Người "mù" chơi chứng khoán

Người "mù" chơi chứng khoán
Khi mà ranh giới giữa đầu tư - đầu cơ còn hết sức mơ hồ, với không ít người, việc bỏ tiền chơi chứng khoán cũng giống như một người... mù, lộc cộc chống gậy dò đường, ai dắt đi đâu thì đi đó...
Người "mù" chơi chứng khoán ảnh 1
Minh hoạ: DAD

Mò mẫm lên sàn 

Khỏi phải nói dân chơi chứng khoán đợi chờ ngày thứ hai (26.2) vừa rồi như thế nào. Sau khoảng mười ngày đóng cửa nghỉ Tết, hai sàn chứng khoán tại TP.HCM và Hà Nội mở cửa trở lại trong sự hân hoan tột cùng của các nhà đầu tư. Xếp hàng, chen lấn, xô đẩy, ngồi bệt xuống sàn... Các tư thế hỉ nộ ái ố của người chơi đã thật sự "làm nóng" sàn chứng khoán. 

Ở Hà Nội, tôi có cô em bỏ cả ăn Tết để nghiền ngẫm thông tin, chỉ số chứng khoán qua mấy tờ báo và mạng internet. Sáng thứ hai, bảy giờ sáng cô đã gọi điện vào: "Em lên sàn đây, đi xếp hàng, có "con" (cổ phiếu) nào ngon chỉ hộ đi!".

Cái cách mà cô em này đến với thị trường chứng khoán rất đơn giản: Nghe người ta đồn, đọc báo thấy dân chơi chứng khoán lời bạc tỉ, ăn tết to, thế là dồn tiền (100 triệu đồng) để... học chơi. Thắng thì có tiền chợ, thua thì coi như mua kinh nghiệm.

Để có mặt ở sàn chứng khoán hôm đó, cô phải nói dối sếp (công ty này cấm nhân viên chơi chứng khoán trong giờ làm việc) là đi thăm bố chồng bị bệnh nặng ở tỉnh N.Đ. Thật hết nói!

Sàn ACB TP.HCM sáng đó thì "lưu truyền" câu chuyện dở khóc dở cười của một "nhà đầu tư" thuộc thế hệ... 4X.

Đến sớm xếp hàng, cuối cùng ông cũng chen được một chỗ và phải ngồi bệt xuống đất để đặt lệnh. Đây chắc chắn là lần đầu tiên ông lên sàn. Và chắc là cũng tham khảo, nghe tư vấn nhiều nên ông đặt mua cổ phiếu của ngân hàng S. - cổ phiếu thuộc dạng blue - chip (dạng top).

Tất cả đều rất "sành điệu" cho đến khi viết lệnh. Thay vì phải biết và viết mã cổ phiếu lên giấy, ông viết nguyên tên ngân hàng này ra không sót một chữ nào để đặt mua.

Dân "pro" (chuyên nghiệp) ồ lên cười nhưng chẳng ai giúp bởi bản thân họ cũng phải dán mắt lên theo dõi, đặt lệnh. Mãi rồi, có người biết chơi mới chỉ cho ông cách viết mã, đặt lệnh. Chỉ vài phút sau, chuyện này loang ra dãy quán cà phê ở bên ngoài sàn. Gần như ai ngồi đó cũng biết. Người mới chơi thì nghe để học hỏi. Dân chơi nhiều chỉ nhếch mép cười, trong bụng mừng thầm vì có thêm một "con gà" tập tễnh học lên sàn.

Theo H., một người chơi chứng khoán lâu năm, thì sơ sót này hầu hết người mù mờ, mới chơi đều gặp. Khi lên sàn giao dịch, họ đều mắc phải hai lỗi cơ bản khi đặt lệnh. Đó là viết sai mã và viết trượt "bước giá". Nhiều người "mù" mắc phải lỗi thứ hai mà cũng không hiểu tại sao lệnh của mình đã viết từng xấp như thế mà vẫn bị trả về.

Theo quy định, ở các sàn tại TP.HCM, các cổ phiếu dưới 50.000 đồng có "bước giá" là dưới 100 đồng. Ví dụ, mua loại cổ phiếu này mà đặt lệnh 49.900 đồng, 49.800 đồng thì đúng. Nhưng nếu đặt lệnh là 49.950 đồng hay 48.850 đồng là sai.

Tương tự, với loại từ 50.000 - 100.000 đồng/cổ phiếu thì "bước giá" sẽ là 500 đồng/cổ phiếu. Viết lệnh đặt mua (hoặc bán) là 51.000 đồng hay 51.500 đồng là đúng. Nếu viết lệnh là 51.400 đồng lại là sai. Tại Hà Nội, "bước giá" các loại cổ phiếu đều là 100 đồng/cổ phiếu nên sơ sót này ít thấy hơn.

Chuyện từ bàn nhậu

Tết vừa qua, T. đi chơi ở huyện H. Đi cùng xe chỉ có đúng một người không chơi chứng khoán. Suốt chặng đường, anh này bị "cô lập" bởi những câu chuyện nóng bỏng về cổ phiếu, cổ phần. Đến lúc tụ lại bàn nhậu, bàn có mười người thì đã bảy chơi chứng khoán ở dạng "pro".

Ba người còn lại không chơi nhưng cũng thuộc dạng giàu có. Ăn đám giỗ nhưng toàn nói chuyện... chứng khoán. Đến mức, T. kể: "Ba người này không muốn nghe. Nhưng không nghe không được bởi chẳng có chuyện gì khác".

