Khi nông dân mất ruộng

Nghệ An: Nhà máy về làng, nông dân mất ruộng

Nghệ An: Nhà máy về làng, nông dân mất ruộng
Việc nhà máy chế biến đá xẻ của HTX Thành Công về làng đã làm cho nhiều bà con xã Nghi Trường (Nghi Lộc) mất ruộng. Cùng với điều đó là lối "làm ăn" kỳ cục của chính quyền địa phương.
Nghệ An: Nhà máy về làng, nông dân mất ruộng ảnh 1
Khuôn viên xưởng sản xuất gạch, đá xẻ của HTX Thành Công. Ảnh: Phan Sáng

Ông Nguyễn Đình Ba - Bí thư chi bộ xóm 14 xã Nghi Trường - cho biết: Từ ngày dự án bắt đầu manh nha, bà con đã phản đối kịch liệt, nhưng cuối cùng cũng phải chịu thua, vì cán bộ địa phương cho rằng, có nhà máy về sẽ làm đổi đời cho cả xã.

Trước khi đưa nhà máy về đặt tại khu vực này, ông Lê Xuân Sơn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Thành Công - có hứa với địa phương là sẽ đầu tư xây dựng nhà trạm xá, đường nhựa, tạo công ăn việc làm cho bà con trong vùng.

Ngày 18/11/2004, UBND huyện Nghi Lộc có công văn số 615 đề nghị UBND xã Nghi Trường, UBND tỉnh Nghệ An, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng cho phép HTX Thành Công tiến hành các thủ tục về việc thuê 2 ha đất.

Sau đó, nhân cuộc họp xóm, ông xóm trưởng xóm 14 đã thông báo cho bà con biết, ngày hôm sau nếu ai có đất ở khu vực dự án nhà máy chế biến đá xẻ thì ra đó mà nhận tiền đền bù. Dân tình không hiểu gì, người nọ hỏi người kia, vì họ không hề nhận được một thông báo bằng văn bản của chính quyền huyện hoặc xã.

Hôm sau, ai có đất trong khu vực ấy đều được đền bù. Nhưng doanh nghiệp đền bù không công bằng, ông Lê Xuân Sơn thích cho ai bao nhiêu thì cho, người 500 nghìn, người 1 triệu đồng chứ không hề có một khung giá hay dựa trên cơ sở nào để đền bù. Khi chúng tôi xin xem danh sách các hộ đền bù thì ông Sơn trả lời: “Thằng em tôi cầm, nó đi công tác chưa về”.

Khu đất được chọn xây dựng nhà máy trước đây toàn là cồn cát, sau đó xã bán phần đất nổi trên để phục vụ việc xây dựng tuyến đường Vinh - Cửa Lò. Một thời gian sau, cả một vùng đồi bãi trở thành hầm hố, khi ấy bà con Nghi Trường mới ra khai hoang sản xuất, mạnh ai nấy làm, xã không cấm và cũng không hề quản lý. Chẳng bao lâu nhờ bàn tay chăm sóc của bà con, vùng đất này đã trở nên xanh tốt bởi nhiều loại cây hoa màu, lúa ngô, khoai, sắn, đậu lạc.

Cuối năm 2003, đất đai bắt đầu bị thu hồi để giao cho HTX Thành Công khởi công xây dựng nhà máy vào năm 2005. Đến tháng 4/2005, nhà máy đã đi vào hoạt động, nhưng công tác giải phóng mặt bằng chưa xong.

Cách giải quyết kỳ cục?

Về nguyên tắc dự án phải được UBND tỉnh cấp giấy phép mới được tiến hành xây dựng. Nhưng ở đây chưa giải phóng xong mặt bằng, nhiều hộ dân còn chưa được đền bù... đã bị lấy mất ruộng.

Lý giải về chuyện này, ông Hoàng Văn Biên - Chủ tịch UBND xã Nghi Trường - nói: “Do đất hoang, không ai được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nên không đưa vào chủ trương mà chỉ giao cho doanh nghiệp thỏa thuận nội bộ với bà con nông dân”.

Cũng chính từ quan điểm ấy nên từ khi dự án bắt đầu manh nha cho đến khi xây dựng, việc đền bù như thế nào xã không can thiệp mà phó mặc cho doanh nghiệp. Xã cũng không đưa ra yêu cầu một khung giá hoặc định mức nào để doanh nghiệp đền bù cho bà con nông dân.Hiện nay còn một số hộ dân đã bị mất ruộng, nhưng vẫn chưa được đền bù.

Mang tiếng là được nhận tiền đền bù mà như đi nhận tiền bố thí. Lên hỏi chính quyền địa phương thì không ai đứng ra can thiệp. Ngoài ra, trong khi nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp chỉ là 2.936 m2 đất, trong đó nhà kho 700 m2, 12 máy cắt chiếm 36 m2, 4 máy xẻ 2000 m2, 1 máy nghiền đá 200 m2, nhưng không hiểu sao tỉnh Nghệ An lại cấp cho doanh nghiệp này (đơn thuần chỉ là xưởng sản xuất gạch, đá xẻ) một diện tích đất quá lớn, ban đầu là 2 ha nhưng sau nâng lên 2,3 ha.

Sau khi nhà máy đi vào hoạt động, ông Sơn đã lấy 100 công nhân là con em vùng phụ cận nhưng chưa đầy một tháng, số công nhân đó chỉ còn lại 50%, với lý do là không làm được việc khiến người dân lại càng bất bình.

MỚI - NÓNG