Nghệ An: Nông dân khổ vì bò sữa

Nghệ An: Nông dân khổ vì bò sữa
TP - Nhà máy sữa cách nơi chăn nuôi hàng trăm km, sữa bò không tiêu thụ được khiến nông dân ở Nghệ An khốn đốn. Trong khi, gánh nợ ngân hàng ngày càng chồng chất...
Nghệ An: Nông dân khổ vì bò sữa ảnh 1
Bò sữa, đi về đâu?  (ảnh chụp đàn bò sữa nhà ông Qui)

Năm 2001, Nghệ An triển khai dự án chăn nuôi bò sữa. Đến nay đàn bò đã lên tới gần 1.500 con (trong đó huyện miền núi Nghĩa Đàn có số lượng bò sữa đông nhất: 721 con).

Ông Nguyễn Kim Qui, Chủ tịch Hiệp hội bò sữa Nghĩa Đàn (Nghĩa Quang – Nghĩa Đàn) là một người “máu” chăn nuôi. Vì thế, nghe tin địa phương có chủ trương triển khai dự án bò sữa, ông Qui hăng hái tham gia.

Ông ra Thanh Hóa, Ba Vì (Hà Tây); vào các tỉnh khu vực phía Nam “nghiên cứu phương pháp nuôi bò lấy sữa”, mang kiến thức học hỏi được về Nghĩa Đàn để mở trang trại.

“Trước 2003, chúng tôi tính toán rằng nếu nuôi 1 con bò sữa sẽ cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng/năm từ nguồn sữa tươi, đó là chưa kể tiền lãi từ bò mẹ đẻ ra bê con, sau 12 tháng vỗ béo bán được cả chục triệu đồng” - Ông Qui nói.

Với suy nghĩ này, ông Nguyễn Kim Qui bỏ tiền ra mua 5 con bò sữa (giá mỗi con 23.750.000đ; Nhà nước hỗ trợ 4.750.000, nông dân đầu tư 19 triệu đồng/con).

Dốc sức chăn nuôi đúng bài bản như kỹ thuật đã học được, đàn bò hộ ông Qui lớn nhanh, bò mẹ đẻ ra bê thành đàn thành lứa. Mỗi chiều lên đồi nhìn bầy gia súc thong thả gặm cỏ, con nào con nấy béo nung núc, tràn đầy sức sống, người chủ trang trại mỉm cười lạc quan. Mấy chục triệu đồng tiền vốn đầu tư cho nghề nuôi bò lấy sữa, chẳng mấy chốc mà nên. Giấc mơ làm giàu lung linh hiện ra trước mắt.

Nhưng niềm vui chưa tày gang thì nỗi lo ập đến: Sữa tươi bán cho ai? Hàng trăm lít sữa bò vắt ra bỗng trở thành một gánh nặng cho người chăn nuôi, vì không có người thu mua, vận chuyển đi tiêu thụ. Đến lúc này các hộ nằm trong dự án chăn nuôi bò sữa lẫn các nhà chức trách mới giật mình vì bế tắc đầu ra.

Tối mắt tối mũi vì sản phẩm sữa tươi ngày càng đầy, ông Chủ tịch Hiệp hội bò sữa Nghĩa Đàn phải tìm giải pháp bất đắc dĩ: chở sữa ra Bắc, nhập cho các xưởng sản xuất kem! Nhưng nẻo đường xa gập ghềnh, tiền xăng xe có khi đắt hơn tiền sữa bán được, nên vận chuyển một thời gian đành phải bỏ.

Trong tình cảnh “dở khóc dở cười đó”, nhiều hộ chăn nuôi ở Nghĩa Đàn nói riêng, toàn tỉnh Nghệ An nói chung đã phải xách từng lít sữa đi bán lẻ. Dự án “làm ăn lớn” mà tiêu thụ từng lít nhỏ lẻ thì thật tức cười.

Không bán được sữa tươi, ông Qui nghĩ cách tiêu thụ sữa bằng phương pháp sấy khô. Trung tâm khuyến nông huyện hỗ trợ một phần kinh phí, ông Qui mua chiếc máy chế biến bánh sữa.

