Người bán hàng rong thành “vua rau sạch”

Người bán hàng rong thành “vua rau sạch”
Cám cảnh trước chuyện chủ nhiệm HTX Anh Đào (TP.Đà Lạt) quẩy gánh rau sạch đi bán trên vỉa hè với giá như rau bình thường, một giảng viên ở TP.HCM đã giới thiệu HTX với Saigon Co.op. Từ đó Anh Đào ngày càng ăn nên làm ra, trở thành thương hiệu rau nổi tiếng, được công nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Anh Nguyễn Công Thừa, giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (HTX Anh Đào) cho biết khi mới thành lập (năm 2003) chỉ có 7 xã viên, trồng những loại rau bình thường với đầu ra là các chợ nhỏ. Anh đã lặn lội xuống TP.HCM và một số tỉnh lân cận để kiếm mối bán rau nhưng hiệu quả mang lại chỉ nhỉnh hơn các hộ trồng rau nhỏ lẻ một ít vì giá cả lên xuống thất thường.

Hai năm sau, khi ngành nông nghiệp địa phương phát động trồng rau an toàn, HTX Anh Đào hưởng ứng ngay vì nghĩ rau sạch ắt đắt hàng, thế nhưng thực tế khác xa với kỳ vọng. HTX đầu tư nguồn vốn lớn làm nhà kính để trồng rau an toàn khiến giá thành của rau khá cao nhưng phải bán với giá như rau bình thường, hầu như không có lãi. Nguyên nhân, thời điểm đó thị trường chưa tồn tại thói quen tiêu dùng, phân loại giá trị rau. Các xã viên không khỏi nản lòng nhưng động viên nhau tìm hướng xoay xở để phát triển chứ bỏ ngang thì xem như xóa sổ HTX.

Người bán hàng rong thành “vua rau sạch” ảnh 1
 

Hàng ngày xã viên gánh rau ra vỉa hè ở Đà Lạt vừa bán vừa quảng bá rau sạch. Năm 2006, khi đang tham quan Đà Lạt, tình cờ nhìn thấy gánh rau chân vịt, xà lách… trông rất ngon mắt, một giảng viên của Đại học Nông lâm (TP.HCM) đã đến mua và hỏi chuyện. Sau khi dùng thử các loại rau này, cô giáo liền giới thiệu anh Thừa với Saigon Co.op.

Liên kết chuỗi chặt chẽ và ổn định

Lãnh đạo Saigon Co.op đã lên Đà Lạt tìm hiểu quy trình sản xuất rau sạch của Anh Đào, yêu cầu gửi một số mẫu rau đi giám định. Sau đó ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nửa tấn rau các loại mỗi ngày với giá cao hơn rau bình thường khoảng 10%. Sản lượng rau mà Saigon Co.op đặt hàng tại HTX Anh Đào cho hệ thống siêu thị của mình tăng dần đến mức hàng tấn mỗi ngày. Dần dà, một số đầu mối tiêu thụ rau khác cũng biết tiếng, đặt quan hệ làm ăn với HTX Anh Đào. Có đầu ra ổn định, ban quản trị HTX Anh Đào quyết định kết nạp thêm nhiều xã viên, gia tăng hợp đồng liên kết với các nông hộ.

Người bán hàng rong thành “vua rau sạch” ảnh 2
 

“Từ một HTX nhỏ với 7 xã viên, 12 ha đất sản xuất, giờ đây Anh Đào đã có 22 xã viên, đồng thời liên kết với 80 nông hộ, mở rộng diện tích lên 270 ha. Anh Đào còn liên kết với các HTX Xuân Hương, Tân Tiến, Toàn Thắng và các doanh nghiệp khác như Cty TNHH Thảo Nguyên, Cty Thảo Mộc để nâng cao năng lực, quy mô sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Sản lượng năm 2017 là 40 ngàn tấn, doanh thu 210 tỷ đồng, lợi nhuận 20,8 tỷ đồng. Dự kiến năm nay doanh thu và lợi nhận sẽ tăng khoảng 12%. Các xã viên đều có thu nhập hơn 1 tỉ đồng/năm, còn các hộ liên kết khoảng 660 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, HTX còn giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 180 lao động với mức lương từ 5,5 - 6,5 triệu đồng/tháng”, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc HTX Anh Đào phấn khởi nói.

Người bán hàng rong thành “vua rau sạch” ảnh 3
 

Để đạt thành quả đó, HTX đã hỗ trợ vốn, giống, vật tư; hướng dẫn kỹ thuật canh tác rau công nghệ cao rồi bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các hộ liên kết. Trong số 270 ha đất nói trên có tới 150 ha ứng dụng công nghệ cao với chi phí đầu tư từ 1,8 – 2,2 tỷ/ha cho hệ thống nhà kính, nhà lưới; các hệ thống tưới, điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng hoàn toàn tự động.

Theo chị Tuyết, điều kiện tiên quyết là các xã viên và nông hộ liên kết đều phải sản xuất rau tiêu chuẩn VietGAP, tuân thủ quy trình do HTX đưa ra để có những sản phẩm đạt chất lượng cao, sạch, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đến năm 2012, Canada đã hỗ trợ HTX Anh Đào dự án xây dựng thương hiệu và logo nhận diện sản phẩm an toàn VietGAP nhãn xanh. Từ năm 2015, HTX Anh Đào được cấp giấy chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo Quy định của Bộ NN&PTNT.

Mặt khác, HTX tổ chức khép kín từ khâu canh tác, thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm; áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến sơ chế sản phẩm. Nông sản sau khi thu hoạch sẽ được tập kết về khu nhà xưởng hiện đại, bảo quản trong phòng lạnh, vận chuyển bằng xe chuyên dụng, nhờ vậy nâng cao được chất lượng và giá trị của sản phẩm nông nghiệp. HTX trang bị hàng chục xe tải, xe đông lạnh chuyên dụng để vận chuyển phân phối rau.

Đến nay, 70 chủng loại rau của HTX Anh Đào mang thương hiệu Anh Dao Co-op đã phủ khắp các tỉnh, thành trong nước, chủ yếu qua hệ thống siêu thị, cửa hàng, chuỗi nhà hàng, khách sạn hạng sao. Mặt khác, từ năm 2014, HTX Anh Đào ký hợp đồng xuất khẩu rau với Tập đoàn CJ Group, mỗi tháng cung cấp 60 tấn rau sang Hàn Quốc.  

Anh Ha Hang (xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương) cho biết trước kia làm nông cực lắm, nhiều khi lỗ vốn vì thời tiết thất thường, lắm lúc chưa kịp vui vì được mùa đã khốn đốn vì rau rớt giá. Từ khi liên kết với HTX Anh Đào thì không phải lo âu thấp thỏm nữa. Toàn bộ sản phẩm đều được HTX bao tiêu với giá cả ổn định, được thu mua tận chân ruộng.

Anh Đào một trong những HTX tốp đầu trong sản xuất rau an toàn tại địa phương; tiên phong áp dụng công nghệ sau thu hoạch và sử dụng mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm tạo niềm tin cho người tiêu dùng; thành công trong việc xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”, ông Lại Thế Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV Lâm Đồng nói.

MỚI - NÓNG