Người Mỹ đầu tiên được cấp biển số xe ôtô tại Hà Nội

Người Mỹ đầu tiên được cấp biển số xe ôtô tại Hà Nội
TP - Bỏ mối làm ăn đang hái ra tiền ở khắp các nước châu Âu, Nhật Bản cách đây 15 năm, Anthony Salzman (Tony) khăn gói sang Việt Nam khi quan hệ Việt – Mỹ vẫn bị che phủ bởi lệnh cấm vận.
Người Mỹ đầu tiên được cấp biển số xe ôtô tại Hà Nội ảnh 1
Vợ chồng Tony và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Hà Nội tháng 12/2006

Thật kỳ diệu, bằng tình yêu chân thành với Việt Nam, Tony “lách” qua lệnh cấm vận và mở đường cho doanh nhân (DN) Mỹ đổ xô tới mảnh đất này.

Thư gửi bạn học là Tổng thống Bush

Không phải ngẫu nhiên mà suốt 10 năm qua, hầu như mọi phóng viên nước ngoài khi viết bài liên quan đến kinh tế Việt Nam đều tìm gặp Tony, hiện là Chủ tịch hãng phân phối máy công nghiệp V-Trac chiếm hơn 50% thị phần ở Việt Nam và đây có lẽ là Cty đầu tiên của Mỹ hoạt động tại Việt Nam thậm chí trước khi lệnh cấm vận được giỡ bỏ.

Các DN nước ngoài, đặc biệt là từ Mỹ, muốn đến làm ăn tại Việt Nam đều xin “tiền bối” Tony chỉ giáo. Thành công của Tony trong kinh doanh song hành cùng những bước phát triển của nền kinh tế VN suốt 15 năm qua và quá trình bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ với dấu ấn đậm nét của ông.

DN Mỹ này cũng là một trong những thành viên sáng lập Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) tại Hà Nội, Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam (VBF), góp phần không nhỏ cho việc dỡ bỏ lệnh cấm vận (1994), Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA)…

Tony cũng chính là người đã thay mặt cho các DN Mỹ tại Việt Nam gửi tới Tổng thống Bush bức thư ngỏ đầy tâm huyết trước khi vị chủ nhân Nhà Trắng sang thăm Việt Nam (11/2006).

Người Mỹ đầu tiên được cấp biển số xe ôtô tại Hà Nội ảnh 2 “Chúng tôi không muốn trở lại Việt Nam như những “Người Mỹ trầm lặng”, nhưng sẽ có lợi hơn nhiều trong chương mới này khi chúng ta là “Người Mỹ lắng nghe” Người Mỹ đầu tiên được cấp biển số xe ôtô tại Hà Nội ảnh 3

Với danh tiếng của Tony, bức thư đã được các trợ lý Nhà Trắng trao tận tay Tổng thống Bush và sau đó được đăng tải trên hàng chục tờ báo khắp thế giới, trong đó có báo Tiền phong (14/10/2006).

Trong thư, Tony còn đại diện cho các cựu học sinh trường Đại học Yale danh tiếng bày tỏ tin tưởng rằng người bạn học George Bush sẽ nhận thức một cách sâu sắc và tìm ra phương cách mới vì những lợi ích của Mỹ tại Việt Nam.

Ông viết: “Tôi đã sống và làm việc ở đây từ năm 1992, khi mà những suy nghĩ về việc một Tổng thống đương nhiệm tới thăm vùng đất này là chuyện không thể tưởng tượng. Như ông biết khá rõ, chúng ta đã gây ra những điều tồi tệ ở đây 40 năm trước.

Ngày nay, chúng ta có cơ hội để làm những việc đúng đắn hơn. Tôi không nói về việc sửa chữa. Tôi đang nói về kinh tế, về những cơ hội ở một thị trường đang bùng nổ và cơ hội cho doanh nghiệp Mỹ vươn lên đứng đầu”.

Cuối cùng Tony nhắn nhủ Tổng thống Bush: “Chúng tôi không muốn trở lại Việt Nam như những “Người Mỹ trầm lặng”, nhưng sẽ có lợi hơn nhiều trong chương mới này khi chúng ta là “Người Mỹ lắng nghe”. 