Thả rông bò sữa

Đến đầu tháng 6 năm 2006, tổng đàn bò và bê sữa của Nghệ An là 1.490 con, giảm 117 con so với cuối năm 2005. Trong đó 87 con bị xuất bán ra thị trường để làm thịt; chết 14 con.

Nghĩa Đàn là địa phương có nhiều bò sữa bị chết, đó là bò của gia đình ông Hùng (Đông Hiếu); Hương Cường (Nghĩa Tiến); anh Hồng (Nghĩa Quang); ông Lan (Nghĩa Hưng)…

Từ chỗ được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, đàn bò sữa ở nhiều nơi “thất sủng”, không được nhà nông chăm sóc chu đáo như trước nữa, mà đem thả rông với bò lai Sin.

“Công nghệ làm bánh sữa như kiểu nấu mật, nếu vận hành máy hết công suất thì có thể đạt 1,2 tạ sản phẩm/ngày” - Ông Qui kể. Nhưng than ôi, số phận của bánh sữa gia đình người nông dân này làm ra cũng bi đát như số phận của sữa bò, tiêu thụ rất khó khăn.

“Làm ăn lớn”, chẳng lẽ lại mang từng miếng bánh đi bán lẻ? Hàng tấn bánh sữa bán lẻ biết bao giờ mới hết? Không bán kịp thì mốc, hỏng, ế. Lúc đó mất cả vốn lẫn lãi. Cho nên làm bánh sữa được một thời gian thấy “nỏ ăn thua”, ông Chủ tịch Hiệp hội bò sữa Nghĩa Đàn đành dừng tay, gác máy.

Máy nghỉ nhưng bò không nghỉ. Bò cần ăn để tồn tại. Mà miệng bò ăn thì núi cũng lở, vì loài bò sữa ăn rất… sang, ngoài cỏ sữa (loại cỏ dành để chăn nuôi bò sữa), còn phải cho nó ăn thêm bánh dinh dưỡng, cám.

Ăn có ngon thì sữa mới đảm bảo chất lượng. Tốn kém lắm! Tiền đầu tư nuôi đàn bò tính từng ngày, trong khi sữa lại không bán được, thế là đàn bò trở thành nỗi khổ cho mọi gia đình.

Lúc khởi sự ông Qui mua 5 con. Nuôi 5 năm đàn bò tăng lên chục con. Và bây giờ trở về điểm xuất phát ban đầu: chuồng bò nhà ông chỉ còn lại 5 con.

Một số bò ốm chết; một số bị bán làm thịt; số bò hiện tại ông nuôi cầm chừng, xem “Nhà nước” giải quyết thế nào với dự án này. “Nhiều hộ chăn nuôi bò sữa đứng trước nguy cơ bị bể nợ, vì không trả nổi tiền vay ngân hàng” - Ông Qui bảo.

Gia đình ông Nguyễn Hồng Quang (xóm 2, xã Nghĩa Tiến, huyện Nghĩa Đàn) nuôi 5 con bò sữa, cũng đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan như ông Qui.

Toàn bộ diện tích đất trồng hoa màu, ông Quang chuyển sang trồng cỏ sữa. Mỗi ngày các chú bò xơi 2,5 tạ cỏ (hộ nào không trồng được cỏ, phải chi 20.000đ mua thức ăn/ngày/con).

Ông Quang than: “Nếu kéo dài tình trạng bế tắc đầu ra như thế này thì đàn bò sẽ phá sản. Sức chịu đựng của nhiều hộ chăn nuôi đã cạn rồi, có người đã đem bò ra chợ bán, thịt”.  

Số phận của đàn bò sữa làm người ta liên tưởng đến thăng trầm đàn hươu Quỳnh Lưu – Nghệ An. Một thời vàng son, bây giờ hươu đã thành… dĩ vãng. 

Bài 2: Giải pháp nào cứu các hộ chăn nuôi?

MỚI - NÓNG