Nghêu chết, “tiền tỷ” phơi trắng bãi biển

Nghêu chết, “tiền tỷ” phơi trắng bãi biển
TP - Sau Tết, đã đến vụ thu hoạch nhưng nhiều bãi nghêu tại các huyện Ba Tri và Bình Đại, Bến Tre nghêu chết hàng loạt.

Ông Khổng Văn Lịnh, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Bảo Thuận (Ba Tri, Bến Tre) rầu rĩ trên đống xác nghêu ở bãi biển:

“HTX Bảo Thuận có 700 ha nuôi nghêu cho doanh thu hàng năm hơn 7 tỷ đồng. Vụ này, nghêu của HTX chết gần 600 tấn (90% sản lượng) thiệt hại hơn 500 tỷ đồng.

10% nghêu còn lại của HTX cũng không tìm được đơn vị tiêu thụ do sợ nghêu nhiễm bệnh, vụ này coi như mất trắng”. Liền kề HTX Bảo Thuận là bãi nghêu của xã Tân Thủy, tình trạng nghêu chết bị đánh dạt vào bờ cũng khá nghiêm trọng.

Theo ước tính ban đầu của Ban chủ nhiệm HTX ở xã Tân Thủy, 20% sản lượng nghêu đã chết và đang tiếp tục chết nữa. Tại HTX thủy sản Rạng Đông, từ đầu năm đến nay, số lượng nghêu chết đã lên đến 40 tấn khiến nông dân rất hoang mang.

Các năm trước, nghêu chết chỉ rải rác, không đáng kể. Năm nay, nghêu bắt đầu chết từ giáp Tết Nguyên đán và ngày càng nghiêm trọng.

Bến Tre có hơn 15.000 ha nghêu tập trung ở các huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Toàn tỉnh có 10 HTX nuôi nghêu với hàng chục ngàn hộ dân.

Bà Trần Thị Thu Nga, PGĐ Sở Thủy sản Bến Tre cho biết, Sở này đã phối hợp với Sở TN-MT tiến hành phân tích mẫu nghêu chết và kết luận nguyên nhân là do thời tiết thay đổi bất thường. “Hầu như không có cách khắc phục để cứu các bãi nghêu, chỉ trông chờ vào ông trời thôi”- Bà Nga ngán ngẩm.

Nước mắt nông dân

HTX Thủy sản Bảo Thuận có 2.197 hộ (đa phần là nghèo) với 9.362 nhân khẩu. Trong đó, 460 hộ không có ruộng đất, sống nhờ vào con nghêu nay lâm cảnh đói. Gần 500 hộ khác sống chủ yếu từ nghề thu hoạch nghêu, mỗi ngày được trả công 50-70 ngàn đồng, nay mất nguồn thu nhập chủ yếu này thì khốn đốn. Hàng ngàn người dân trong HTX đã tỏa đi khắp nơi để làm thuê kiếm sống.

Anh Trần Văn Lâm ở ấp Thanh Hải, xã viên kiêm bảo vệ bãi nghêu của HTX Thủy sản Bảo Thuận kể: “Nhà tôi không có ruộng đất, 5 miệng ăn năm nào cũng mượn tiền đong gạo đến mùa nghêu trả, năm nay không có tiền nghêu nên nợ nần chồng chất. Tiền lương bảo vệ không biết bao giờ mới được nhận. Vợ con tôi đã dắt nhau đi làm mướn”.

Liền kề với anh Lâm là hộ anh Mai Việt Thanh, công an ấp, có vợ và hai con nhỏ sống nhờ vào nghêu. Anh Thanh than thở: “Năm rồi tôi vay ngân hàng chính sách 3 triệu đồng đầu tư trồng dưa cũng mất mùa nặng, chỉ thu lại có 1 triệu thôi. Vợ chồng tôi đang chuẩn bị theo dân xã đi làm mướn”.

Ông Nguyễn Văn Mum, Bí thư Đảng ủy xã Bảo Thuận, nói: “Xã này vừa thành lập, ngân sách rất nghèo. Trước mắt, chúng tôi chỉ còn cách đi vận động các ban ngành và đơn vị hảo tâm hỗ trợ vật chất giúp dân qua hoạn nạn, việc còn lại là chờ trời cho con nghêu sống vào vụ tới, nếu không dân xã sẽ vô cùng khó khăn”.

MỚI - NÓNG