Người chinh phục sông Đà

Bác Thái Phụng Nê (áo đen) trao đổi phương án thi công.
Bác Thái Phụng Nê (áo đen) trao đổi phương án thi công.
TP - Mỗi lần vinh dự được trò chuyện, làm việc với Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê tôi lại nhớ đến nhân vật Pa-ven Coóc-sa-ghin trong tác phẩm "Thép đã tôi thế đấy". Tôi cảm nhận được lửa trong nghề luôn cháy trong ông. Cháy nhưng khiêm nhường, nghiêm cẩn.

Bỏ giảng đường chọn… công trường

Khi được biết ông Thái Phụng Nê đã từng có 10 năm học tập, tham gia Ðoàn thanh niên cứu quốc của lưu học sinh tại Liên Xô và cũng là một trong số ít sinh viên được kết nạp Ðảng tại trường, tôi lại càng chắc chắn liên tưởng của mình là có cơ sở.  Sự gần gũi, giản dị, luôn sôi nổi nhiệt tình nhưng cũng nghiêm nghị, quyết đoán ở ông rất quen thuộc với “tính cách Nga”, khí chất Nga cũng như nhân vật Pa-ven Coóc-sa-ghin.

Hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh ở Liên Xô với tấm bằng Phó tiến sỹ về thủy công, năm 1964 về nước, ông nhận quyết định điều động về Viện Nghiên cứu Khoa học Thủy lợi, nhưng ông tình nguyện khoác ba lô đi xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà tại tỉnh Yên Bái. Quyết định ấy đồng nghĩa với việc ông từ bỏ giảng đường để chọn công trường bộn bề công việc dưới làn mưa bom, bão đạn của giặc.

Thời điểm ấy, Mỹ đánh phá miền Bắc. Công trường đã trở thành chiến trường khi máy bay Mỹ thường xuyên ném bom phá hoại. Ông Nê kể, có lần địch ném bom vào công trường, làm chết 37 cán bộ, công nhân, xác đồng nghiệp nằm la liệt trên đất. Ðau xót vô cùng. Vậy là phải cầm súng. Ngoài nhiệm vụ của Trưởng phòng kỹ thuật, ông Nê được giao một khẩu súng được huấn luyện như một chiến sỹ thực thụ. Hệ thống giao thông hào kéo sát đến bàn làm việc nên mỗi khi có báo động, ông cùng anh em cầm súng sẵn sàng chiến đấu.

Cuối năm 1969, khi Ðế Quốc Mỹ ngừng ném bom phá hoại miền Bắc, công trường Thủy điện Thác Bà phát động phong trào thi đua lao động sôi nổi. Nhiệm vụ đặt ra là làm thế nào đưa tổ máy số 1 vào chạy thử sớm nhất. Nhưng làm sao có thể lắp đặt tổ máy khi chưa tiến hành ngăn dòng, nước vùng hạ lưu vẫn tràn vào? Ông Nê đã đề xuất giải pháp làm bờ bao tổ máy 1 để ngăn nước, bên trong bờ bao vẫn làm việc bình thường. Sáng kiến của ông được các chuyên gia Liên Xô đồng tình ủng hộ. Nhờ đó, tổ máy số 1 sớm đi vào hoạt động. Năm 1971, Nhà máy thủy điện Thác Bà đã có thể phát điện tổ máy số 1. Việc đưa tổ máy số 1 vào vận hành sớm đã rút ngắn được thời gian thi công 1 năm. Năm 1972 phát điện cả 3 tổ máy, hoàn thành công trình. Ngày khánh thành nhà máy cũng là ngày ông Nê khoác ba lô lên đường đến với công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình, đối mặt với những thử thách mới: Chinh phục sông Ðà.

Người chinh phục sông Đà ảnh 1

Lắp đặt Roto tổ máy số 1, thủy điện Lai Châu. Ảnh: Minh Đức.

Từ chối làm Bộ trưởng

Nhận nhiệm vụ mới, ông Nê được giao làm Trưởng Ban Quản lý, Phó Bí thư Ðảng ủy Ban quan lý Công trình Thủy điện Hòa Bình. Vậy là ông lại có thêm 17 năm gắn bó, lăn lộn với công trường. Trong thời gian này, đã mấy lần Ban Tổ chức Trung ương gọi ông về, yêu cầu tạm thời tách ra khỏi công việc để đi học chính trị, nhưng ông Trưởng đoàn chuyên gia của Liên Xô lúc đó dứt khoát không đồng ý. Ông ấy cho rằng học chính trị ở môi trường này là tốt nhất, công trường cũng là nơi rèn luyện tốt nhất.

Năm 1989, khi hoàn thành nhiệm vụ tại Thủy điện Hòa Bình, ông Nê trở về Hà Nội làm phái viên của Bộ trưởng Bộ Năng lượng, phụ trách về thủy điện. Khi được tổ chức đề nghị đảm nhận chức Bộ trưởng, ông Nê viết thư xin từ chối vì cho rằng mình "dốt đặc" về quản lý vĩ mô ở cấp Bộ, nhưng cuối cùng ông vẫn phải đảm đương vị trí này.

"Khi mình đã nói rõ những thiếu hụt khiếm khuyết của bản thân mà tổ chức vẫn tin tưởng giao việc thì tổ chức đã có cân nhắc, mình phải cố gắng hết sức" - ông Nê kể. Ðể bổ khuyết những hạn chế ấy, đích thân người đứng đầu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh "kèm cặp" ông Nê trong một tuần về lý luận chính trị...   

Năm 1999, khi đang làm Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, ông bất ngờ nhận được Quyết định về làm Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên.

