Khát bên những công trình nước sạch tiền tỷ - Bài 2:

Nghịch lý và lãng phí công trình nước sạch tiền tỷ bỏ hoang

Nhiều công trình tiền tỷ bỏ hoang như thế này. Ảnh: QN.
Nhiều công trình tiền tỷ bỏ hoang như thế này. Ảnh: QN.
TP - Công trình nước sạch tiền tỷ bỏ hoang, trong khi người dân ở nhiều địa phương phải dùng nguồn nước ô nhiễm. Thậm chí, nguồn nước có nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu, khiến người dân mắc bệnh nan y ngày càng nhiều.

Công trình tiền tỷ bỏ hoang

Trong khi người dân Yên Lâm (Yên Định, Thanh Hóa) đang sử dụng nguồn nước gây ô nhiễm thì 2 cụm nước sạch được đầu tư với số vốn gần 1 tỷ đồng lại đang “đắp chiếu”. Đại diện UBND xã Yên Lâm - Chủ đầu tư cụm nước sạch thôn Thắng Long cho biết, công trình trị giá 400 triệu đồng (trích từ nguồn vốn chương trình 134); bàn giao cho trưởng thôn và người dân năm 2008.

Theo khảo sát của chúng tôi, cụm nước đặt phía trước nhà văn hóa thôn, gồm: nhà điều hành, giếng nước, 2 bể lọc, téc chứa nước. Nhà điều hành cỏ dại mọc đến ngang tường, che kín lối vào, cửa kính vỡ vụn. Hai bể lọc, giếng nước cũng bị cỏ che kín. Téc nước trên cao hoen gỉ, khô cong.

Ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng thôn Thắng Long (đơn vị có trách nhiệm vận hành, bảo quản công trình) cho biết: “Khi nhận bàn giao, chúng tôi chỉ nhận trông coi, bảo quản cơ sở vật chất, nhưng không được hướng dẫn cách vận hành. Tôi tự tìm hiểu thì quy trình sẽ dùng máy bơm, bơm nước từ giếng lên hệ thống bể lọc. Lọc xong, bơm nước téc để người dân đến lấy nước về dùng. Nhưng giờ cây cối mọc um tùm hết, bể lọc cũng không còn tác dụng”.

   

Theo ông Linh, cụm nước được nối điện để máy bơm hoạt động nhưng chưa được lắp đặt công tơ, hợp đồng điện với đơn vị quản lý.

Tại thôn Phúc Trí (Yên Lâm) cũng được đầu tư cụm nước sinh hoạt cộng đồng và đường ống dẫn nước về tận các hộ dân với số vốn khoảng 500 triệu đồng nhưng đến nay chỉ hoạt động “thoi thóp”.

Theo ông Lê Hồng Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lâm, nguồn nước ngầm tại Yên Lâm có nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu nên nhu cầu nước đảm bảo vệ sinh rất cấp thiết. Tuy nhiên, cụm nước hợp vệ sinh tại địa phương chưa mang lại hiệu quả. Cụm nước không hiệu quả do việc xây dựng chưa phù hợp tập quán của người dân và không có kinh phí duy tu, vận hành, bảo trì.

“Nhà nước cho công trình nếu không nhận thì có tội với dân. Tiếc là đầu tư xây dựng rồi, không mang lại hiệu quả, để phí trong khi nhu cầu nước sạch rất cấp thiết", ông Mạnh nói.

Theo thống kê của Trạm Y tế xã Yên Lâm, từ khi Cty Nicotex đặt nhà xưởng nơi tiếp giáp với xã Yên Lâm, có gần 1.000 người dân bị bệnh hiểm nghèo, bệnh có dấu hiệu liên quan đến ô nhiễm môi trường do thuốc bảo vệ thực vật gây ra. Trong đó, có 142 người mắc ung thư; thôn cao nhất có 25 người mắc.

Cụm nước hợp vệ sinh tại bản Lé (Lay Nưa, Mường Lay, Điện Biên) cũng bỏ hoang, trong khi người dân gùi nước mỗi ngày. Trưởng bản Lé - Mào A Chín cho biết, năm 2008, nhà nước đầu tư cụm nước hợp vệ sinh gồm: Một bể chứa nước trên đỉnh núi Hồi Củng; đường ống dẫn nước và bể tập trung lại 3 bản (Lé, Tô Sen, Ho Cang). Khi bàn giao, nước chảy được vài ngày sau đó khô kiệt. Năm 2011, UBND thị xã đầu tư, sửa chữa lần 2, nhưng nước chảy chưa được chục ngày lại hỏng tiếp.

Tại gia đình trưởng bản Mào A Chín có một bể nước công cộng (cao chừng 2m, rộng 2m, dài 3m) cạn trơ đáy, vòi nước gỉ sét. Phần sân xung quanh bể nước vỡ tan, cây mọc um tùm. Trong các lần cán bộ xã tiếp xúc cử tri, ông Chín đề xuất sửa chữa cụm nước, nhận được câu trả lời của lãnh đạo xã Lay Nưa: “Nhà nước chỉ đầu tư 1 lần, người dân phải tự vận hành, sửa chữa”.

“Đường nước bị hư, chúng tôi muốn sửa lại cũng không biết đường ống nước chôn ở đâu. Nhà thầu chỉ bàn giao công trình không bàn giao bản thiết kế nên chúng tôi không biết đường nào mà sửa, chỉ khi đường ống chỗ nào lộ ra mới biết”, ông Chín nói.