Một trong ba người này làm giám đốc một công ty sản xuất hàng hóa. Doanh nghiệp của ông nuôi 300 công nhân, cả năm làm việc trầy vi tróc vảy lời được chừng 3 tỉ đồng. Nghe mấy anh bạn cùng bàn buôn chứng khoán lời vài tỉ như chơi, ông không khỏi sốt ruột, bứt rứt: "Đừng nói nữa, nghe xong chuyện mấy ông tôi chẳng còn bụng dạ đâu mà làm ăn".

Một ông khác cùng bàn thở dài: "Nghe chuyện mấy ông tôi muốn bỏ nghề. Hổng nghe nữa!".

Đã đành bàn nhậu này toàn dân làm ăn ở Sài Gòn, nói chuyện chứng khoán tiền tỉ là bình thường, dỏng tai sang bàn bên, T. nghe xong mà thấy... hết hồn. Ở đó, rặt dân miệt H., thế mà họ cũng bàn chuyện... chứng khoán.

Nghe thủng câu chuyện T. càng nể phục hơn: Hai người em của ông bạn T. người huyện H. nhưng chơi chứng khoán "pro". Một trong hai người làm ở công ty có cổ phiếu blue - chip trên sàn kể ông bảo vệ công ty này giờ cũng trở thành tỉ phú: "Ông này thuộc dạng... bắt buộc phải chơi cổ phiếu. Bởi ổng là người công ty, công ty phát hành cổ phiếu, ông ấy đương nhiên được mua và trở thành tỉ phú!".

Chưa hết, ở miệt H., vợ anh bạn tối ngày bán hàng tiêu dùng ngoài chợ, ấy thế mà chuyện cổ phiếu cổ phần, "chấm" này "chấm" nọ thuộc lòng như cháo chảy. Chị cũng chơi cổ phiếu. Đến mức ông bố ở nhà, nghe mấy đứa con xui cũng gom tiền, dồn cho bọn trẻ đầu tư giùm. Và chưa thấy ai thua.

Nói chuyện đầu tư chứng khoán, T. than thở vì bài học đầu đời của mình:

Hồi đó tập tễnh lên sàn làm quen với hy vọng sẽ tích lũy kinh nghiệm trước khi VN gia nhập WTO. T. được một ông bạn hướng dẫn, bày vẽ cách chơi. Khi tương đối thạo rồi ổng mới "ngỏ ý" rằng mình đang sở hữu một số lượng cổ phiếu, muốn bán lại cho T. với giá rẻ (3.8) so với thị trường (4.2).

Thấy ngon ăn, T. mua. Sáu tháng sau, giá cổ phiếu đó xuống còn... 1.6. Tự dưng bạn bè hồi đó hay thấy T. cười (không phải bị điên). Hắn chấp nhận "chịu đòn" bởi khi đó hắn đã xác định là đầu tư chứ không phải đầu cơ. Giá cả chắc chắn sẽ tốt hơn còn bản thân hắn đã lãnh được rất nhiều kinh nghiệm.

Cho đến 3 năm sau, cổ phiếu đó mới tăng giá trở lại thành 6. Hắn thở phào và tự nhủ, về sau đã đầu tư thì không bao giờ sợ cơn nóng lạnh của thị trường.

***

Một nhà phân tích, đầu tư tài chính nước ngoài đã từng nhận định về thị trường chứng khoán VN: Chỉ cần bỏ tiền ra mua khoảng 5 loại cổ phiếu blue - chip, cứ để đó vài năm quay lại sẽ thấy một cục tiền to!

Có nhiều điều đáng suy nghĩ từ lời nói này: Có thể đó là sự lạc quan về một thị trường nhiều hứa hẹn. Cũng có thể đó là một cái nhún vai về thị trường còn non trẻ, giá cả sốt rẻ theo tâm lý. Chừng mực nào đó, câu nói đã phản ánh đúng biểu đồ tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2006.

Một tay chơi dạng "pro" thì nhìn thị trường chứng khoán với thái độ rất "thị trường": Thị trường giờ đang "loãng giá" (giá trị cổ phiếu bị "ảo" nhiều hơn thật). Người chơi đang mua sự rủi ro rồi chuyền tay nhau để kiếm lời. Giá cả cứ thế mà tăng. Cho đến một ngày nào đó, "thằng mua cuối cùng sẽ chết" - tay này nhún vai tỏ vẻ không quan tâm "thằng đó" sẽ là ai. Miễn là cho đến giờ tay này vẫn đang... lời.

Từ 200 triệu đồng, hắn mua được xe hơi. Rồi mê chứng khoán quá, hắn lại bán xe hơi để đầu tư vào chứng khoán tiếp. Mê đến mức, trước khi chơi hắn lập hẳn kế hoạch kinh doanh để đầu tư vô ba khoản: Một khoản cho kinh doanh. Một khoản cho bất động sản. Khoản còn lại mới dành cho chứng khoán.

Thế mà bây giờ, nhẩm tính lại hai khoản kia của hắn đã ném lên sàn hết rồi. Khoảng 5 tỉ đồng tiền "giấy" (sổ chứng khoán) đang nằm ở đó. Bán được mới có tiền thật, còn không cũng chỉ là mớ giấy lộn, một năm lĩnh cổ tức đủ tiền đi chợ.

Tay này thừa nhận mình không dám khuyên nhủ ai, cũng không dám tiên đoán bất cứ điều gì về chứng khoán. Hắn chỉ tính rằng, có lẽ mình phải nhìn nhận lại "kế hoạch kinh doanh" một chút. Có lẽ hắn sẽ cân bằng lại đồng vốn đầu tư một cách an toàn và thực dụng hơn.

Có thể hắn sẽ dành tiền đầu tư vào một lĩnh vực không phải chứng khoán, mức sinh lời ít hơn nhưng an toàn hơn, khỏi phải mất ăn mất ngủ như cái Tết vừa rồi.

Theo Thiếu Gia
Thanh Niên

MỚI - NÓNG