Người mua vàng đang gánh lỗ thay doanh nghiệp

Giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch hơn 2 triệu đồng/lượng do người mua phải gánh lỗ cho DN vàng
Giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch hơn 2 triệu đồng/lượng do người mua phải gánh lỗ cho DN vàng
TP - Giá vàng trong nước giảm chậm hơn thế giới, khiến mức chênh lệch giá những ngày qua luôn từ 2-3 triệu đồng/lượng, bỏ xa mức giá chênh mục tiêu 400 ngàn đồng/lượng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra khi cho các đơn vị bán vàng bình ổn. Vì sao?

> Vàng lại giảm dưới 43 triệu đồng/lượng

Giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch hơn 2 triệu đồng/lượng do người mua phải gánh lỗ cho DN vàng
Giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch hơn 2 triệu đồng/lượng do người mua phải gánh lỗ cho DN vàng. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Chuyển lỗ sang người mua

Gần 3 tháng sau thông điệp bán vàng bình ổn để can thiệp thị trường cũng như công bố sớm đưa SJC trở thành thương hiệu đại diện cho Ngân hàng Nhà nước, mức chênh lệch vàng trong nước và thế giới vẫn không có dấu hiệu thu hẹp.

Ngày 27-12, khi giá thế giới giảm tiếp 12 USD còn 1.597 USD/Oz, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Cty CP SJC Hà Nội niêm yết giao dịch ở mức 43,17 triệu đồng/lượng (mua vào) và 43,37 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tương tự, tại thị trường TPHCM, vàng miếng SBJ niêm yết ở mức 42,9 triệu đồng và 43,33 triệu đồng/lượng. Mức giảm chung từ 150- 200 ngàn đồng/lượng so với ngày trước đó. Quy đổi theo tỷ giá USD ngân hàng (21.036 VND/USD) và tính cả thuế và các khoản phí khác, thì giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới hơn 2 triệu đồng/lượng.

Trong tuần qua, bình quân của hệ thống Cty SBJ giao dịch khoảng 700 lượng/ngày. Sang đầu tuần này, số lượng giao dịch chỉ khoảng 500 lượng/ngày. Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh SJC thừa nhận sức mua có giảm nhưng phần mua vào vẫn chiếm cao hơn. Chốt cuối ngày 27-12, ông Tường cho biết SJC đã bán ra 3.700 lượng trong khi mua vào đạt xấp xỉ 1.000 lượng.

Có phải vì giá thế giới giảm nhanh quá nên DN sợ lỗ, không giảm giá tương ứng? Theo một đại diện SJC, những ngày qua ngay khi thị trường có dấu hiệu giảm nhẹ, sức mua lập tức tăng lên. Cái khó nhất cho chúng tôi là không định lượng được cụ thể sức mua trong dân.

Phân tích của một chuyên gia về vàng, ngoài chuyện sức mua tăng, khả năng, giá vàng trong nước cao còn do các NHTM đang bị lỗ trong hoạt động bán vàng huy động và mua vàng qua tài khoản. Theo vị này, nhiều NHTM nếu đã trót mua vàng tài khoản giá cao, lại không tính toán cắt lỗ hợp lý, trong khi vàng vật chất do các ngân hàng huy động đang ở mức âm do phải bán ra bình ổn thì lẽ đương nhiên là lỗ.

“Cái khó cho DN trong nước hiện nay là lượng mua vào của người dân vẫn cao hơn lượng bán ra, chính điều này khiến cho các NHTM không mặn mà thực hiện hoạt động bán vàng bình ổn, trừ phi NHNN cho phép họ được quyền xuất - nhập khẩu vàng dễ dàng. Hiện trên thực tế để bình ổn thị trường ngoại tệ, NHNN hiện vẫn chưa cho phép đẩy mạnh việc nhập vàng”, vị này nói.

Chính vì thế, các đơn vị kinh doanh vàng phải neo giá trong nước, chuyển lỗ sang người mua.

Bao giờ liên thông giá thế giới?

Bà Cao Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PNJ cho rằng 2011 là một năm khó khăn đối với kinh doanh vàng vì bên cạnh sự thiếu ổn định của chính sách, doanh nghiệp còn đối mặt sự biến động thất thường của giá vàng. “Chưa bao giờ giá vàng kịch tính như năm nay”- bà Dung nói.

Bao giờ thì giá trong nước sẽ kéo sát về mức chênh 400 ngàn đồng/lượng so với thế giới để được xem là bình thường như NHNN công bố? Trả lời Tiền Phong, một lãnh đạo NHNN cho rằng bản chất câu chuyện là bất cứ chính sách nào cũng cần độ trễ.

“Thời điểm này, Nghị định quản lý vàng chưa ký ban hành trong khi đó giá vàng thế giới lại giảm nhanh. Thị trường trong nước, người mua lúc giá cao không muốn bán ra, tâm lý giới đầu tư lại trực chờ giá xuống mạnh là mua vào. Việc cho nhập vàng hay không, NHNN phải tính toán theo dõi sát để tránh gây ảnh hưởng đến tỷ giá. Chính những điều này đã ít nhiều tạo áp lực lên giá vàng trong nước”- ông khẳng định.

Theo vị lãnh đạo trên, sau khi trình Chính phủ dự thảo nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, thực hiện bước đi tiếp theo trong công cuộc bình ổn thị trường, ngày 17-12 vừa qua, NHNN tiếp tục lập đề án bình ổn thị trường vàng trong đó nhấn mạnh việc sử dụng nguồn lực trong nước để bình ổn thị trường. NHNN vẫn theo dõi rất sát diễn biến thị trường vàng và ngoại tệ trong nước.

Mục tiêu của NHNN là khuyến khích người dân không sử dụng vàng miếng và mong muốn, khi kinh tế đi vào ổn định, niềm tin vào tiền đồng hồi phục, người dân sẽ chuyển dần từ trữ vàng sang gửi tiết kiệm. “Chúng tôi đang nghiên cứu để xây dựng cơ chế mua vàng và bán ra can thiệp thị trường sao cho có hiệu quả”- ông nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG