Nghiêm trọng và khó gỡ

Nghiêm trọng và khó gỡ
TP - Tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) trên địa bàn các tỉnh thành phía Nam đang hết sức nghiêm trọng, không chỉ gây sự cố mất điện, làm thiệt hại kinh tế mà còn ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân.

> Tuổi trẻ EVN vì an toàn lưới điện
> Đảm bảo truyền tải điện trong mùa mưa bão

Ngày một nghiêm trọng

Ông Hồ Quang Ái - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) cho biết, trong năm 2012 có 16 vụ tai nạn điện trong nhân dân, khiến 22 người chết và bị thương. Mặc dù có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng thời gian qua tình hình vi phạm HLATLĐ vẫn diễn ra rất phức tạp, như việc xây cất, cơi nới nhà cửa và trồng cây xanh trong hành lang, treo mắc dây câu tạp, biển quảng cáo, thi công treo mắc dây thông tin trên trụ điện bừa bãi đã gây ra nhiều sự cố lưới điện và đặc biệt gây ra các vụ tai nạn làm thiệt hại đến tính mạng người dân.

Theo thời gian, những vụ vi phạm HLATLĐ không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng. Sự việc cây dầu vướng vào đường dây 500kV hồi tháng 5/2013 vừa qua tại tỉnh Bình Dương làm rã lưới, gây mất điện toàn bộ 22 tỉnh, thành phía Nam, gây thiệt hại nhiều tỉ đồng là vụ việc nghiêm trọng và điển hình.

Ban Kỹ thuật an toàn (EVN SPC) cho biết, thỉ tính riêng từ cuối tháng 8 đến hết tháng 9/2013, tại 21 tỉnh thành phía Nam đã xảy ra hàng chục sự cố mất điện do vi phạm HLATLĐ gây ra. Chẳng hạn, ngày 9/9, tại Bình Dương, trong lúc dọn nhà ông Lương Nguyễn Quốc Vũ bất cẩn đưa cây inox dài khoảng 6m chạm vào đường dây 22kV khiến ông bị bỏng nặng và gây ngắt mạch điện.

Trước đó, tại Đồng Nai, ngày 7.9, người dân xây nhà, dùng ròng rọc kéo sắt gây phóng điện và mất điện. Tại Tiền Giang, giông lớn làm gãy nhánh bay vào đường dây. Ở Vũng Tàu, mưa giông làm cây xanh ngã vào lưới điện 22kV. Trước đó nữa, tại Trà Vinh, cây xanh ở chùa Hang bị gió lốc làm chạm vào đường dây gây mất điện ngày 23/8...

Những vụ việc trên không chỉ gây mất điện trên diện rộng, ngành điện phải huy động nhiều nguồn lực để khắc phục sự cố mà còn gây trở ngại, thiệt hại lớn cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Gồng mình giải tỏa

Trước tình trạng vi phạm HLATLĐ ngày một nghiêm trọng, EVN SPC đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tại các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp chấn chỉnh, đảm bảo an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn. Tuy nhiên, ở hầu hết các địa phương, việc bảo vệ HLATLĐ đều đang gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử như ở tỉnh Bình Phước, trong 473 km đường dây điện cao áp hiện có hàng trăm vị trí vi phạm HLATLĐ, tập trung ở các huyện Đồng Phú, Chơn Thành, Bù Gia Mập, Hớn Quản và TX.Phước Long. Nguyên nhân vi phạm HLATLĐ phổ biến nhất ở Bình Phước là do người dân trồng cao su gần hành lang lưới điện.

Ông Võ Minh Thợi - Phó giám đốc Điện lực Hớn Quản (Công ty Điện lực Bình Phước) cho biết, phần lớn lưới điện đi qua diện tích trồng cao su đều bị cây bao phủ. Khoảng 3 tháng vào mùa nắng và 2 tháng vào mừa mưa, Điện lực Hớn Quảng lại triển khai công tác phát quang hành lang an toàn lưới điện. Nhưng do địa bàn rộng, nhân lực, phương tiện xe cộ không đủ để thực hiện nên công tác phát quang gặp nhiều trở ngại.

Không những thế, theo ông Thợi, công tác giải tỏa HLATLĐ trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn nằm ngoài tầm giải quyết của ngành điện. Trước đây khi cấp chủ quyền sở hữu đất cho người dân, chính quyền “quên” trừ hành lang lộ giới, khi công trình xây dựng đường dây điện cao áp “ ăn” vào đất người dân.

Muốn giải tỏa HLATLĐ phải đền bù thỏa đáng và được sự đồng thuận của người dân. Do không có kinh phí bồi thường, di dời nên chính quyền địa phương cho phép người dân được trồng cây ngắn ngày trong HLATLĐ. Nhưng sau một thời gian, người dân đã thay đổi từ cây ngắn ngày sang cây cao su. Đấy là chưa kể, ý thức của người dân về sự nguy hiểm do vi phạm HLATLĐ chưa cao nên không hợp tác chặt bỏ những cây trồng nằm trong khu HLATLĐ.

Một nguyên nhân dẫn đến việc khó xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm HLATLĐ là do người dân chưa hiểu rõ các quy định về việc bảo vệ HLATLĐ. Nhiều người vẫn còn chủ quan, không lường trước được các tai nạn có thể xảy ra khi xây dựng nhà ở, công trình trong HLATLĐ. Trong khi đó, công tác kiểm tra, phối hợp tuyên truyền giữa ngành điện và các cơ quan liên ngành trong việc bảo vệ an toàn hành lang lưới điện vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG