Người Mỹ vận động hành lang cho PNTR

Người Mỹ vận động hành lang cho PNTR
Chính trường nào cũng phải có lobby, mà tiếng Việt gọi là vận động hành lang, để đạt lợi ích cao nhất cho tập đoàn, công ty, hay quốc gia, và điều này lại càng đúng tại Hoa Kỳ.
Người Mỹ vận động hành lang cho PNTR ảnh 1
Phó Đô đốc hồi hưu Earl Preston Yates, người từng tham chiến Việt Nam nay ủng hộ PNTR 

Theo chuyên gia đầu tư Trần Sĩ Chương thì đây là cái thế chính trị mà người Mỹ thường vận dụng tối đa để tranh thủ quyền lợi kinh tế thương mại khi giao dịch với nhau.

Giữa tháng 11 tới nhiều khả năng quốc hội Mỹ sẽ mang quy chế mậu dịch bình thường vĩnh viễn với Việt Nam ra bàn tại quốc hội, và ngay từ bây giờ, một tổ chức có tên là Hội thân hữu Mỹ Việt vì một nước Việt Nam giàu mạnh đã ra đời và các thành viên dự tính sẽ lên Capitol Hill để vận động cho quy chế PNTR cho Việt Nam.

Phó Đề Đốc hồi hưu Earl Preston Yates, người từng tham chiến nhiều năm ở Việt Nam là chủ tịch danh dự của Hội

Hoa Kỳ cần xây dựng một liên minh vững chắc với Việt Nam và các nước thành viên của tổ chức ASEAN để phục vụ cho lợi ích về chính trị, quân sự, kinh tế, và chiến lược. Trong bối cảnh này thì thúc đẩy tự do thương mại, chia sẻ giá trị chung để cùng phát triển kinh tế là các biện pháp cần thiết để xây dựng mối quan hệ hai chiều có hiệu quả.

Thế thưa ông ông có quan tâm đến quan ngại của một số nghị sĩ Mỹ về công ăn việc làm trong ngành dệt tại tiểu bang Bắc Carolina sẽ bị cạnh tranh một khi hàng may rẻ từ Việt Nam tràn vào nước Mỹ?

Trong suốt 25 năm qua tôi chứng kiến ngành dệt may tại Bắc Carolina thu hẹp quy mô và giảm bớt mức độ cạnh tranh tại thị trường Hoa Kỳ, và tôi quả thật cũng có lúc chia sẻ tâm trạng đau khổ trước tình cảnh lợi nhuận giảm và công nhân may mặc mất việc làm.

Chuyện nước Mỹ bị mất nhiều công ăn việc làm và công việc của người Mỹ chạy ra ngoại quốc không chỉ xảy ra ở tiểu bang Bắc Carolina, mà đây là vấn đề của toàn quốc, và không dễ gì mà tìm ngay ra được giải pháp.

Tuy nhiên tôi cũng đã nói chuyện với nhiều người, ở Mỹ cũng như ở Việt Nam, về hậu quả có thể xảy ra nếu quy chế PNTR không đươc̣ thông qua, và tôi thấy ai cũng muốn đưa ra một hành động thỏa hiệp, tức là làm sao giảm bớt thiệt hại đối với ngành may của Mỹ.

Thế theo ông thì làm sao để cho hai bên, Hoa Kỳ và Việt Nam cùng ký vào PNTR và cùng cảm thấy vui?

Tôi tin rằng một giải pháp dành cho công nghệ may mặc và bông sợi của Mỹ sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên, điều cần thiết để cho thương mại phát triển. Và một khi có quan hệ mậu dịch gần gũi rồi thì hai phía sẽ cùng lắng nghe để giảm bớt những tác hại có thể xảy ra trong tương lai.

Vận động cho Việt Nam

Người Mỹ vận động hành lang cho PNTR ảnh 2

Ông Lê Phước Sang: "Sau 31 năm hoạt động cho hội đoàn nay là lúc tôi muốn giúp người dân Việt Nam"

Trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ rất ít tổ chức ủng hộ cho mối giao thương Việt Mỹ ra đời - từ trước đến nay.

Trong quá khứ cá nhân nào kêu gọi Mỹ giao thương với Hà Nội đã từng bị biểu tình và chụp mũ. Vậy tình hình nay đã khác?

Theo ông Lê Phước Sang, Chủ tịch của Hội thân hữu Mỹ Việt vì một nước Việt Nam giàu mạnh, tổ chức mới ra đời để vận động cho quy chế PNTR, thì sau 31 năm hoạt động cho cộng đồng phật giáo Hòa Hảo tại California, ông tin rằng nay là thời điểm để nghĩ đến tương lai của dân tộc, trên tinh thần tôn trọng quan điểm của nhau.

