Nghịch lý lãi suất

Nghịch lý lãi suất
TP - Mặc dù hàng loạt NH đã liên tục giảm lãi suất cho vay nhiều lần trong vòng 1 tháng qua nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn kêu… Đó là nghịch lý của lãi suất NH hiện nay.
Nghịch lý lãi suất ảnh 1
Nhân viên NH Sacombank đang tư vấn cho khách vay VNĐ với lãi suất USD.

Nhiều ngân hàng (NH) đang thừa tiền, hạ lãi suất liên tục nhưng vẫn khó cho vay; một số NH khác lại muốn giảm lãi suất nhưng “tiến thoái lưỡng nan”.

NH cũng gặp khó

Không chỉ các NH quốc doanh hay các NH thương mại lớn như ACB, Eximbank, Sacombank, DAB… mà các NH có vốn điều lệ thấp như Mỹ Xuyên, Việt Á, An Bình… cũng đã giảm lãi suất cho vay khá mạnh.

Hiện lãi suất cho vay phổ biến chỉ còn từ 17,5%- 19% so với 21% 2 tháng trước đây. Liệu lãi suất cho vay còn giảm được nữa? Câu trả lời là có nhưng “NH sẽ phải đối mặt với nhiều “thách thức” từ cổ đông, lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng và cả rủi ro” như thừa nhận của Tổng GĐ một NH thương mại.

Lãnh đạo nhiều NH lý giải: DN vẫn than thở nhưng NH có cái khó của NH. BIDV - NH đầu tiên giảm lãi suất cho vay ước tính sẽ giảm doanh thu trong năm 2008 khoảng 650 tỷ đồng sau 4 lần hạ lãi suất. Tuy nhiên HĐQT BIDV sẽ ít chịu sức ép hơn các NH thương mại cổ phần vì họ là NH quốc doanh.

Ông Trần Xuân Huy, Tổng GĐ Sacombank cho rằng các NH thương mại cổ phần sẽ khó “giải trình” với cổ đông hơn khi lợi nhuận năm 2008 vốn đã điều chỉnh thấp nay lại tiếp tục giảm do hạ lãi suất.

GĐ đối ngoại một NH nói: “Nếu hạ mạnh như BIDV, có thể năm 2008 chúng tôi sẽ giảm khoảng 40 tỷ lợi nhuận từ khoản này và đây là con số mà nhiều cổ đông lớn khó thông cảm trong hoàn cảnh này”.

Bên cạnh bài toán lợi nhuận thì việc nhiều NH đã chạm ngưỡng tăng trưởng tín dụng 30% cũng khiến nhiều NH không muốn hạ lãi suất thêm. Ông Trần Phương Bình, Tổng GĐ NH Đông Á cho hay NH ông không “chạy đua” hạ lãi suất là vì ưu tiên cho các khách lâu năm và “hạn chế” tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Phó Tổng GĐ một NH cũng khẳng định nếu  hạ lãi suất và mở rộng cho vay hơn nữa thì sẽ đụng phải “rào cản” 30% mà cho đến nay NHNN vẫn đang duy trì.

Ông này thừa nhận trong tình hình hiện nay, việc NHNN chưa nới lỏng tỷ lệ 30% là cần thiết vì dù các NH có tính thanh khoản hơn, thị trường tiền tệ đã đỡ căng thẳng nhưng vẫn phải đề phòng tác động từ khủng hoàng tài chính toàn cầu và lạm phát còn cao.

Hơn nữa nhiều NH còn lo ngại giảm lãi suất cho vay mạnh sẽ khiến chênh lệch giữa lãi vay và huy động nhỏ lại dẫn đến rủi ro cao, chưa kể nhiều NH còn “ôm” lượng vốn với lãi huy động trung bình 18% sẽ bị lỗ nếu giảm lãi vay nhiều.

Hiện không ít NH đang rất mong NHNN giảm lãi suất cơ bản để có cớ giảm lãi suất huy động vì nếu đầu vào hạ thì đầu ra mới mong hạ được thêm. Nhiều NH lớn như ACB, Sacombank, Eximbank, Techcombank…hiện giảm lãi suất vay dưới 19%/năm nhưng không phải từ nguồn vốn huy động 17-18%/năm, trong khi một số NH nhỏ lại hoạt động chủ yếu từ những nguồn vốn huy động lãi suất cao.

Giờ đây họ đang ở trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” vì hạ lãi suất huy động đồng nghĩa với “đuổi” khách sang NH khác, còn không thì chẳng còn nhiều vốn để chạy đua hạ lãi suất với các NH lớn.

Nhiều NH lớn cũng đang nhìn nhau để giảm lãi huy động sau vài động thái thăm dò gần đây cho thấy khách hàng gửi tiền vẫn khó chấp nhận. Với những lý do trên thì lãi suất cho vay VNĐ giảm còn trung bình 16 %/năm như các DN đang mong chờ vẫn đang ở thì tương lai.

NH giảm lãi suất vì ai?

Nhiều NH công bố giảm lãi suất để hỗ trợ DN nhưng trong nhiều trường hợp, NH hạ lãi suất trước hết vì mình. Ngay cả việc một số NH cho vay tiền đồng với lãi suất USD tưởng DN lợi lớn nhưng không hẳn. Thực ra chỉ có NH nào có nguồn cung ngoại tệ dồi dào mới bán USD lấy tiền đồng để cho vay. Sau đó DN xuất khẩu hàng xong  thu ngoại tệ về bán lại cho NH theo tỷ giá tại thời điểm ký hợp đồng vay vốn và trong hợp đồng vay ghi rõ cam kết này.

Thực hiện nghiệp vụ này, NH không những thu lợi nhuận từ chênh lệch giữa giá mua - bán ngoại tệ mà còn có đầu ra khá tốt. Không phải “tự nhiên” mà chỉ có DN xuất khẩu mới được hưởng ưu đãi này, nhất là trong thời điểm tỷ giá, lãi suất USD ổn định như hiện nay.

Trao đổi với Tiền phong, Chủ tịch HĐQT Sacombank Đặng Văn Thành thừa nhận nhiều NH thừa vốn và nếu không đẩy mạnh cho vay thì NH sẽ bí đầu ra. TS Trần Hoàng Ngân (ĐH Kinh tế TPHCM) cho rằng nếu vốn đổ về NH mà khó cho vay thì không những NH gặp khó khăn mà nền kinh tế cũng khó phát triển vì “vốn chết”.

Phó Tổng GĐ NH Đông Á Nguyễn Thị Ngọc Vân cũng cho rằng tiền vốn NH huy động được phải quay vòng mà quay càng nhanh càng tốt và “NH hạ lãi suất thì DN làm ăn dễ thở hơn, vốn sẽ nhanh chóng sẽ quay lại về NH để quay vòng”.

Chuyên gia kinh tế Đoàn Ngọc Long cũng khẳng định, DN mới là đối tượng khách chủ yếu cho nguồn tín dụng của NH mà, “nói cho cùng chính họ góp phần đem lại lợi nhuận lớn cho NH nên NH hạ lãi suất vì DN cũng là vì mình”.

MỚI - NÓNG