Ngọc trai ở Phú Quốc: Nhiều như cá khô

Ngọc trai ở Phú Quốc: Nhiều như cá khô
TP - Đến đảo Phú Quốc (Kiên Giang) hiện nay, thấy ngọc trai bày bán nhiều như cá khô. Từ Nam đến Bắc đảo, từ bến tàu thủy đến cảng hàng không, từ cổng di tích nhà tù đến chợ đêm Dinh Cậu, đâu đâu cũng thấy ngọc trai bày bán, trong tủ kính, chung với hàng nước mắm, với sạp cá rau.
Ngọc trai ở Phú Quốc: Nhiều như cá khô ảnh 1

Ngọc trai của cơ sở nuôi cấy ngọc trai Quốc An được bảo hành một năm. Ảnh: Hồng Lĩnh

Sau lúc lựa chọn, tôi mua một hạt ngọc lớn giá 500.000 đồng và một chuỗi ngọc 500.000 đồng tại cơ sở nuôi cấy ngọc trai Quốc An ở ấp Đường Bào, xã Dương Tơ. Cô gái bán ngọc, xuất phiếu bảo hành thời hạn một năm.

Tôi bảo: “Đề nghị ghi rõ là ngọc trai Phú Quốc”. Cô bán hàng chỉ vào hóa đơn có đóng dấu cơ sở nuôi cấy ngọc trai Quốc An, trả lời: “Có con dấu, chữ ký của cơ sở đây rồi, khỏi cần ghi gì nữa”.

Cầm hạt ngọc và chuỗi ngọc nói trên đến một chuyên gia về nuôi cấy ngọc trai, tôi được lời phán thẳng thừng: “Không phải ngọc trai nuôi cấy ở Phú Quốc, loại này giá chỉ vài chục ngàn đồng. Chỉ có ngọc trai thế nào đó mới viết giấy bảo hành cho khách một năm”.

Mỗi ngày có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến Phú Quốc, ghé nơi bán ngọc trai. Khách đi theo đoàn, tài xế và chủ xe cho dừng đâu thì xuống đó. Một tài xế tiết lộ, ngoài tiền bo họ còn được hưởng 20 phần trăm tiền hoa hồng từ bán ngọc trai.

Nhiều cửa hàng, khi hỏi ngọc trai họ đều nói là ngọc trai Phú Quốc, nhưng nuôi cấy ở đâu thì không nói hoặc nói sai lạc. Cũng có người thật thà nói rõ nguồn gốc, chỉ biết hàng tháng có người xách bao tải đến, mua bao nhiêu lấy bấy nhiêu.

Cho nên, ngọc trai nuôi trên đảo Phú Quốc là ngọc nước mặn, nổi tiếng thế giới, nhưng ngọc bán trên đảo Phú Quốc thì đủ thứ thập cẩm: Ngọc nước mặn, ngọc nước ngọt, ngọc Việt Nam, ngọc Trung Quốc, thậm chí một vài nơi bán ngọc trai làm bằng nhựa.

Ông Lê Quốc Tuấn, cán bộ Sở KH&ĐT tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Trên đảo Phú Quốc chỉ có hai cơ sở nuôi cấy ngọc trai.

Một cơ sở nuôi cấy ngọc trai trước đây của người Nhật tại thị trấn An Thới, giải thể năm 1997. Sau đó, ông Hồ Phi Thủy, một người dân trên đảo, đã mua lại toàn bộ cơ sở và thuê chuyên gia người Nhật lo kỹ thuật nuôi cấy, hiện tên chính thức là Doanh nghiệp Ngọc trai Ngọc Hiền, trụ sở đóng tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ.

Một cơ sở khác do một Cty của người Úc nuôi cấy ngọc trai từ nhiều năm qua nhưng hoạt động cầm chừng”.

Ông Hồ Phi Thủy, chủ cơ sở nuôi cấy ngọc trai Ngọc Hiền, tâm sự: “Sản phẩm của tôi chủ yếu xuất khẩu qua Nhật, còn lại gia đình đứng ra bán. Nên ngọc trai nuôi ở Phú Quốc không có để bán khắp nơi, giá rẻ như thế. Mỗi con trai chúng tôi nuôi, sau ba năm chỉ lấy được một viên ngọc. Trong khi ngọc trai có nguồn gốc Trung Quốc nuôi nước ngọt, mỗi con cho cả trăm viên”.

Ông Lữ Minh Hải, Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường Kiên Giang, thừa nhận: Chưa xác định các loại ngọc trai bán tràn lan trên đảo Phú Quốc có nguồn gốc từ Trung Quốc hay không, nhưng ông Hải khẳng định: “Người nuôi rất ít, người bán rất nhiều”. 

MỚI - NÓNG