Nghịch lý thu hút đầu tư ngành dệt, nhuộm

Một số địa phương tạm dừng thu hút đầu tư mới vào lĩnh vực dệt, nhuộm. Ảnh: Như Ý
Một số địa phương tạm dừng thu hút đầu tư mới vào lĩnh vực dệt, nhuộm. Ảnh: Như Ý
TP - Chuẩn bị tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam phải đẩy mạnh thu hút đầu tư cho ngành sản xuất sợi, nhuộm để đáp ứng nhu cầu trong nước (thay cho nhập khẩu). Tuy nhiên, mới đây một số địa phương phía Nam lại hạn chế, thậm chí dừng cấp phép đầu tư vào lĩnh vực này vì nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Miền Nam không khuyến khích 

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành (Quyết định số 2163) danh mục dự án thuộc ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, thu hút đầu tư có điều kiện và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn. 


Theo đó, từ nay tạm dừng cấp đăng ký kinh doanh với 5 ngành nghề: Nhà máy thuộc da, sơ chế da, sơ chế và nhuộm da lông thú; sản xuất giấy, bột giấy từ nguyên liệu thô; chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao su chưa sơ chế; sản xuất hóa chất cơ bản. 

Đồng thời, một số ngành nghề thuộc lĩnh vực may mặc, dệt, nhuộm, chế biến gỗ, xi mạ kim loại… Đồng Nai xếp vào diện đầu tư có điều kiện và chỉ cấp phép vào các khu công nghiệp, có hệ thống xử lý chất thải tập trung.

“Dù cần thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm chuẩn bị cho TPP. Tuy nhiên, việc thu hút cũng không thể ồ ạt, nhà đầu tư phải vào những nơi đã quy hoạch”.

 Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)

Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu cũng ban hành Chỉ thị 43 về việc thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đó, tạm dừng thu hút đầu tư vào 8 lĩnh vực: Nhuộm, thuộc da; sản xuất thép, đặc biệt là thép xây dựng và phôi thép (trừ các dự án sản xuất thép chất lượng cao); chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao su; sản xuất hóa chất cơ bản (có phát sinh nước thải công nghiệp); sản xuất giấy các loại, bột giấy; chế biến bột cá; các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm thượng nguồn và các hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Chỉ thị cũng yêu cầu hạn chế đầu tư với các dự án: Công nghiệp xi mạ; sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật; sản xuất sơn, phụ gia, chất tẩy rửa công nghiệp; sản xuất da giày, may mặc; dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông, nhiều đất, có giá trị gia tăng thấp; dự án có phát sinh chất thải lớn, đặc biệt là khí CO2… 

Những dự án này chỉ được cấp phép khi thật sự cần thiết để phục vụ nhu cầu phát triển của tỉnh và có các điều kiện cụ thể. Đồng thời, phải được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét cho chủ trương trước khi cấp phép.

Với Bình Dương, ông Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, những ngành nghề mà Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu tạm dừng thu hút đầu tư đã được địa phương hạn chế từ lâu, để bảo vệ môi trường, tài nguyên. “Bình Dương hiện cơ bản không có nhà máy dệt, nhuộm, chỉ có các nhà máy may mặc”, ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Phước Lễ, Giám đốc Sở KH&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Tỉnh ủy ra chỉ thị hạn chế thu hút đầu tư, hoặc tạm dừng thu hút đầu tư mới nhằm bảo vệ môi trường địa phương”. Theo ông Lễ, hiện những ngành nghề thu hút đầu tư có điều kiện đang được xây dựng, nhưng điều kiện tiên quyết là không gây ô nhiễm môi trường.

Dệt, nhuộm tiến ra Bắc?

Tại Bình Dương, ông Mai Hùng Dũng cho biết, tỉnh đã công bố quy hoạch một khu công nghiệp riêng cho sản xuất dệt, nhuộm tại huyện Bầu Bàng, với diện tích khoảng 300ha. Tuy nhiên, tới nay chưa có nhà đầu tư. 

Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu, ngành nghề thuộc da, sợi, nhuộm rất ô nhiễm nên lâu nay tỉnh không khuyến khích đầu tư; việc đầu tư xử lý môi trường cũng rất tốn kém. Do đó, tỉnh chủ yếu tập trung vào khâu may mặc. 

Trao đổi với Tiền Phong, bà Đặng Phương Dung -Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, lệnh “cấm” của một số địa phương với dự án đầu tư vào dệt, nhuộm, thuộc da sẽ ảnh hưởng tới ngành dệt may. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị ký TPP, với quy định sợi vải phải được sản xuất ở nước xuất khẩu mới được hưởng ưu đãi thuế quan.

Trong khi đó, theo bà Dung, những địa phương tạm dừng cấp phép đầu tư đều tập trung nhiều nhà máy dệt may lớn, như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… “Các nhà đầu tư nước ngoài rất thích đầu tư vào những tỉnh này, do đã hình thành cụm sản xuất tập trung, nguyên phụ liệu làm ra cung ứng cho các doanh nghiệp xung quanh rất thuận tiện”, bà Dung nói. 

Theo Tổng Thư ký VITAS, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), và một số địa phương (như Nam Định, Hưng Yên, các tỉnh miền Trung…) đã chuẩn bị một số khu công nghiệp chuyên sản xuất công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may. 

Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài vẫn thích vào các tỉnh miền Nam hơn. “Dù cần thu hút đầu tư vào dệt, nhuộm chuẩn bị cho TPP. Tuy nhiên, việc thu hút cũng không thể ồ ạt, nhà đầu tư phải vào những nơi đã quy hoạch và không vướng vào chủ trương hạn chế hoặc của các địa phương”, bà Dung nói.

Ngoài ra, VITAS cũng đề xuất Chính phủ có quy hoạch các khu phát triển nguyên phụ liệu dệt may, có đất sạch. Thậm chí Chính phủ hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý chất thải tại các khu công nghiệp tập trung, những DN đầu tư vào sẽ trả phí dịch vụ xử lý chất thải cho nhà nước. 

“Nếu nhà nước hỗ trợ, lĩnh vực dệt nhuộm sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn, đồng thời bảo vệ môi trường, giúp DN giải quyết khó khăn về vốn đầu tư cho xử lý chất thải”, bà Dung nói.

MỚI - NÓNG