Người dân lo ngại tăng giá 'đè' tăng lương

Người dân lo ngại tăng giá 'đè' tăng lương
Từ 1/1/2008, lương tối thiểu của công chức tăng lên 540.000 đ/tháng, lương tối thiểu của doanh nghiệp tăng theo vùng, thấp nhất là 540.000đ, cao nhất tới 1 triệu đồng. Song thực tế, hầu hết cán bộ công chức, người lao động được hỏi đều tỏ ra lo lắng.
Người dân lo ngại tăng giá 'đè' tăng lương ảnh 1
Nỗi lo nội trợ thời tăng giá
Ảnh: Vnepress 

Loay hoay lật chọn hết loại rau này sang loại rau khác cuối cùng chị Nguyễn Kiều Lan (giảng viên đại học ở Hà Nội), cũng quyết định mua một chiếc bắp cải với giá 7.000 đồng: "Giá cả tăng nhanh quá mức. Trước kia một cây rau như này tôi chỉ mua 3.000 đồng".

Chị Lan cho biết, đọc báo hằng ngày, biết đầu năm 2008 sẽ tăng lương chị vui xen lẫn âu lo. Trong lúc giá cả tăng chóng mặt, lương có tăng cũng chưa đủ bù vào phí sinh hoạt. "Nhà tôi có 5 người, trước đây chỉ với 3 triệu đồng đủ chi trả cho tiền sinh hoạt, điện, nước cho cả tháng còn bây giờ thì...".

Theo chị Nguyễn Thị Mai, cán bộ Ban quản lý chợ Thái Hà, đầu năm 2008 lương mới tăng, nhưng giá cả thì thay đổi hằng ngày. Với đồng lương công chức ít ỏi hiện nay, những người đảm nhận công việc nội trợ như rất khó khi đi chợ.

"Tôi cũng cảm thấy phấn khởi vì giúp cải thiện đời sống cho chị em trong cơ quan, nhưng nhà nước phải quản lý việc tăng giá. Nhiều hôm ra chợ mà tôi không biết mua gì cho phù hợp với quỹ tiền mình có", chị Mai nói.

Theo chị Mai, đang có xu hướng những người nội trợ thường mua những loại thực phẩm, thức ăn rẻ, ở chợ cóc, chợ tạm không bảo đảm vệ sinh cho hợp với túi tiền. "Biết mua những thực phẩm vỉa hè, rẻ là không hợp vệ sinh nhưng nhiều người không còn cách nào khác", chị Mai cho biết.

Anh Nguyễn Hoàng Hải, nhân viên một công ty nội thất phố Trần Quang Diệu (Đống Đa) cho biết, công ty thường trả khoán cho người lao động một cục theo năng lực nên việc lương có tăng hay không anh cũng không quan tâm.

Tuy nhiên, mỗi lần nhà nước tăng lương, công ty đều có điều chỉnh chút ít, nhưng theo anh Hải,"quan trọng là phải quản lý giá cả thế nào chứ lương chưa tăng mà giá đã tăng gấp mấy lần thì cũng như không".

"Mức lương cơ bản quá thấp"

Ông Nguyễn Xuân Nga, Phó ban Chính sách xã hội Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng là 7,5% và dựa vào tình hình trong nước và thế giới, mức tăng lương tối thiểu là hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên, ông Nga cũng thừa nhận, do ban đầu khi thiết kế mức lương cơ bản chúng ta để ở mức quá thấp cho nên dù lương có tăng người lao động vẫn cảm thấy không hài lòng.

Ông Nga cho biết, so với các doanh nghiệp việc tăng lương đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp sẽ dễ dàng áp dụng hơn vì tiền lấy từ ngân sách nhà nước.

Còn đối với doanh nghiệp việc tăng lương ít nhiều sẽ gặp khó khăn vì muốn tăng lương đòi hỏi kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng phải tăng. "Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải bảo đảm thực hiện đúng mức lương cơ bản đã được quy định", ông Nga nói.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính, việc tăng lương là rất đáng mừng. Điều đó chứng tỏ một nền kinh tế đủ tiềm lực, có tích lũy.

Tuy nhiên, theo quan điểm chung của nền kinh tế thị trường, việc tăng lương cần phải phù hợp trong từng bối cảnh cụ thể. "Nếu ngân sách có và đúng thực lực thì việc tăng lương là rất tốt, nhưng nếu không cẩn thận rất dễ dẫn đến tăng giá", ông Long nói.

Theo ông Long, để việc tăng lương thật sự hiệu quả, cần phải gắn tăng lương với việc nâng cao hiệu quả làm việc, chất lượng công việc và điều quan trọng là phải dựa vào thực lực của nguồn ngân sách, chỉ có như vậy mới có tích lũy, đầu tư và phát triển.

"Việc tăng lương không nên cào bằng, vì nó làm cho thặng dư của xã hội không được tích lũy do đó sẽ không có đầu tư, vì vậy sẽ không thể phát triển".

Trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 20/11, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã thừa nhận, năm nay, khó có thể kiềm chế được chỉ số tăng giá tiêu dùng năm nay dưới 8,5% do giá thị trường thế giới biến động mạnh. Nếu nhà nước tiếp tục bù lỗ thì sẽ làm sai lệch trong hiệu quả điều hành, chênh lệch giá giữa VN và các nước.

Phó thủ tướng cho rằng nên chấp nhận mặt bằng mới. Điều này đồng nghĩa có nhiều tầng lớp nhân dân bị ảnh hưởng, và Chính phủ sẽ có nhiều giải pháp để hỗ trợ, ví dụ tăng cường giải quyết đầu tư trong nông nghiệp và nông thôn; thanh tra, kiểm soát để tránh đầu cơ, trục lợi.

Theo Xuân Tùng
VnEpress

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.