Từ sự kiện Bệnh viện Bình Dân ngừng cổ phần hóa:

Người mua chỉ còn cách chờ người bán “rủ lòng thương”

Người mua chỉ còn cách chờ người bán “rủ lòng thương”
TP - Sau khi UBND TPHCM thông báo đã đề nghị Thủ tướng cho ngừng cổ phần hóa BV Bình Dân, nhiều nhà đầu tư đã “lỡ” mua “quyền” mua cổ phiếu của BV này đang rất hoang mang vì chưa biết có đòi lại được tiền đã trả cho người bán không.
Người mua chỉ còn cách chờ người bán “rủ lòng thương” ảnh 1
Người dân đến khám bệnh tại BV Bình Dân

Nỗi lo cũng bắt đầu lan đến những người đã lỡ mua năm công tác để sau này mua CP của Ngân hàng Dầu khí (PV Bank) chưa thành lập và Vietcombank dù NH này đã xác định thời điểm IPO...

Luật sư Nguyễn Thanh Lương (TPHCM) cho biết “nếu có tranh chấp, hợp đồng mua bán năm công tác, quyền mua CP sẽ được tuyên bố vô hiệu vì mua bán cái chưa có, các bên sẽ phải trả cho nhau những gì đã nhận.

Tòa sẽ căn cứ vào thỏa thuận của các bên để xác định lỗi. Tuy nhiên với những vụ việc tương tự, tôi thấy bên mua thường chịu rất nhiều thiệt thòi”.

Ông Lương nói thêm, cũng không thể kiện người bán tội lừa đảo vì người mua biết rõ điều này, hơn nữa đây chỉ là tranh chấp dân sự. Dường như đã hiểu được điều này, anh Nguyễn Thanh Hải ( P12 Q. Bình Thạnh TP HCM) chỉ mong “người bán thông cảm trả lại tiền, được chút nào hay chút đó”.

Nhưng chiều 22/6, anh Hải thông báo người bán cho anh với giá 55.000 đồng/ CP cũng mua lại của người khác, anh Hải là “đời F4” nên mấy người kia có trả lại tiền thì họ mới có tiền trả cho anh, còn đến bao giờ thì anh Hải nói “họ không dám chắc vì phụ thuộc vào nhiều người”.

Tuy nhiên trong 3 hợp đồng mà người viết được xem thì đều không ghi rõ nếu BV Bình Dân không CP hóa nữa thì sẽ giải quyết ra sao. Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài nói với báo giới chiều 21/6: “đồng ý mua cái chưa có thì tự chịu”.

Giám đốc một Cty chứng khoán thừa nhận khó có cơ sở để cho người mua đòi lại tiền nếu người bán không thiện chí trả lại. Đầu tháng 3/2007, giá mua năm công tác của BV Bình Dân chỉ mới tương ứng 25 triệu/ 1000 CP nhưng nhanh chóng bị đẩy lên đến 80 triệu/ 1000 CP trong vòng 1 tháng vì đây là thời điểm TTCK VN đang “thăng hoa”.

Ngay tại BV Bình Dân, mấy ngày nay, CB- CNV cũng đang rất lo lắng vì người đã bán năm công tác và quyền mua CP khi BV cổ phần hóa thì ngại bị kiện tụng, kỷ luật vì lúc đó Ban Giám đốc nghiêm cấm, còn người chưa bán được lại tiếc!

Chủ tịch Công đoàn BV Bình Dân Nguyễn Văn Thọ cho rằng: “Mấy tháng nay, BV đã tổ chức nhiều cuộc họp về cổ phần hóa, ai cũng tưởng như chắc chắn. Từ hôm 21/6 đến nay có nhiều người đã bị đòi tiền và phải lánh mặt vì bên mua làm dữ”.

Lúc dư luận phản ứng mạnh nhất, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Thế Dũng vẫn khẳng định, sẽ cổ phần hóa BV Bình Dân đã làm không ít CB-CNV BV Bình Dân và nhà đầu tư đã lỡ mua kỳ vọng! Nay thì các bên đang “tìm cách” đòi lại tiền của nhau bằng đủ kiểu cách cả năn nỉ lẫn hăm dọa!

Từ cuối tháng 3/2007, Tiền phong đã cảnh báo về việc mua năm công tác của CB-CNV ngành dầu khí để sau này được mua CP ưu đãi của PV Bank là mua rủi ro, nay cảnh báo ấy sắp thành hiện thực khi PV Bank vẫn chưa có giấy phép thành lập và ảnh hưởng của việc BV Bình Dân ngưng cổ phần hóa.

Ngày 22/6, bạn đọc có tên Trần Lê Vũ phản ánh, anh đã mua 5 năm công tác của một cán bộ trong ngành dầu khí tại Vũng Tàu với giá 50 triệu đồng vì có tin sẽ mua được 2500 CP PV Bank chỉ với giá 35 triệu/1000 CP, nhưng cho đến nay vẫn chưa có tin gì về việc PV Bank có ra đời hay không và bán CP như thế nào.

Anh Vũ đề nghị người bán trả lại tiền vì ông này cam kết đến tháng 6/2007, PV Bank sẽ lên danh sách bán CP, tuy nhiên ông này nói thẳng “cứ đợi, nếu không đợi được muốn kiện đến đâu thì kiện”. Anh Vũ đã hỏi thủ tục kiện tại Tòa án TP Vũng Tàu nhưng được trả lời Toà không thụ lý.

Không chỉ tại PV Bank, mà người mua thâm niên của CB-CNV Vietcombank cũng đang hoang mang vì chỉ còn hai tháng nữa NH này sẽ IPO nhưng họ vẫn chưa biết mình sẽ được mua CP ưu đãi hay không vì  hiện nay Vietcombank vẫn chưa chốt danh sách để xác định CB-CNV sẽ được hưởng quyền mua CP theo thâm niên công tác như thế nào.

Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Tổng giám đốc VCB cũng khẳng định, ai đã mua thâm niên công tác của CB-CNV VCB phải tự chịu nếu có rủi to, VCB không có trách nhiệm về việc này.

Trên thị trường OTC, rất nhiều loại CP đã có sổ, cho chuyển nhượng tự do và thoải mái nhưng thời gian qua rất hiếm người mua.

Trong tình cảnh này thì những “mẩu giấy tay” mua năm công tác, quyền mua ngoài việc làm bằng chứng cho một vụ kiện hầu như khó có khả năng đòi lại đủ tiền và chờ người bán “thương tình” trả lại đồng nào hay đồng ấy thì dù cho sắp tới nơi đã lỡ mua có cổ phần hóa thật rủi ro vẫn luôn chực chờ như VCB, Incombank, Mobifone...

Nhắn tin để biết thị trường chứng khoán

9 thông tin đó gồm: 1. Kết quả giao dịch; 2. Chỉ số thị trường TP HCM; 3. Chỉ số thị trường Hà Nội; 4. 5 chứng khoán tăng giá mạnh nhất;5.  5 chứng khoán giảm giá mạnh nhất; 6. 5 chứng khoán giao dịch nhiều nhất; 7. Thống kê giao dịch theo tuần; 8. Thống kê giao dịch theo tháng; 9. Thống kê giao dịch theo năm.

Bạn đọc soạn tin theo cú pháp như hướng dẫn của bảng dưới đây rồi gửi đến số 8209. Mức cước phải trả là 2.000 đồng/bản tin.

Người mua chỉ còn cách chờ người bán “rủ lòng thương” ảnh 2
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.