Nghi vấn Cty Nhật Bản hối lộ hơn 5 tỷ đồng: Thủ tướng chỉ đạo làm rõ

Tenma Việt Nam vẫn hoạt động bình thường sau nghi vấn hối lộ. Ảnh: Nguyễn Thắng
Tenma Việt Nam vẫn hoạt động bình thường sau nghi vấn hối lộ. Ảnh: Nguyễn Thắng
TP - Theo các chuyên gia, nghi vấn Tenma hối lộ quan chức Việt Nam 5 tỷ đồng để tránh được khoản truy thu thuế nếu đúng sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh cho công tác quản lý, giám sát thanh kiểm tra thuế. Dù chưa thể xác tín nhưng thông tin ban đầu đã làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam. Để khắc phục, mọi hoạt động thanh kiểm tra thuế, hải quan phải công khai, minh bạch. 

Liên quan tới nghi vấn hối lộ của Tenma, chiều 27/5, xác nhận với PV Tiền Phong, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, hiện tại, Bộ đã có báo cáo bước đầu gửi Thủ tướng. Nhận định vụ việc rất phức tạp, nhạy cảm, liên quan tới quan hệ đối ngoại hai nước, môi trường đầu tư nên lãnh đạo Bộ Tài chính nói, Thanh tra Bộ sẽ làm việc rất cẩn trọng, quyết liệt, phối hợp với phía Nhật để làm rõ.

Đại diện Phòng Cảnh sát Kinh tế- PC03 Công an tỉnh Bắc Ninh cho hay, vẫn đang thu thập hồ sơ từ phía Cục Hải quan và Cục Thuế tỉnh này để phục vụ điều tra. Cũng trong ngày 27/5, đoàn Thanh tra của Bộ Tài chính đã về làm việc với Cục Hải quan và Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh theo quyết định của Bộ Tài chính.

Đến nay, vẫn chưa thể xác minh tính xác thực của vụ việc, tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, vụ Tenma là một hồi chuông cảnh báo về tình trạng thất thu thuế ở Việt Nam.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, tại Việt Nam, hành vi gian lận thuế ngày càng lớn và thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Đặc biệt, theo vị chuyên gia, tình trạng chuyển giá là một chiêu trò trốn thuế phổ biến của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) ngày càng gia tăng và phức tạp. Trong đó, cách thức chuyển giá điển hình của các DN này là: Kê khai cao giá hàng hóa, nguyên vật liệu và cung ứng các dịch vụ hành chính, kỹ thuật, pháp lý trong nội bộ tập đoàn (điển hình như trường hợp của Adidas Việt Nam, Coca - Cola Việt Nam, Pepsi Việt Nam, …); Hoặc chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết với chi phí lãi vay luôn vượt quá mức thông thường để có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (trường hợp của Công ty Trà Đài Loan, Công ty trà Kinh Lộ, Keangnam Vina,…).

PGS.TS Phạm Thế Anh cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ra việc thất thoát thuế ở Việt Nam hiện nay có phần do cán bộ thuế, hải quan và DN “bắt tay” nhau. Ví dụ, DN phải nộp 100 đồng tiền thuế, nhưng cán bộ thuế thỏa thuận với đại diện DN chỉ nộp 40 đồng. Số thuế còn lại chia đều cho hai bên, lúc này nhà nước bị thất thoát tới 60 đồng tiền thuế.

Với vụ việc Tenma nghi hối lộ công chức Việt Nam 5,4 tỷ đồng để xóa truy thu thuế, giảm thuế, vị chuyên gia đánh giá nếu là thông tin đúng thì đây cũng là một trong số những “chiêu” trốn thuế của DN. Để thực hiện hành vi gian lận thuế, thậm chí có những DN còn lôi kéo một số cán bộ thuế sa ngã, tiếp tay cho hành vi phạm tội.

Nghiên cứu “Trốn và tránh thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt  Nam” của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách đã chỉ ra, mức thất thu thuế có xu hướng tăng kể từ năm 2014 đến nay. Trung bình trong giai đoạn 2013 - 2017, ước tính mức thuế thất thu vào khoảng 15.600 - 20.700 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, mức thất thu từ khu vực FDI lên tới 8.000 - 9.000 tỷ đồng, tương đương 4 - 4,5% số thu thuế TNDN. Còn mức thất thu từ ngân sách Nhà nước hằng năm có thể lên tới 10.500 tỷ đồng, xấp xỉ 5% số thu thuế TNDN hằng năm.

“Nếu như trong năm 2010 chỉ 10.000 DN gian lận về thuế thì năm 2018 con số này là 120.000. Không chỉ DN FDI gian lận thuế mà cả DN nhà nước và tư nhân, trong đó DN FDI chiếm đa số”, theo nghiên cứu của VEPR.

Đáng chú ý, gần đây, các chuyên gia cho biết, còn xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận “ngược” từ nước ngoài vào Việt Nam của một bộ phận DN FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất cũng như thời gian miễn, giảm thuế TNDN. Việt Nam thậm chí còn được ví là “thiên đường trốn thuế TNDN”. Ví dụ, Facebook và Google, hai gã khổng lồ trong lĩnh vực internet đến từ Mỹ đã và đang thực hiện hoạt động kinh doanh quảng cáo tại Việt Nam, nhưng không thực hiện nghĩa vụ thuế ở Việt Nam.

Cùng với hiện tượng chuyển giá quốc tế, chuyển giá nội địa cũng ngày một phổ biến, gây thất thu ngân sách lớn và làm méo mó môi trường kinh doanh. Chuyển giá nội địa thường xảy ra ở những giao dịch liên kết giữa các công ty mẹ và công ty con thuộc các tổng công ty, tập đoàn lớn của nhà nước, giữa các DN FDI trong nước có quan hệ liên kết và được hưởng các mức ưu đãi thuế TNDN khác nhau.

Để hạn chế xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực thuế, hải quan, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, các quy trình, thủ tục nộp thuế, thanh kiểm tra phải công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế, hải quan.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm vụ Tenma
Liên quan đến việc một số báo của Nhật Bản như Asahi, Kyodo, Nikkei... đưa tin Công ty TNHH Tenma Việt Nam hai lần hối lộ tổng cộng 25 triệu Yên cho một số cán bộ, công chức Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa giao các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, làm rõ thông tin nêu trên. Thủ tướng yêu cầu, nếu thông tin trên là đúng thì phải xử lý nghiêm, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng và chống thất thu thuế.

Trước đó, trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội về nghi vấn Công ty Tenma đưa hối lộ cho cán bộ, công chức thuế, hải quan, Đại tướng Tô Lâm, Bộ Trưởng Bộ Công an cho biết: Phía Việt Nam đang phối hợp với Nhật điều tra. Hiện vụ việc đang được các cơ quan thanh tra thuế, tài chính kiểm tra, rà soát lại xem mức độ như thế nào để tiến hành các biện pháp khác. Bộ Công an đang phối hợp để nắm bắt tình hình. “Nhật là nơi xuất phát nguồn gốc thông tin của vụ việc, chúng ta phải có phối hợp quốc tế để điều tra tội phạm ”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh. Văn Kiên

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.