Nghi vấn tham nhũng thì phải “làm chặt” kê khai tài sản

Nghi vấn tham nhũng thì phải “làm chặt” kê khai tài sản
TP - Chúng ta phải tiến tới minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, đó là một trong những biện pháp để ngăn chặn tham nhũng hiệu quả. Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế – Ngân sách của QH Tào Hữu Phùng nhận định.

Cần “tài khoản hóa” thu nhập của cán bộ, công chức

Nghi vấn tham nhũng thì phải “làm chặt” kê khai tài sản ảnh 1
Ông Tào Hữu Phùng

Thưa ông, trong khuôn khổ việc triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), Thanh tra Chính phủ đang soạn thảo một Nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập?

Vấn đề kê khai tài sản trước đây đã có quy định, nhưng trước đây chưa có Luật PCTN, việc Thanh tra Chính phủ soạn thảo Nghị định nói trên sẽ làm cho vấn đề này có tính pháp lý cao hơn.

Theo dự thảo Nghị định này thì sẽ có tổng cộng 11 nhóm đối tượng phải kê khai tài sản (Tiền phong số ra ngày 20/10 đã thông tin chi tiết về các nhóm đối tượng-PV)?

Tôi cho rằng đối tượng và nội dung kê khai theo như dự thảo là vừa phải. Chúng ta phải tiến tới minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là những biến động về tài sản của nhóm đối tượng này, đó là một trong những biện pháp để ngăn chặn tham nhũng hiệu quả, nhất là với những đối tượng có tài sản lớn nhưng không giải thích được nguồn gốc.

Dĩ nhiên, việc triển khai kê khai như thế nào thì lại liên quan đến cơ quan quản lý cán bộ, công chức.

Kê khai như vừa nêu là “vừa phải”, nhưng còn vấn đề công khai thì sao, thưa ông?

Cần công khai với tổ chức nơi mình hoạt động, còn công khai ở mức độ nào, công khai theo cách nào thì do cơ quan quản lý quyết định, chứ không phải kê khai là để cho toàn dân thiên hạ biết, vì ở đây còn vấn đề quyền cá nhân, chẳng hạn như luật pháp cho phép giữ bí mật tài khoản cá nhân...

Như vậy, chỉ kê khai trong tổ chức, đối với đối tượng nào nghi vấn tham nhũng thì mới “làm chặt”, kiểm tra tính trung thực của người kê khai.

Với những quy định về kê khai tài sản đã có hiện nay, thì lãnh đạo các cơ quan của Đảng và Nhà nước đều phải kê khai tài sản, theo ông việc này đã được triển khai như thế nào trong thời gian qua?

Tôi không có thông tin về vấn đề này... Tôi nghĩ rằng nhiều nước trên thế giới đã quen với vấn đề kê khai tài sản cán bộ, công chức, còn mình cũng lại đang “tập dượt”, Luật PCTN chỉ mới đi vào cuộc sống...

Vấn đề ở chỗ người ta không kê khai cũng không được, còn với mình là “nền kinh tế tiền mặt” nên rất khó để có điều kiện so sánh. Cần tiến tới “tài khoản hoá” thu nhập của cán bộ, công chức và hạn chế việc lưu thông tiền mặt trong nền kinh tế.

Mọi người có thu nhập đều phải có nghĩa vụ

Về  dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân mà UBKTNS vừa có báo cáo thẩm tra, ông Phùng nói:

Hiện người cứ có thu nhập từ 5 triệu đồng trở lên là phải nộp thuế thu nhập cao ngay. Còn theo dự án Luật này, tính đủ chiết trừ gia cảnh (cho bản thân và số người phải phụng dưỡng theo luật định) người có thu nhập tính từ 14 triệu đồng trở lên mới phải nộp thuế.

Ở VN có mấy ai thu nhập trên ngàn đô/tháng, tức tương đương với trên 14 triệu đồng? Rõ ràng thuế thu nhập cá nhân không hề đánh vào “dân thường”.

Nếu người độc thân không được chiết trừ gia cảnh thì mức thuế phải nộp cũng chỉ tương tự như luật định trước đây. Với tư cách là một đại biểu QH, tôi hoan nghênh tinh thần khoan sức dân như vậy.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng băn khoăn về thuế thu nhập  đánh vào tiền lãi tiết kiệm gửi ngân hàng vì đó là việc đánh thuế trùng

Ngưỡng đánh thuế đối với tiền lãi gửi tiết kiệm là từ 5 triệu/tháng trở lên và thuế suất cũng thấp, chỉ 5%. Với mức lãi thì tiền gửi ngân hàng phải là trên 700 triệu đồng, “giàu” như vậy thì đóng thuế cho Nhà nước là hợp lý.

Sẽ không bình đẳng khi công chức đi làm “còng lưng” thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng thì phải nộp thuế, còn người có tiền gửi tiết kiệm thì không. Mọi người có thu nhập đều phải có nghĩ vụ với Nhà nước.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG