“Nghi án” giao dịch nội gián

“Nghi án” giao dịch nội gián
Có khá nhiều nghi án về giao dịch nội gián trên TTCK, nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa làm sáng tỏ dù đã “đưa vào tầm ngắm”. Trong khi các cơ quan chức năng “chậm chân” thì những người giao dịch nội gián đang kiếm tiền tỉ.

>> 'Cần đề phòng kinh doanh nội gián có tổ chức' 

Đúng như... tin đồn!

Từ sau tết, giá cổ phiếu (CP) của một đơn vị niêm yết tăng mạnh trong suốt 12 phiên (tính đến phiên giao dịch ngày 13-3), trong đó có chín phiên tăng giá kịch trần.

Theo anh H., một nhà đầu tư (NĐT) tại sàn ACBS, giới chơi chứng khoán đang rỉ tai nhau thông tin về việc đơn vị này sẽ phát hành CP để tăng vốn điều lệ, với tỉ lệ và giá hấp dẫn, mặc dù những thông tin này chưa được công bố.

Cũng theo anh H., thông tin này hoàn toàn có cơ sở, do một “tay trong” - người nhà của một quan chức cỡ bự - đã âm thầm mua vào hơn 10.000 CP từ cuối tháng 1-2007. Nhưng chuyện gom CP chỉ mới được bàn dân thiên hạ biết được vài ngày trước phiên giao dịch đầu tiên của năm Đinh Hợi, sau khi đơn vị này phải giải trình theo yêu cầu của Trung tâm Giao dịch chứng khoán (TTGDCK).

Tương tự, từ đầu tháng 10-2006, một số NĐT có “máu mặt” rỉ tai nhau về thông tin một công ty xây dựng đang ăn nên làm ra, có CP niêm yết trên sàn, sẽ phát hành thêm CP để tăng vốn điều lệ từ 50 tỉ đồng lên 200 tỉ đồng và thưởng cho cổ đông.

Tỉ lệ được thưởng rất hấp dẫn: cổ đông nắm giữ một CP được thưởng bốn CP. Ngay lập tức giá CP liên tục tăng như vũ bão, từ mức 200.000 đồng/CP đã tăng lên hơn 500.000 đồng/CP vào phiên giao dịch ngày 25-12-2006 - thời điểm những thông tin về việc tăng vốn điều lệ và phát hành CP thưởng chính thức được công bố. So với thông tin rỉ tai ban đầu, những nội dung của hội đồng quản trị (HĐQT) đơn vị này thông qua chỉ không đúng ở một điểm: tỉ lệ thưởng CP là 1:3.

Giám đốc một công ty chứng khoán khẳng định thị trường có khá nhiều giao dịch “đen”. Trong bảy năm qua kể từ khi thị trường chứng khoán VN đi vào hoạt động, “nghi án” giao dịch nội gián lớn nhất là giao dịch có liên quan đến CP của một công ty bánh kẹo.

Ở thời điểm công ty này đang lùng bùng trong vụ “biến lỗ thành lời” cho năm tài chính 2002, ông L.V., thành viên HĐQT, đã bán ra 40.000 CP của công ty. Khi đó, giới đầu tư nghi ngờ ông V. biết được nội tình nên đã kịp thời tháo chạy. Và quả thật, tháng 6-2003, ông V. bước ra khỏi HĐQT công ty này.

“Rò” từ đâu?

Theo nghị định số 36 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán vừa ban hành ngày 8-3, những hành vi bị qui về tội giao dịch nội bộ trong giao dịch chứng khoán bao gồm:

sử dụng thông tin nội bộ để thực hiện mua, bán chứng khoán của công ty đại chúng, quĩ đại chúng cho chính mình hoặc bên thứ ba; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho bên thứ ba mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ.

Các vi phạm này bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với cá nhân và từ 50-70 triệu đồng đối với tổ chức. 

