Nghi tráo nhãn mác, khách hàng đòi kiện Con Cưng ra tòa

Người tiêu dùng đòi khỏi kiện Con Cưng ra tòa
Người tiêu dùng đòi khỏi kiện Con Cưng ra tòa
TPO - Ông Trương Đình Công Vĩnh (ngụ Q.Tân Bình) cho biết, sẽ kiện ra tòa đối với vụ việc Con Cưng bán hàng giả nhãn mác, gây ảnh hưởng đến tâm lý và có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng (NTD).

Hiện ông Vĩnh đã gởi hồ sơ đến Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) để phản ánh vụ việc, đồng thời, yêu cầu làm rõ vấn đề. Ông Vĩnh cho rằng, không thể chấp nhận một doanh nghiệp (DN) lớn, có thương hiệu và hệ thống siêu thị rộng khắp như Con Cưng lừa dối khách hàng.

Theo ông Vinh lý do ông sẽ khởi kiện đơn vị này bởi khách hàng bỏ tiền mua sắm cho con cháu, chấp nhận giá bán cao thì phải được nhận về món hàng đúng giá trị. "Đây cũng chính là niềm tin của NTD đối với thương hiệu của DN, không thể đánh lừa"- ông Vinh nói và cho biết đến nay phía Con Cưng chưa giải quyết những vấn đề mà tôi phản ánh về nghi vấn thay đổi nhãn mác sản phẩm. "Những khiếu nại của tôi đến nay vẫn chưa được giải quyết"- ông Vinh nói thêm.

Nghi tráo nhãn mác, khách hàng đòi kiện Con Cưng ra tòa ảnh 1 Lực lượng chức năng kiểm tra gần 100 cửa hàng Con Cưng tại TPHCM

“Theo thông tin phía Con Cưng cung cấp, vấn đề thay tên đổi họ là do sai sót của nhà sản xuất ở Thái Lan, vậy trách nhiệm của Con Cưng ở đâu khi nhập khẩu lô hàng này?” - ông Vĩnh đặt vấn đề. Do đó, ông Vĩnh yêu cầu Con Cưng phải minh bạch, rõ ràng các thông tin về xuất xứ, chất lượng của sản phẩm đúng với quy định của pháp luật Việt Nam.

Trong khi đó, luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho biết, khách hàng có quyền khởi kiện DN ra tòa nếu cảm thấy quyền lợi của họ bị xâm phạm. Theo đó, cá nhân có thể thông qua các Hiệp hội như Hội bảo vệ NTD để được hỗ trợ, nhờ luật sư hoặc tự mình bảo vệ quyền lợi, đòi bồi thường thiệt hại cho mình.

Nghi tráo nhãn mác, khách hàng đòi kiện Con Cưng ra tòa ảnh 2 Luật sư Phạm Ngọc Hưng cho biết khách hàng có quyền khởi kiện doanh nghiệp

Theo ông Hưng, cần làm rõ vấn đề những lô hàng nhập về cửa hàng Con Cưng có qua Hải quan hay không, và Hải quan kiểm soát những lô hàng này như thế nào. Ví dụ nhập hàng từ Thái Lan về thì phải có hợp đồng hàng hóa, mua bán, sản phẩm này có được khai báo từ Hải quan hay chưa.

“Do đó, cần phải truy đến cơ quan Hải quan, kê khai Hải quan như thế nào. Làm rõ mấu chốt này thì mới kết luận được Con Cưng có đánh tráo tem nhãn hay không” – ông Hưng cho biết.

Nghi tráo nhãn mác, khách hàng đòi kiện Con Cưng ra tòa ảnh 3 Lùm xùm tem nhãn của Con Cưng gây thất vọng cho người tiêu dùng

Cơ quan quản lý cần làm rõ, đơn vị nào vi phạm cần phải xử lý nghiêm khắc bằng 2 biện pháp, xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự nếu vi phạm theo luật hình sự mới. Với pháp luật mới quy định, kể cả việc giả mạo, gây nhầm lẫn cho NTD thì có thể xử lý hành chính, rút giấy phép kinh doanh… Trường hợp nếu vi phạm ở quy mô lớn hơn, tái phạm nhiều lần thì có thể xử lý hình sự.

“Rõ ràng, lực lượng quản lý thị trường, lực lượng thanh tra còn mỏng; sự cộng tác của các đơn vị DN trong việc chống cạnh tranh không lành mạnh chưa tốt lắm nên khâu quản lý chưa thực sự chặt chẽ” - ông Hưng nêu bất cập.

Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (LBVQLNTD), Luật Cạnh tranh:

Khoản 2 Điều 8 LBVQLNTD và khoản 1 Điều 10 luật này nghiêm cấm hành vi lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho NTD thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Điểm a khoản 3 Điều 45 Luật Cạnh tranh, hành vi đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về xuất xứ hàng hóa, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công… là hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh.

Khoản 7 Điều 8 LBVQLNTD quy định rõ NTD có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Khoản 2 Điều 11 LBVQLNTD quy định tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo điểm đ khoản 1, khoản 4 Điều 66 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi NTD thì thương nhân thực hiện hành vi che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho NTD theo quy định bị phạt tiền 10-20 triệu đồng; hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh từ 1-6 tháng hoặc đình chỉ hoạt động từ 1-6 tháng.

Theo khoản 2, khoản 3 Điều 33 Nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh thì vi phạm nêu trên có thể bị phạt tiền 80-140 triệu đồng; ngoài ra, DN vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

MỚI - NÓNG