xăng dầu, điện nước…), giá nông sản, thực phẩm tăng cao và thất thường khiến việc sản xuất, chăn nuôi cũng như đời sống người dân (nhất là người nghèo, người thu nhập trung bình…) gặp rất nhiều khó khăn.

Rét đậm, rét hại cũng là thiên tai

Ông Hoàng Kim Giao - Cục trưởng Chăn nuôi, sau khi phân tích tình hình chăn nuôi trong điều kiện vô cùng khó khăn đã đưa ra nhiều giải pháp. Trước mắt, huy động lực lượng thú y và khuyến nông cơ sở tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn người dân bảo vệ đàn gia súc, xử lý hậu quả thiệt hại, phục hồi chăn nuôi. 

Ông Giao cũng đề nghị Chính phủ xem thiệt hại do rét đậm, rét hại vừa qua như là một dạng thiên tai. Hằng năm, Bộ có thể sử dụng quỹ dự phòng hỗ trợ thiệt hại do thiên tai để chủ động hỗ trợ và phục hồi sản xuất.

Bên cạnh đó, ông Giao cũng đề nghị quy hoạch và khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại; phát triển và nhân giống vật nuôi; đẩy mạnh phát triển và chế biến thức ăn chăn nuôi; thú y và vệ sinh phòng bệnh… Đối với phát triển trồng cỏ cần xem xét hỗ trợ như một giống cây trong ngành nông nghiệp.

Về lĩnh vực thủy sản, riêng đợt rét vừa qua ở miền Bắc đã làm chết 110 tấn thủy sản bố mẹ, 87 triệu con cá giống các loại, ước thiệt hại khoảng 147 tỷ đồng. Nguy cơ thiếu giống và muộn thời vụ đã hiển hiện. Rồi đó, môi trường nuôi tôm nước lợ bị suy thoái nghiêm trọng, chất lượng tôm giống không đảm bảo... Giải pháp được kiến nghị là đưa ra kiến nghị: vớt bỏ thủy sản chết, tránh ô nhiễm môi trường; kiểm tra chất lượng con giống...

Bộ trưởng Cao Đức Phát kết luận hội nghị, nhấn mạnh: Trước tình hình giá lương thực, thực phẩm tăng cao, nhất là giá gạo, Bộ NN&PTNT đã đề xuất và được Thủ tướng chỉ đạo cân đối xuất khẩu gạo hợp lý để ổn định thị trường trong nước, đảm bảo lợi ích của người dân (người sản xuất và người tiêu dùng).

Thời gian vừa qua, nguồn cung nhiều loại thực phẩm tăng cao, nhất là các sản phẩm từ chăn nuôi. “Vì thế, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh công tác sản xuất giống, kiểm soát chất lượng giống; phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp hợp lý để có thể đủ nguồn cung về thực phẩm cho nhu cầu trong nước”.

Về biện pháp hạn chế giá cả nông sản tăng cao, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Đối với những hàng hóa thường xuyên thông thương với quốc tế thì sẽ diễn biến theo thị trường thế giới. Còn đối với những hàng hóa chủ yếu để cung cấp nhu cầu trong nước thì sẽ tìm mọi cách để ổn định giá trong thời gian cuối năm 2008.

MỚI - NÓNG