Người gửi tiền tiết kiệm lo bị đánh thuế

Người gửi tiền tiết kiệm lo bị đánh thuế
Nhiều người dân tá hỏa khi biết mức thuế dự kiến 5-25% áp với lãi tiết kiệm, cổ tức và thu nhập từ mua bán chứng khoán, còn ngân hàng và các chuyên gia thì lo ngại...

Theo dự luật, trường hợp có lãi tiền gửi vượt trên mức giảm trừ gia cảnh (4-5 triệu đồng/tháng) sẽ bị áp thuế 5%. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, thời gian qua đời sống và thu nhập dân cư tăng lên đáng kể, số người có tiền gửi tiết kiệm cũng tăng.

Với lãi suất như hiện nay chỉ những người có số tiền tiết kiệm khoảng 700 triệu đồng trở lên mới thuộc diện chịu thuế. Với mức giảm trừ 4-5 triệu đồng, một người gửi 600 triệu đồng, lãi một tháng khoảng 3,9 triệu vẫn chưa phải nộp thuế. Nếu số tiền gửi đến 800 triệu đồng, lãi mỗi tháng 5,2 triệu, thuế chỉ là 60.000 đồng.

Với chứng khoán, lợi tức cổ phần sẽ bị đánh thuế 5%, thu nhập từ mua bán chứng khoán sẽ bị đánh 25%. Chẳng hạn, một người sở hữu 3.000 cổ phần của Vinamilk, năm 2009 anh ta được công ty chia 10 triệu đồng tiền lãi, số thuế phải nộp là 500.000 đồng.

Người này lại mở tài khoản chơi chứng khoán. Trong một tháng, anh ta thu được 10 triệu đồng tiền lãi từ mua bán bán chứng khoán trên thị trường, số thuế phải nộp là 2,5 triệu đồng.

Người gửi tiền tiết kiệm lo bị đánh thuế ảnh 1

Ngân hàng, chứng khoán lo lượng khách sụt giảm

Bà Hải Anh, Phó giám đốc Ngân hàng cổ phần Phương Nam chi nhánh Hà Nội cho biết, lượng khách gửi tiết kiệm trên 700 triệu đồng chiếm tới hơn 50% khách gửi tiền tại ngân hàng này, trong số đó có nhiều người về hưu, nhiều người làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Với những người có thu nhập cao đã nộp thuế tại cơ quan, đánh thuế lãi tiền gửi ngân hàng có nghĩa họ phải nộp thuế 2 lần.

"Ngân hàng tìm đủ mọi cách thu hút khách gửi tiền, nay đánh thuế tới 5% chẳng khác nào bảo họ mua vàng tích trữ. Tiền gửi vào ngân hàng ít sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế. Mọi hình thức hấp dẫn người dân huy động vốn sẽ không có ý nghĩa gì", bà Hải Anh nói.

Về phía người dân, họ rất lo lắng. Bác Vũ Văn Hạnh, khách hàng của VP Bank, cho hay với một người về hưu như bác, số lãi 4 triệu đồng/tháng chưa đủ nuôi một đứa con đang học đại học và chi hàng tá các khoản khác cho gia đình.

Đánh thuế quá cao, theo nhận định của các ngân hàng, sẽ dẫn tới tình trạng khách hàng tìm cách lách thuế bằng chia thành nhiều sổ lấy tên khác nhau hoặc để tiền "chết" (không gửi tiền)... Như vậy sẽ gây rắc rối cho cả ngân hàng và rủi ro cho khách.

"Nếu nhờ người khác đứng tên sổ tiết kiệm mà khách gửi tiền không làm hợp đồng giữa hai bên thì ngân hàng coi người kia sẽ là chủ sở hữu số tiền đó. Khi rút tiền khách sẽ phải nhờ người có tên trực tiếp mang chứng minh thư đi, đó là chưa kể nếu người đứng tên chẳng may tử vong chẳng hạn, thì tranh chấp sẽ rất phức tạp", giám đốc một ngân hàng cổ phần phân tích.

Một bất tiện khác là hiện tại hầu hết các ngân hàng đều áp dụng lãi suất bậc thang, gửi càng nhiều tiền lãi càng cao nhưng tỷ lệ chênh lệch cũng chưa tới 1%.

Chẳng hạn, khách gửi dưới 700 triệu đồng, kỳ hạn 12 tháng lãi 0,77%/tháng, từ 800 triệu đồng trở lên lãi 0,79%/tháng. "Chịu thuế 5% thì lãi có cao đến mấy những khách hàng gửi nhiều cũng thiệt hơn người gửi ít. Sản phẩm của ngân hàng thành ra chẳng có ý nghĩa gì", vị giám đốc trên bình luận.

Khá nhiều nhà đầu tư tỏ ra bức xúc khi biết dự thảo luật dự kiến đánh thuế cổ tức 5%, thu nhập từ mua bán chứng khoán 25%. Cơ sở để Bộ Tài chính áp dụng thuế là cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán, số lượng người đầu tư bao gồm cả cá nhân trong nước và nước ngoài tăng nhanh, số lượng người nắm giữ cổ phần của các doanh nghiệp cũng tăng lên.

Theo bác Nguyễn Thanh Tâm, nhà đầu tư tại sàn chứng khoán Công ty chứng khoán ACB, tháng này bác có thể lãi 20 triệu đồng nhưng tháng sau có thể lỗ tới 25 triệu. Nếu cứ thấy lãi công ty chứng khoán khấu trừ luôn thuế, thì khi lỗ lấy đâu tiền đầu tư tiếp?

Chia sẻ lo lắng trên, Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh chứng khoán VN Hà Huy Nam cho biết, nhiều nước đã áp dụng đánh thuế với thu nhập từ cổ phiếu, trái phiếu, nhưng tỷ lệ như Bộ Tài chính đưa ra xét trong điều kiện thị trường VN.

Cái khó nhất là hạch toán thu nhập thế nào với người kinh doanh chứng khoán vì họ mua bán liên tục. "Các nước thường hạch toán lỗ lãi theo năm mới khấu trừ chứ không trừ ngay từng tháng giao dịch như dự thảo", ông Nam nói.

Theo Phong Lan
Vnexpress

MỚI - NÓNG