“Cầm đèn chạy trước ôtô”

Nhìn cách Tony loay hoay cả tháng trời, vật lộn với từng câu chữ để viết thư cho Tổng thống Bush hay việc chuẩn bị cho bài phát biểu tại một hội nghị về đầu tư tại Hà Nội hay TPHCM, tôi mới thực sự hiểu rằng ông yêu Việt Nam đến nhường nào và tại sao lại thành công như vậy.

Chỉ sau một 1 chuyến du lịch Việt Nam vì tò mò, cuối năm 1992, Tony, lúc đó 42 tuổi, đã kéo cả gia đình gồm vợ, bà Ruby Shang, con gái nhỏ Zana từ New York sang Hà Nội bất chấp việc bố, em trai đều là các DN ra sức can ngăn.

Người Mỹ đầu tiên được cấp biển số xe ôtô tại Hà Nội ảnh 4
Báo chí nước ngoài gọi Tony là “ông Việt Nam”

Hồi đó Chính phủ Mỹ chưa cho phép DN Mỹ đầu tư vào Việt Nam, nhưng Tony “lách” bằng cách xin mở văn phòng đại diện mặc dù việc này cũng đối mặt với vô vàn khó khăn vì ông là người mở đường.

Tony làm việc quên cả ngày đêm, không thứ Bảy, Chủ nhật. Ông đi ngược về xuôi từ Nam tới Bắc, lặn lội tới cả vùng sâu vùng xa ở Việt Nam để tìm bạn hàng. Thỉnh thoảng Tony lại phải trở về Mỹ để giải quyết vướng mắc trong kinh doanh với các cơ quan công quyền.

Vào thời điểm đó, mọi việc đều rất phức tạp, đặc biệt đối với những DN Mỹ mở đường vào Việt Nam như Tony. Tuy nhiên, mỗi khi gặp khó khăn, Tony lại tự an ủi bằng câu “Cầm đèn chạy trước ôtô” bằng tiếng Việt mà bạn bè Việt Nam dạy cho ông.

Tony kể khi bắt đầu giới thiệu sản phẩm Caterpillar (các loại xe và phương tiện phục vụ cho xây dựng nổi tiếng ở Mỹ-PV) tới Việt Nam, mọi người nghĩ rằng ông kinh doanh thức ăn gia súc.

Vậy nhưng, ngày nay Việt Nam là nước duy nhất ở châu Á, nơi Caterpillar được bán nhiều hơn cả Komatsu. Tuy nhiên, để làm được điều đó, Tony mất nhiều năm hòa nhập với nền văn hóa Việt Nam bằng những việc rất cụ thể như mày mò tự học tiếng Việt.

Thậm chí đến nay, sau 15 năm ở Việt Nam, Tony vẫn luôn mang theo mình cuốn từ điển Việt – Anh mini để tiếp tục học tiếng Việt và tìm hiểu văn hóa, đời sống của người Việt Nam.

Nhờ đó, Tony luôn là người mở đường trong những lĩnh vực đầu tư mới mẻ tại Việt Nam như thị trường chứng khoán. Ông là thành viên hội đồng quản trị của một số quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam…

Tony còn nhớ vào năm 1997 các nhà đầu tư nước ngoài “biến mất” khỏi Việt Nam do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và môi trường đầu tư trong nước nghèo nàn. Trong tình cảnh đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã mời các nhà đầu tư nước ngoài tới Dinh Thống Nhất ở TP HCM để kêu gọi đầu tư.

Hơn 800 nhà đầu tư nước ngoài tham dự cuộc gặp này, số lượng chưa từng có và điều này thôi thúc Tony cùng một số DN khác quan tâm tới việc thành lập một cộng đồng kinh doanh nhằm thúc đẩy đầu tư được gọi là Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam (VBF). Tony cũng kéo một số Đại sứ nước ngoài tại Hà Nội là bạn của ông vào cuộc.

Sau nhiều đêm thảo luận, cuối cùng Tony cùng những người bạn của mình thống nhất bầu ông Wolfgang Bertelsmeier - Giám đốc Cty Tài chính quốc tế IFC của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam – làm Chủ tịch đầu tiên của VBF.

Tuy nhiên, phải sau nhiều tháng thuyết phục, ông Bertelsmeier mới đồng ý làm Chủ tịch VBF, trong khi Tony được xem như cha đẻ của VBF.

Ngoài việc đề ra các luật lệ của VBF, Tony còn sắm cho vị Chủ tịch đầu tiên 1 chiếc chuông nhỏ và nó vẫn được dùng đến ngày nay để nhắc nhở một cách lịch sự đối với những diễn giả phát biểu quá dài. 

