Ngành thủy sản điêu đứng vì dịch COVID -19

TPO - Dịch COVID-19 lây lan mạnh trên toàn cầu khiến cho sản xuất và xuất khẩu (XK) thủy sản của cả nước bị ảnh hưởng nặng nề. Cộng đồng doanh nghiệp (DN) “cầu cứu” Chính phủ tháo gỡ hàng loạt vướng mắc. 

Ngày 31/3, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, XK thủy sản trong tháng 3 ước đạt 549 triệu USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK sang những thị trường lớn bị ảnh hưởng dịch bệnh đều giảm mạnh. Cụ thể, XK sang EU giảm sâu nhất (40%), sang Trung Quốc giảm 25%, Hàn Quốc giảm 24%, Nhật Bản giảm 19%, Mỹ giảm 8,6%...

Ba tháng đầu năm 2020, XK thủy sản của cả nước ước đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 14%. Trong đó, XK cá tra giảm mạnh nhất (đạt hơn 325 triệu USD, giảm 31%), chủ yếu do XK sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh trong hai tháng đầu năm.

Ngành thủy sản điêu đứng vì dịch COVID -19 ảnh 1 Người nuôi cá tra tại ĐBSCL đang nuôi cầm cự hoặc bán lỗ vì giá giảm sâu. Ảnh: Cảnh Kỳ

Theo tìm hiểu của PV Tiền phong, giá cá tra tại ĐBSCL tháng 3 tiếp tục giảm. Cụ thể, giá cá tra nguyên liệu hiện từ 18-18.800 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg so với tháng trước, với mức giá này người nuôi lỗ 3-5.000 đồng/kg. Còn giá cá tra giống cũng chưa chuyển biến, vẫn ở mức 21-24.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất khoảng 30.000 đồng/kg. Người nuôi đang phải ‘treo ao’, ‘ngâm cá’ hoặc bán lỗ.

Không chỉ cá tra, giá tôm cũng giảm, một trong các nguyên nhân là do người nuôi lo sợ giá tiếp tục giảm nên thu hoạch sớm; trong khi DN tạm thời ngưng mua nguyên liệu do các đơn hàng bị hoãn, hủy và không có các đơn hàng mới, còn kho lạnh thì đã đầy hàng tồn kho. Theo ông Dương Nghĩa Quốc – Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2019, tổng XK cá tra đạt 2 tỷ USD thì thị trường Trung Quốc chiếm đến 662 triệu USD, việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường này khiến XK hai tháng đầu năm nay giảm mạnh.

Rất nhiều DN không có đơn hàng mới

Theo ông Trần Văn Phẩm - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng, dịch COVID-19 lây lan diện rộng khiến toàn bộ các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ách tắc, người nông dân điêu đứng, DN cũng đình đốn. Riêng đối với thị trường châu Âu và Mỹ, tháng 2 và 3 hàng năm mặc dù chưa phải là cao điểm trong giao dịch (thường là tháng 4 và 5, lúc vào vụ tôm). Theo ông Phẩm, bình thường thì đơn hàng ký kết vào thời điểm này cũng không nhiều, nhưng nay có dịch COVID-19 khiến tình trạng sụt giảm càng nghiêm trọng hơn.

Theo VASEP, tỷ lệ các đơn hàng của các DN được giao bình thường theo hợp đồng đã ký chỉ chiếm 30-50%. Còn tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn, dừng hoặc hủy khá cao (lần lượt 20-40% và 20-30%). Đặc biệt tại thị trường châu Âu, phần lớn các đơn hàng tôm bị yêu cầu hoãn hoặc hủy. Nguyên nhân chính được khách hàng đưa ra là do chính phủ các nước đóng cửa biên giới vì dịch COVID-19.

Ngành thủy sản điêu đứng vì dịch COVID -19 ảnh 2 Trong các mặt hàng thủy sản, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất khi xuất khẩu 3 tháng đầu năm giảm 31%. Ảnh: Cảnh Kỳ

Rất nhiều DN vừa và nhỏ gần như không có các đơn hàng mới trong quý II và III/2020. Hầu hết các DN thủy sản ở cả 3 nhóm hàng (tôm, cá tra, hải sản khai thác) đều gặp khó khăn về tài chính vì thu hồi tiền từ khách hàng rất chậm, doanh thu XK giảm mạnh, không xoay vòng được vốn, không có tiền trả các khoản vay ngân hàng, trong khi phải gánh nhiều loại chi phí tại ngân hàng cũng như phát sinh nhiều khoản chi phí mới do tình hình vận chuyển hàng hóa…

VASEP cho biết đã gửi công văn đến Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, kiến nghị Bộ trưởng báo cáo hoặc có ý kiến đề nghị với Chính phủ, các bộ ngành liên quan về các khó khăn mà cộng đồng DN đang gặp phải. Trong đó, kiến nghị Chính phủ xem xét miễn nộp kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) trong năm 2020, tạm dừng việc đóng BHXH đến cuối năm 2020, không tính lãi nộp chậm; xem xét giảm 50% thuế thu nhập DN năm 2020; giảm giá điện cho các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép gia hạn thời gian thanh toán tiền điện; tạm ngưng thu phí BOT đến hết năm 2020 để giảm chi phí vận chuyển.

VASEP cũng kiến nghị giảm tần suất và số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất nhằm giảm áp lực về thời gian và nhân lực cho các DN thủy sản. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng có gói hỗ trợ cho vay lãi suất thấp cho các DN và tạo điều kiện cho các DN có thể tiếp cận với gói vay lãi suất ưu đãi này; cho gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, không phạt nợ quá hạn, tạo điều kiện cho DN tiếp tục sản xuất; giảm các loại phí khi DN giao dịch với ngân hàng…

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.