Hai năm lăn lộn với công tác ở địa phương, ông đã hoàn thành nhiệm vụ Ðảng giao phó. Ðầu năm 2001, ông Nê trở về Hà Nội, tuổi đã 65 và bất ngờ được giao nhiệm vụ Phái viên Thủ tướng Chính phủ về Dự án thủy điện Sơn La. 

Mong một lời khuyên từ Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê dành cho người trẻ, ông nói rằng: "Chúng ta đã có nghề nghiệp, vậy phải sống với nó, đừng để nó mai một đi. Khi hết lòng với công việc, chúng ta sẽ có được sự thanh thản, thoải mái". 

Về chuyện xây dựng Thủy điện Sơn La. Khi bắt tay vào dự án, ông Nê hiểu rõ và lường trước về khoảng "thời gian trống" trong giai đoạn chuẩn bị. "Thông thường nếu chờ thiết kế kỹ thuật hoàn chỉnh mới khởi công (2005) thì khoảng thời gian chờ đợi 2 năm sẽ là lãng phí. Ðể đẩy nhanh tiến độ thi công, chúng tôi nhận thấy cần có cơ chế đặc thù đối với dự án", ông Nê kể.

Từ trăn trở này, Ban Chỉ đạo Nhà nước cho phép phân kỳ thiết kế kỹ thuật làm 2 giai đoạn. Việc gì cần làm trước thì làm trong giai đoạn 1. Vậy là ngay trong năm 2004, kênh dẫn dòng đã được thi công trước ngày khởi công. Ðến năm 2005, Dự án đầu tư xây dựng thủy điện Sơn La chính thức được khởi công thì hạng mục kênh dẫn dòng đã được hoàn tất. Ngày khởi công công trình cũng là ngày thực hiện ngăn sông - Ðiều chưa từng xảy ra với các thủy điện xây dựng trước đó.

Trước khi xây dựng đập, đồng ý với đơn vị tư vấn - Công ty tư vấn xây dựng Ðiện 1, ông Nê đề nghị không sử dụng công nghệ bê tông đầm dùi đang được áp dụng trong nước thời điểm đó, mà sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn.

Theo ông, công nghệ này đã được ứng dụng ở nhiều công trình lớn trên thế giới, có chất lượng cao, đồng đều hơn so với công nghệ đầm dùi, lại có thể thi công với khối lượng rất lớn sẽ đẩy nhanh tiến độ công trình.

Phương pháp thay phụ gia hoạt tính từ đất podulan bằng tro bay là câu chuyện dài đầy gian nan cho công nghệ đầm lăn. Từ thành công này đã giúp rút ngắn thời gian thi công đập được 1 năm. Như vậy, cùng với việc thi công kênh dẫn dòng trước khi khởi công, áp dụng công nghệ đầm lăn đã giúp tiết kiệm được thời gian thi công công trình thêm 1 năm nữa.

Không chỉ sáng tạo, cải tiến kỹ thuật trong thi công, việc thay đổi phương án lắp đặt thiết bị cũng đã được thực hiện. Quyết định lắp đặt 6 tổ máy thay vì 8 tổ như thiết kế ban đầu sẽ tiết kiệm được khối lượng lớn công việc và thời gian lắp máy. "Thông thường, lắp đặt 1 tổ máy phải mất 6 tháng, giảm được 2 tổ, chúng ta tiết kiệm được thời gian 1 năm thi công" - ông Nê cho biết.

Tại công trình xây dựng Thủy điện Sơn La, sáng kiến sử dụng cống dẫn dòng có kích thước 30 mét kết hợp làm tường phân dòng; cần cẩu chân què để thử khô của van…đều đã được ứng dụng và phát huy hiệu quả, tiết kiệm khối lượng công việc, đưa công trình về đích sớm trước 3 năm so với yêu cầu của Quốc hội làm lợi cho đất nước hàng chục nghìn tỷ đồng. Thành tích quan trọng ấy có đóng góp không nhỏ của Anh hùng Thái Phụng Nê.

Xong công việc ở Thủy điện Sơn La, ở tuổi gần 80, ông Nê tiếp tục được giao nhiệm vụ ở Dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu.

Ngày 20/6/2015, tham dự sự kiện Thủy điện Lai Châu đóng cống dẫn dòng tích nước, tôi lại được gặp ông. Gương mặt, ánh mắt ông sáng lên, lộ rõ niềm vui. "Ðóng cống thành công rồi. Với mức nước thấm ít thế này, có thể gọi là lý tưởng" - ông nói và tôi cảm nhận được sự reo vui, hạnh phúc đang dâng trào trong ông. Ðó là cảm xúc của người chiến thắng, không phải chỉ với một công trình cụ thể Thủy điện Lai Châu, mà là ước mơ chinh phục sông Ðà của ông đã thành hiện thực khi ở tuổi 83. 

Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê:

Ủy viên Trung ương Ðảng khóa VII, khóa VIII; Ðại biểu Quốc hội khóa X; Bộ trưởng Bộ Năng lượng; Thứ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương); Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên; Phái viên của Thủ tướng Chính phủ; Phó trưởng ban chỉ đạo Nhà nước Dự án Thủy điện Sơn La-Lai Châu.

* Các phần thưởng tiêu biểu Ðảng, Nhà nước trao tặng: Anh hùng Lao Ðộng, Huân chương Hồ Chí Minh…

* Năm 2013, ông Thái Phụng Nê được trao huân chương Bắc Ðẩu Bội tinh cấp bậc Hiệp sỹ- Huân chương cao quý nhất của Cộng hòa Pháp.

MỚI - NÓNG