“Ông Việt Nam”

Cái tên Anthony Salzman ( hay Tony) thực ra từ lâu đã không được nhắc đến nữa chỉ vì những người quen biết đều gọi Tony là Mr. Viet Nam (Ông Việt Nam).

Không ít người nước ngoài có tên Việt Nam, nhưng với Tony cái tên này có lẽ đặc biệt hơn vì không chỉ riêng ông mà cả gia đình ông đã gắn bó với mảnh đất này suốt 15 năm qua.

Con gái ông lớn cùng với những trò chơi dân gian, với kiến, với muỗi, với những đêm hè mất điện ở Hà Nội trong thời kỳ đổi mới. Lần đầu tiên đến Hà Nội vào đầu những năm 1990, vợ chồng Tony không quen biết ai và không dám để cô con gái nhỏ Zana ở nhà một mình. Đi đâu họ cũng mang theo Zana.

Tony và và Ruby đã mua cho Zana một cái bàn nhỏ đặt trong văn phòng của họ tại Hà Nội. Bé Zana cứ thắc mắc rằng vì sao bố mẹ lại đưa danh thiếp cho người khác, nhưng mình lại không có.

Vì thế Tony và bà Ruby cũng phải in danh thiếp cho con gái với một chữ duy nhất trên đó là “Zana”. Mỗi khi có đối tác kinh doanh đến văn phòng của bố mẹ, Zana cũng đưa danh thiếp của mình cho họ và không quên tự giới thiệu: “Tên tôi là Zana. Tôi 3 tuổi và công việc của tôi là … chơi”.

Người dân Hà Nội lúc đó chủ yếu đi bằng xe đạp, xe máy còn rất ít, nhưng Tony đã tậu ngay cho mình 1 chiếc Lincoln Continental màu trắng để gây ấn tượng với các đối tác kinh doanh.

Tony là người Mỹ đầu tiên được cấp giấy đăng ký xe ôtô tại Hà Nội vì thế chiếc Lincoln Continental của ông có biển số “01” (NN-35-01).

Chiếc xe có biển số đặc biệt này cùng hình ảnh ông Tây với bà vợ người châu Á (bà Ruby Shang là người Mỹ gốc Nhật Bản, Trung Quốc) và cô bé Zana đã nổi tiếng khắp Hà Nội từ năm 1993 - 1995.

Tony sớm mượn được cả một căn hộ của Nhà nước tại Hà Nội để ổn định cuộc sống cho gia đình và việc mở văn phòng đại diện để phân phối máy công nghiệp từ Mỹ nhanh chóng vận hành nhờ sự giúp đỡ của bạn bè Việt Nam.

Khoảng thời gian ở Việt Nam có lẽ cũng là quãng đời hạnh phúc nhất của Tony khi cả gia đình nhỏ được đoàn tụ. Mặc dù là công dân Mỹ, nhưng cả gia đình Tony đều tự nhận mình là người Việt Nam.

Cô bé Zana mãi tới gần đây mới rời Việt Nam để trở về Mỹ học đại học, nhưng những kỷ niệm thời thơ ấu tại Hà Nội vẫn còn đó. Zana nhớ nhất hình ảnh cả gia đình quây quần trong căn phòng nhỏ tại Hà Nội, chăm sóc cho những chú chim và cả con thỏ được đặt tên là Zozo.

Trong khi những cô bé, cậu bé cùng trang lứa say mê những thứ đồ chơi tối tân ở Mỹ, Zana lại thích những trò chơi dân gian của Việt Nam. Cô bé thậm chí còn mày mò làm ra những thứ đồ chơi đơn giản từ tre, nứa, giấy…như các bạn nhỏ Việt Nam khác.

Bà Ruby không còn sát cánh cùng chồng kinh doanh tại Việt Nam, nhưng vẫn luôn nỗ lực hết mình cho quan hệ Việt – Mỹ. Hiện bà Ruby làm việc cho Quỹ Clinton và là nhân vật thân cận của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.

Tony tâm sự với tôi rằng, ông đã gần 60 tuổi và chắc phần đời còn lại sẽ tiếp tục gắn bó với Việt Nam. Gia đình nhỏ của Tony cũng không thể sống xa nhau mãi và một ngày nào đó lại đoàn tụ tại Việt Nam.

MỚI - NÓNG