Ngành thép bức xúc chuyện thuế

Ngành thép bức xúc chuyện thuế
Các DN ngành thép đã đồng loạt kiến nghị Bộ Tài điều chỉnh thuế nhập khẩu cho hầu hết sản phẩm thép nguyên liệu. Thuế nhập khẩu thấp nên nhiều chủng loại thép ngoại đã tràn vào nội địa. 
Ngành thép bức xúc chuyện thuế ảnh 1

Theo Công ty TNHH thép Dongbang, với mức thuế suất nhập khẩu thép không gỉ 5% như hiện nay, sản phẩm của Ấn Độ có cơ hội tràn ngập thị trường trong nước với giá rẻ, chất lượng kém.

Giá bán trên thị trường của thép không gỉ Dongbang cao hơn hàng Ấn Độ 50-60 USD/tấn, nên tiêu thụ khó, khiến công ty này đang trong tình trạng thua lỗ do phải cạnh tranh.

Do đó, Dongbang đề nghị tăng thuế nhập khẩu thép không gỉ lên 10-15%. Công ty này cũng cho rằng, hiện thuế suất nhập khẩu mặt hàng này tại Việt Nam đang thấp nhất so với các nước trong khối Asean.

Hiệp hội thép VN cũng đã có công văn đề nghị điều chỉnh thuế nhập khẩu thép cuộn làm lõi que hàn lên 10%. Theo lập luận của hiệp hội, do thuế nhập khẩu dây thép làm lõi que hàn hiện nay là 5% nên nhiều nhà máy đã nhập loại hàng này để sản xuất lưới thép, đinh, dây thép mạ.

Việc tận dụng sai nguyên liệu có gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình và thị trường thép trong nước.

Giảm thuế nhập khẩu

Ngược với Hiệp hội thép, các Công ty cổ phần que hàn Việt - Đức, Công ty cổ phần Hữu Nghị và Nhà máy que hàn Hữu Nghị, lại đề nghị giảm thuế nhập khẩu dây thép làm lõi que hàn.

Lý do mà doanh nghiệp đưa ra là do các nhà sản xuất nội địa hàng năm đã cung ứng cho thị trường 40.000 tấn sản phẩm các loại, tương ứng với việc sử dụng khoảng 30.000 tấn thép mác H08A, CB08A, SWRY11. Việc quy định mức thuế suất 5% như hiện nay làm sản phẩm trong nước không thể xuất khẩu được do thiếu cạnh tranh về giá.

Mặt hàng thép mạ hoặc tráng oxyt crom, thiếc, chì hoặc crom, được các doanh nghiệp đề nghị giảm thuế nhập khẩu từ 7% xuống còn 0-3%. Đại diện công ty Hercules giải thích rằng, những nguyên liệu này dùng để sản xuất nắp nút kim loại.

Trong khi thuế nhập khẩu nguyên liệu là 7% thì hàng nhập nguyên chiếc chỉ có 5% (nếu có C/O form D) và 7,5% (MFN). Sự chênh lệch này đã gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước khi sản xuất và xuất khẩu nắp nút kim loại. 

Liên Bộ sẽ xem xét điều chỉnh

Bộ Thương mại cho rằng, thép mạ là mặt hàng cần khuyến khích sản xuất trong nước hơn nữa nên phải được bảo hộ. Quan điểm được Bộ đưa ra là, công ty Permina đã có thể sản xuất với sản lượng 80.000 tấn/năm, tuy nhiên hiện chỉ mới hoạt động được 70% công suất thiết kế.

Nhu cầu trong nước thấp, xuất khẩu chỉ chiếm 30% sản lượng sản xuất là những nguyên nhân khiến Permina yếu thế.

Trên cơ sở lập luận này, Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế suất nhập khẩu MFN lên 10% đối với mặt hàng thép tấm mạ và tráng oxyt crom, thiếc, chì. Mức thuế suất này sẽ tạo sự chênh lệch hợp lý giữa nguyên liệu và thành phẩm cho thị trường nội địa. 

Bộ Tài chính cũng dự kiến giữ nguyên thuế suất nhập khẩu hiện hành đối với mặt hàng thép cuộn làm lõi que hàn. Lý giải của Bộ Tài chính cho rằng, yêu cầu về nguyên liệu để chế tạo sản phẩm vật liệu que hàn rất nghiêm ngặt về thành phần hóa học của các nguyên tố trong lõi thép.

Hiện nay ngành thép trong nước chưa thể sản xuất và cung ứng lõi thép cho sản xuất que hàn theo đúng tiêu chuẩn chất lượng. Đơn cử như Nhà máy Vina Kyoel tại Bà Rịa Vũng Tàu, hiện nhập khẩu phôi để làm lõi que hàn, nhưng giá thành quá cao so với thép nhập khẩu, chất lượng chưa ổn định về tiêu chuẩn kỹ thuật.

Về kiến nghị tăng thuế nhập khẩu ống thép không gỉ thành phẩm, sau khi đánh giá năng lực sản xuất trong nước, Bộ Công nghiệp đã đề nghị Bộ Tài chính tăng thuế suất lên 10% để bảo hộ hàng nội địa.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, những dự kiến điều chỉnh thuế nhập khẩu thép nguyên liệu các loại sẽ được lấy ý kiến công khai từ doanh nghiệp và quyết định cùng với việc sửa đổi biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Theo VnExpress

MỚI - NÓNG