Theo ông Vũ Xuân Linh, Phó chủ tịch UBND thị xã Mường Lay, xã Lay Nưa có 13 bản đã được đầu tư 8 công trình nước tự chảy hợp vệ sinh trong giai đoạn từ năm 2003– 2009, tổng nguồn vốn khoảng 30 tỷ đồng (từ chương trình 134 và 135 của Chính phủ). Khi bàn giao cho UBND xã, xã giao về các bản tự quản lý. Cán bộ xã trực tiếp kiểm tra nếu xảy ra hư hỏng, tắc đường ống phải sưa chữa. Nếu hỏng lỗi kỹ thuật lớn, xã báo lên huyện để giải quyết sau.

Công trình nước tại bản Nậm Cày (Chăn Nưa, Sìn Hồ) gồm 1 bể chứa, hệ thống lọc đầu nguồn; ống dẫn nước bằng thép; 5 bể nước tại khu dân cư. Bể chứa nước tại đầu nguồn cây cối mọc hoang vu, ống dẫn nước đứt đoạn, hoen gỉ. Có 2 bể nước hoạt động nhờ nguồn nước dẫn bằng đường ống của người dân tự làm. Người dân dùng miếng cao su hoặc nút chai nhựa thay thế các vòi nước hỏng. Ba bể nước còn lại đã bị đập bỏ.

Cạnh Nậm Cày, bản Chiềng Chăn 4 (Chăn Nưa) có 70 hộ dân được đầu tư công trình nước theo dự án tái định cư thủy điện Sơn La. Nhưng ống dẫn nước bị tắc, không có nước về bể, người dân vẫn ngày ngày đem xô, chậu đi xách nước. Một dây dẫn nhỏ chia đều cho gần chục gia đình thay nhau lấy nước.

Chồng chéo công trình, tàn phá lẫn nhau

Theo ông Lò Văn Dán, Chủ tịch UBND xã Chăn Nưa, công trình nước sạch ở Nậm Cày bỏ hoang do sự chồng chéo giữa dự án nước sạch, đào kênh mương và nâng cấp quốc lộ. Đường nước hoạt động tốt, nhưng dự án làm kênh mương, máy xúc đào phải. Gắn lại chưa được bao lâu thì dự án nâng cấp quốc lộ tiếp tục đào ống nước lên lần 2.

“Ông giao thông nâng cấp đường thì bảo chúng tôi được phê duyệt rồi nên phải làm. Ông nước sạch lại nói dự án của tôi đã cấp vốn và hứa với dân nên cũng phải làm. Hai bên có lí riêng, mạnh ai nấy làm, gây chồng chéo, vỡ nát công trình”, ông Dán cho biết.

Trưởng bản Nậm Cày Lường Văn Thương cho biết, đơn vị thi công đường làm vỡ ống nước có hứa với người dân sẽ sửa chữa nhưng làm xong họ “chạy” mất.

Ông Đồng Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết, công trình cấp nước bị hỏng, trách nhiệm bảo quản, vận hành thuộc về UBND xã và các trưởng bản. “Cả tuyến đường nâng cấp tỉnh lộ từ Điện Biên về Lai Châu, việc thi công chồng chéo vào công trình nước sạch là bình thường. Khi làm hỏng, nhà đầu tư phải sửa lại thôi, cũng là đầu tư công của nhà nước cả”, ông Liệt nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Miến, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường Lai Châu, nhu cầu nước hợp vệ sinh của Lai Châu rất cấp thiết. Lai Châu còn gần 100.000 người dân phải sử dụng nước từ các nguồn nhỏ lẻ (như mó, nước sông, khe, suối…) không qua xử lý. Năm 2014, toàn tỉnh có gần 180 công trình cấp nước tập trung không hoạt động (chiếm 22%); gần 100 công trình hoạt động kém hiệu quả (chiếm 11%); gần 130 công trình hoạt động trung bình.

Theo ông Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, trung bình mỗi năm ngân sách tỉnh đầu tư khoảng 25 tỷ đồng cho chương trình nước sạch. Đến nay, hơn 2.300 bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu gần như đều có công trình nước sạch. UBND tỉnh đánh giá, có 20% số công trình hoạt động không hiệu quả do bị thiên tai tàn phá, không quản lý, bảo quản thường xuyên.

Ông Quảng thừa nhận có tình trạng, công trình bàn giao cho người dân vài hôm là hỏng. Trách nhiệm thuộc về các Ban quản lý công trình tại xã và đơn vị thi công. Khi hỏng hóc, xã dùng vốn ngân sách sửa chữa. Ông Quảng cho rằng, phải nâng cao được ý thức bảo quản của người dân và trách nhiệm của chính quyền tại cơ sở.

Đầu năm 2015, UBND tỉnh Thanh Hóa giám sát 60 công trình nước sạch xây dựng giai đoạn 2010-2013 ở các xã miền núi, có trên 30% hư hỏng (tắc, vỡ đường ống, bể lọc hỏng, bể nước không phù hợp với khu dân cư).

Số công trình này nằm trong tổng số 173 công trình được xây dựng tại Thanh Hóa với số tiền đầu tư 176 tỷ đồng, trích từ Chương trình 134, 135 và Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch nông thôn.


MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".