Các công ty chứng khoán cho biết thông tin hiện nay đang được giới “cò” săn tìm ráo riết là nhân viên của Vietcombank sẽ được mua CP ưu đãi như thế nào.

“Sẽ có những người chực chờ để “chộp” thông tin này từ Ngân hàng Nhà nước, sau đó sớm tiếp cận một số nhân viên đang gặp khó khăn của Vietcombank để mua lại suất này” - trưởng phòng môi giới một công ty chứng khoán cho biết.

Cũng theo ông, thông tin “mật” của doanh nghiệp còn có thể bị rò rỉ từ HĐQT bởi những thành viên này báo cho người quen thực hiện các giao dịch (mua hoặc bán) trước khi thông tin đến với công chúng.

Ngoài ra, TTGDCK cũng là nơi dễ rò rỉ nhất vì thông tin được chuyển lòng vòng qua một số phòng ban chức năng của TTGD trước khi được đăng tải trên website hoặc trên bản tin hằng ngày.

Giới đầu tư vẫn thường kể với nhau câu chuyện về một công ty quản lý quĩ đầu tư nước ngoài sau những ngày phân tích ròng rã các chỉ số tài chính và tiềm năng thị trường của một công ty niêm yết đã quyết định “đánh” vài triệu USD CP của công ty này. Tuy nhiên, một nhân viên của phòng phân tích đã kịp chạy gom tiền “đánh” trước. Hóa ra, trong những ngày cùng đồng nghiệp vùi đầu phân tích các chỉ số và trước khi bản đánh giá được hoàn tất, người này đã mua gom số lượng lớn và anh ta đã hốt bạc.

Với các giao dịch lớn của các quĩ đầu tư thì thông tin bị rò rỉ ở các công ty chứng khoán - nơi các quĩ này đặt lệnh. Các nhân viên ở phòng môi giới là những người tiếp cận thông tin này trước, và một số đã nhanh chân hơn vì khi các quĩ mua CP, giá sẽ tăng. Theo giới tài chính, hiện tượng này được xem là một hoạt động giao dịch nội gián với tên gọi phổ biến là “front-running”, tức cầm tiền chạy trước... quĩ (đầu tư).

Không thể kiểm soát?

Theo phó chủ tịch một công ty quản lý quĩ đầu tư, các giao dịch nội gián gần như không thể kiểm soát được do cơ quan quản lý nhà nước còn thiếu kinh nghiệm và luật còn quá lỏng lẻo. Ông cho rằng động thái gần đây nhất của TTGDCK nhằm phát hiện và ngăn chặn giao dịch nội gián là yêu cầu các công ty có giá CP tăng kịch trần trong năm phiên liên tiếp phải giải trình về các thông tin có liên quan đến việc tăng giá.

Một số công ty giải trình do họ có hợp đồng mới, một số lại cho rằng họ có kế hoạch phát hành CP thưởng, số khác nói tăng là theo xu hướng chung của thị trường. “Những giải thích này đương nhiên được chấp nhận vì cơ quan quản lý thị trường cũng khó lần ra những ai đã đứng sau các vụ tăng giá này” - ông nhận xét.

Theo TTGDCK, mỗi ngày có hàng chục ngàn lệnh mua, bán được đặt. Trong số này, trung tâm lọc ra vài trăm giao dịch có “nghi ngờ”, đem phân tích bằng cách kiểm tra số tài khoản của NĐT, từ đó lật ngược lại xem các khoản mua bán của họ trước đó.

“Trên thực tế rất khó để tìm ra manh mối, vì đối với các giao dịch nội gián, hiếm khi người có liên hệ trực tiếp đứng ra giao dịch mà thường thông qua bên thứ ba. Nếu không có ai “mách nước” cho rằng cô X. này có liên quan với anh Y. - chủ tịch HĐQT công ty Z - thì chúng tôi cũng khó mà biết được” - một cán bộ của trung tâm thừa nhận.

Theo Hải Đăng-Như Hằng
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG