Nghề bay sẽ theo mình hết cả cuộc đời

Cơ phó Airbus A350 Trương Châu Hiếu Đức trải lòng về quá trình vượt qua muôn vàn thử thách để được “cất cánh” cùng Vietnam Airlines.
Cơ phó Airbus A350 Trương Châu Hiếu Đức trải lòng về quá trình vượt qua muôn vàn thử thách để được “cất cánh” cùng Vietnam Airlines.
Trước thềm kỷ niệm 60 năm thành lập Đoàn bay 919 của Vietnam Airlines, Cơ phó Airbus A350 Trương Châu Hiếu Đức với 2500 giờ bay đã có những trải lòng về quá trình vượt qua muôn vàn thử thách để được “cất cánh” cùng Hãng hàng không quốc gia.

Như một sự duyên nợ với nghề bay, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử tại Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, tình cờ Hiếu Đức đi ngang qua Trung tâm Huấn luyện bay 117 Hồng Hà, TP. Hồ Chí Minh và thấy bản tin tuyển dụng phi công cơ bản (PCCB) của Vietnam Airlines, lập tức chàng trai trẻ bắt đầu ý nghĩ về việc trở thành phi công. Dẫu biết đó là ước mơ khó thành nhưng Hiếu Đức vẫn quyết tâm nộp đơn thi tuyển. Sau quá trình vượt qua các kỳ thi, Hiếu Đức đã được chọn tham gia vào lớp Dự khoá Bay PCCB. 

Sau khi kết thúc khoá học dự khoá, anh đã từ bỏ khá nhiều cơ hội cho ngành nghề Điện tử mà mình theo học. Gia đình Hiếu Đức vốn “thuần mặt đất”, ba mẹ chỉ buôn bán nhỏ ở tỉnh nên phải đắn đo suy nghĩ rất nhiều anh mới thuyết phục được người thân để theo đuổi nghề bay. Lý giải về điều này, Hiếu Đức chia sẻ: “Nhờ cơ duyên với Vietnam Airlines, tôi mới được đánh thức niềm tin và niềm đam mê với bầu trời.”

Chia sẻ về những ngày đầu đặt chân đến Mỹ, Hiếu Đức nói: “Lần đầu tiên đặt chân đến đất nước giàu có và hiện đại nhất thế giới như nước Mỹ, tôi không khỏi bỡ ngỡ và lạ lẫm. Thời gian đầu, tôi đã gặp muôn vàn khó khăn như văn hoá, đi lại, phương pháp học... Ở đây có rất nhiều bạn học đến từ các quốc gia khác như Hà Lan, Thuỵ Sĩ, Ý, Thái Lan, Indonesia...”

“Tôi bị stress trong khoảng 4-5 tháng đầu, vì liên tục vừa học lý thuyết vừa tập bay. Dù đã dự báo trước được sự khó khăn, đào tạo nghiêm ngặt nhưng tôi vẫn không thể tránh khỏi. Đây là một ngành nghề rất đặc thù, không chỉ về kiến thức, kỹ năng bay mà còn phụ thuộc vào thời tiết, tàu bay và tâm lý”, anh nói.

Để có được các bằng cấp từ Cục Hàng không Mỹ (FAA) không hề dễ dàng mà phải có sự kiên nhẫn và quyết tâm. Hiếu Đức phải vượt qua các bài kiểm tra của từng giai đoạn, được giáo viên bay chấp nhận rồi sau đó mới làm bài bài kiểm tra với cơ trưởng của trường. Cuối cùng, anh mới được dự thi cùng giám khảo đến từ FAA. 

Trở về Việt Nam, Hiếu Đức tiếp tục hành trình huấn luyện đầy thử thách để gia nhập đội ngũ phi công của Vietnam Airlines. Đối với anh, để có được “đôi cánh” tương đối vững mạnh như hiện nay, anh đã trải qua rất nhiều kỳ thi an toàn hàng không, kiểm tra sức khoẻ, sát hạch, kiểm tra các bài bay trong Buồng lái thiết bị mô phỏng (SIM) định kỳ theo các tiêu chuẩn hàng không quốc tế (ICAO) của Vietnam Airlines. 

  
Nghề bay sẽ theo mình hết cả cuộc đời ảnh 1

Tại Việt Nam, Hiếu Đức tiếp tục hành trình huấn luyện đầy thử thách để gia nhập đội ngũ phi công của Vietnam Airlines.

Anh chia sẻ: “Thực tế tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, vất vả và thử thách. Ví dụ, trải qua quá trình huấn luyện chuyển loại Airbus A350, đó là những chuyến bay thật, phía sau mình là hàng trăm tính mạng con người, thời tiết mỗi lúc một khắc nghiệt. Do đó, trong đầu lúc nào cũng phải đưa ra những quyết định hay tính toán để đạt mức an toàn và hiệu quả nhất. Tuy vậy, tôi phải không ngừng học tập, trau dồi kinh nghiệm bay với các thế hệ đi trước mà còn phải tự ý thức và trân trọng nghề nghiệp mình có như bây giờ.”

Bên cạnh Hiếu Đức, hiện nay Vietnam Airlines có rất nhiều phi công được đào tạo bài bản tại Mỹ, anh hào hứng nói: “Việc có rất nhiều bạn đang theo học bay ở Mỹ là tín hiệu mừng cho nền hàng không dân dụng ở Việt Nam. Vì với nhu cầu phát triển rất nhanh của hàng không hiện nay, đó là nguồn lực rất quan trọng cho sau này cho đất nước.”

Chia sẻ về dự định của mình trong những năm tới, Hiếu Đức cho biết: “Mục tiêu của tôi là phấn đấu sớm trở thành cơ trưởng của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Với sự quan tâm, đầu tư của Vietnam Airlines dành cho đội ngũ phi công, lại thêm môi trường đào tạo và làm việc thuận lợi, đây là những động lực khiến tôi tin mình sẽ hoàn thành mục tiêu này trong tương lai không xa.”

  
Nghề bay sẽ theo mình hết cả cuộc đời ảnh 2

Mục tiêu trước mắt của Hiếu Đức là trở thành cơ trưởng của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam.

Đối với Hiếu Đức, càng khó khăn thì sẽ càng quý trọng thành quả cũng như tự hào cho tình yêu bầu trời của mình hơn sau này. Nghề bay rất đặc thù, không giống như những ngành nghề khác, kiến thức luôn được cập nhật và đổi mới theo thời gian, do đó phải nắm thật chắc kỹ năng bay và lý thuyết thì mới tiến xa và cao hơn được nữa. 

“Tôi thấy mình khá may mắn khi “bén duyên” với Vietnam Airlines từ những ngày còn rất trẻ để rồi sớm tìm thấy con đường, mục tiêu của cuộc đời mình cũng như có nhiều thời gian hơn để tích lũy kinh nghiệm. So với 60 năm “tuổi đời” của Đoàn bay 919, hành trình của tôi chưa thấm thoát vào đâu nhưng có lẽ cũng đủ để tôi khẳng định nghề bay là nghề sẽ theo tôi đến hết cả cuộc đời”, anh Đức chia sẻ.

MỚI - NÓNG