Trước tiên ông nói về mục đích của Hội:

Hội của chúng tôi, là tổ chức bất vụ lợi hoạt dộng ở Huê Kỳ, Việt Nam và các nơi có nhu cầu. Nhân sự gồm những người Mỹ và Việt Nam quan tâm đến công cuộc phát triển cho Việt Nam. Và chúng tôi sẽ làm những việc sau đây:

1- Kết hợp những cá nhân, tổ chức người Mỹ và người Việt khắp nơi nhằm huy động nhân vật lực ở Huê Kỳ và nước giúp VN phát triển.

2- Tạo điều kiện cho người dân hai nước Mỹ /Việt hiểu biết nhau hơn nhằm hỗ trợ cho mục tiêu của Hội

3- Vận động Lập Pháp, Hành Pháp và công luận Huê Kỳ thông qua qui chế PNTR cho Việt Nam.

4-T ổ chức mời các cá nhân, tổ chức ngoài chánh phủ ở Huê kỳ thăm VN và ngược lại để tìm hiểu nhu cầu phát triển của VN.

Thưa ông thế còn việc thúc đẩy kinh tế theo hiệp định PNTR thì sao?

Chúng tôi hy vọng sẽ hình thành và phát triển công tác “kết nghĩa” địa phương-địa phương, trường học-trường học, bệnh viện-bệnh viện ... trong chiều hướng phát triển giáo dục, y tế, xã hội từ thiện... ngoài chánh phủ, để nâng cao phúc lợi người dân Việt Nam.

Vận động các tổ chức NGO của Huê Kỳ cung cấp học bổng, phương tiện cho việc phát triển nhân tài Việt Nam theo đà phát triển nhân loại.

Tìm hiểu nhu cầu về thị trường lao động, dịch vụ, sản phẩm...ở Huê Kỳ để giới thiệu với người Việt Nam trong nước, tạo điều kiện phát triển Việt Nam.

Lobby xứ Mỹ

Người Mỹ vận động hành lang cho PNTR ảnh 3

Đôi khi một thống đốc tiểu bang cũng phải đến thăm báo chí Việt Ngữ tại Little Saigon để ''vận động'' hành lang

Không phải ai cũng hiểu tại sao ở một nước thể chế minh bạch như Mỹ lại cần phải đi vận động hành lang.

Theo ông Trần Sĩ Chương, nhà tư vấn, và từng là trợ lý lập pháp, ngoại giao và ngoại thương tại quốc hội Hoa Kỳ 20 năm trước đây thì tuy chính trường Mỹ minh bạch nhưng hệ thống vận hành lại phức tạp, chằng chịt, và không phải lúc nào cũng công bằng

Trong lĩnh vực chính trị, ngay cả những nước thân thiện với Mỹ và có văn hóa gần gũi với Mỹ như Anh, Pháp, Đức, Úc cũng phải cần chuyên gia lobby để vận động thường xuyên với chính khách Mỹ. Ở Á châu, các nước đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng phải có một đội lobby hùng hậu ở Mỹ.

Trong mười năm qua, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều cho nhu cầu hiểu biết về người Mỹ đồng thời thực hiện các hoạt động lobby rất tinh vi ở Mỹ; do vậy Trung Quốc có được một quan hệ tương đối tốt và ổn định với nước này, mặc dù quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc đãđến mức rất lớn và cực kỳ phức tạp.

Thưa ông văn hóa Mỹ hay nói đến win win situation, tức hai bên cùng thắng. Có phải những người lobby Mỹ sống với khẩu hiệu này?

Tại Mỹ khi có xung đột quyền lợi một trong những nguyên tắc chính để tạo cân bằng và ổn định chung là thương lượng, qua đó hy vọng tìm được sự nhượng bộ của cả hai bên, mỗi bên có lợi một ít, không bên nào được lợi hết, hoặc thiệt hết.

Khi hai bên không thể tự giải quyết ổn thỏa thì mới “đụng trận” đem nhau ra tòa, hay để cho một phía thứ ba đứng ra giải quyết giùm. Đây là giải pháp cuối cùng vì rất tốn kém chi phí cũng như thời gian.

Cho nên vai trò người lobby ở đây rất quan trọng: giúp thân chủ tránh được những đối đầu không cần thiết, và chỉ đến khi không còn đường giải quyết nữa mới nói đến vấn đề tranh tụng.

Theo Phạm Khiêm
BBC

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.