Ngành thép có dứt “sốt”?

Ngành thép có dứt “sốt”?
Yếu kém nhất của ngành thép trong thời gian qua được chỉ ra là thiếu một hệ thống phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng.
Ngành thép có dứt “sốt”? ảnh 1

Sau khi Chính phủ chính thức có văn bản yêu cầu kiểm điểm Tổng Cty Thép VN (tháng 3/2005), Tổng Cty Thép đã ban hành hàng loạt văn bản, thực hiện nhiều biện pháp nhằm bình ổn thị trường hàng hoá nhạy cảm này. Nhưng liệu ngành thép có đoạn tuyệt được các cơn “sốt”?

Công văn hàng loạt, công suất chỉ 35%

Tại công văn 156, ngày 10/3, Chủ tịch HĐQT  Tổng Cty Thép Nguyễn Kim Sơn yêu cầu: Ban hành khung giá bán các sản phẩm thép thành phẩm áp dụng cho các đơn vị thành viên của Tổng Cty Thép; chuyển hướng sang tiêu thụ sản phẩm thông qua các đại lý bán hàng hưởng chiết khấu theo quy định; giảm đến mức thấp nhất chi phí sản xuất…

Ngay trong tháng 3/2005, Tổng GĐ Tổng Cty Thép Đậu Văn Hùng cũng yêu cầu (bằng văn bản) các thành viên của Tổng Cty, các DN liên doanh với Tổng Cty, DN cổ phần có vốn góp chi phối của Tổng Cty ngừng ngay việc bán hàng cho các tư thương, chuyển sang hình thức đại lý hưởng chiết khấu theo thoả thuận; ban hành khung giá bán thép tròn xây dựng thông dụng làm cốt bê tông.

Tổng Cty thép cũng đã yêu cầu các DN tại thời điểm hiện nay, việc quy định giá bán sản phẩm thép xây dựng trong khung giá vẫn phải thông qua Tổng Cty trước khi ban hành. DN thành viên nào vi phạm sẽ bị kỷ luật, đình chỉ công tác đối với cấp giám đốc.

Yếu kém nhất của ngành thép trong thời gian qua được chỉ ra là thiếu một hệ thống phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng nên ngay khi thép được bán ra khỏi nhà máy, ngành thép cũng hết khả năng kiểm soát hàng hoá của mình, tư thương mặc sức thao túng, tuỳ tiện nâng giá bán thép lên mây.

Để khắc phục thực tế này, Tổng Cty cũng đã đề nghị các tỉnh, thành hợp tác xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm thép của Tổng Cty. Tổng Cty Thép đã cam kết đảm bảo giá thép không biến động trong phạm vi 35% sản lượng sản xuất ra, cùng với Chính phủ góp phần bình ổn giá thép. Như vậy, còn 65% sản lượng thép trên thị trường giá sẽ tuân theo quy luật cung cầu.

Giải pháp nào để bình ổn lâu dài?

Với quyết định ban hành khung giá bán thép được xem là mệnh lệnh nhằm bình ổn giá trước mắt với 35% sản lượng thép trên thị trường, được xem là làm gương để các đơn vị khác bình ổn giá theo. Quyết định này quy định khung giá bán thép xuất xưởng (giao tại nhà máy) chưa bao gồm thuế VAT với giá tối đa 7.450 đồng/kg.

Giá tại các cửa hàng, chi nhánh trực thuộc và các thị trường lớn không vượt quá 8.000 đồng/kg (cả VAT). Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, việc thực thi các chính sách giá này thế nào mới là điều quan trọng. Trong cơn sốt thép đầu năm 2004, DN thép cũng chỉ “bán đứt” sản phẩm ngay tại cửa nhà máy, khiến thị trường bị thao túng.

Còn việc áp khung giá này cũng bán ngay tại nhà máy, đại lý, liệu có diễn ra tình trạng tư nhân “mua đứt”, thao túng thị trường như vừa qua? Vì hàng chục năm qua, ngành thép vẫn chưa chú ý tạo các DN phân phối sâu rộng trên thị trường?  Một thực tế khác rất đáng chú ý là nếu “sốt” giá xảy ra trên diện rộng, DN ngành thép vẫn giữ ở mức giá thấp theo khung quy định, thì tư nhân lại tiếp tục mua thép của Tổng Cty với giá thấp để bán ra với giá cao thì giải quyết ra sao?

Theo ông Hoàng Thọ Xuân-Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Thương mại), việc ban hành khung giá thép sẽ có tác dụng quan trọng đến bình ổn giá, phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên, đi kèm là phải xây dựng kênh phân phối hiện đại thì mới có thể đảm bảo thực thi mức giá này. Chỉ khi đó, người dân mới được hưởng lợi từ chỉ đạo bình ổn giá thép của Chính phủ.

Ông Xuân cũng cho rằng, tạo kênh phân phối cũng là sự chuẩn bị cần thiết cho giai đoạn hội nhập, vì khi đó, ngay cả DN nước ngoài cũng có quyền kinh doanh phân phối, nếu DN nhà nước không có kênh phân phối thì sản xuất mặt hàng nguyên liệu phụ thuộc chủ yếu vào thế giới này sẽ chẳng còn ý nghĩa.  

MỚI - NÓNG