“Người Nhật lo lắng về sử dụng ODA tại Việt Nam”

“Người Nhật lo lắng về sử dụng ODA tại Việt Nam”
Ông Daisuke Matsunaga, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, nhiều nghị sỹ Nhật đã yêu cầu họ cung cấp thông tin liên quan đến vụ tiêu cực tại PMU 18.

Có thể tới đây Nhật Bản sẽ cử chuyên gia sang điều tra việc sử dụng vốn ODA tại Việt Nam.

Các ông tiếp nhận thông tin về vụ tiêu cực ở Ban quản lý các dự án 18 - Bộ Giao thông Vận tải (PMU 18) như thế nào?

Có thể nói đây là một vụ việc mà chúng tôi không hề ngờ tới.

Ngoài nắm thông tin từ các cơ quan thông tin đại chúng, chúng tôi đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cung cấp thông tin liên quan đến việc này. Chúng tôi cũng thường xuyên có các cuộc tiếp xúc với Bộ Kế hoạch Đầu tư về vấn đề viện trợ. Theo chúng tôi được biết, hiện nay vụ việc vẫn đang được điều tra làm rõ. Kết quả cuối cùng vẫn chưa có, vì vậy, chúng tôi vẫn đang chờ đợi.

Tuy vậy tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi không chỉ nghe tin đồn mà sẽ xem xét đánh giá các kết quả điều tra dựa trên quan điểm phân tích của chính chúng tôi.

Báo chí Nhật đưa tin khá đậm về PMU 18. Xin ông cho biết dư luận ở Nhật Bản phản ứng ra sao trước vụ việc?

Trong Quốc hội Nhật, có nhiều người đã hỏi về vấn đề này rồi. Về phía chúng tôi - những người đang ở Việt Nam - cũng đã giải thích với họ rằng, vụ việc vẫn đang được điều tra và chưa có kết quả, phải chờ đợi.

Người dân Nhật cũng tỏ ra rất lo lắng về hiệu quả sử dụng vốn cho vay ODA tại Việt Nam. Đó cũng là một điều tự nhiên bởi vốn cho vay ODA là từ tiền đóng thuế của người dân Nhật Bản, dĩ nhiên họ muốn đồng tiền phải được sử dụng hiệu quả.

Có thông tin cho biết số vốn của Nhật Bản tại các dự án do PMU 18 quản lý khoảng 20.000 tỷ đồng. Các ông có định rà soát lại toàn bộ các dự án?

Tiền tài trợ ODA của Nhật Bản được chuyển vào Việt Nam thông qua Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC). Tuy nhiên, JBIC không trực tiếp chuyển vào tài khoản của PMU 18.

Hơn nữa, ở Việt Nam, chúng tôi có rất nhiều dự án, không phải chỉ riêng đầu tư cho lĩnh vực giao thông vận tải, mà nhiều lĩnh vực khác như xây dựng bệnh viện, trường học, hệ thống cấp thoát nước... Vì vậy, tôi không nắm được cụ thể có bao nhiêu tiền Nhật Bản cho vay trong các dự án của PMU 18.

Hiện chúng tôi chưa cử chuyên gia sang, tuy nhiên tôi cũng không loại trừ khả năng sẽ cử người sang trong thời gian tới.

Đại sứ của ông từng nói rằng, trách nhiệm đầu tiên trong vụ việc này là thuộc về chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, xét về phía các nhà tài trợ (ở đây là JBIC), họ cũng phải có trách nhiệm trong việc giám sát hiệu quả sử dụng vốn ODA chứ?

Các dự án với vốn ODA vay của Nhật Bản đều có một cơ chế gắn liền với việc theo dõi và giám sát thực hiện dự án. Cơ chế đó hoạt động trong cả quá trình trước, trong và sau khi dự án được thực hiện. 

Có thông tin cho rằng, nhân sự của JBIC ở Việt Nam có hạn, thậm chí chỉ có một người của JBIC quản lý sử dụng vốn ở tất cả các dự án ODA của Nhật ở Hà Nội. Vì vậy, họ không thể kiểm sóat nổi hiệu quả sử dụng vốn, ông nghĩ sao?

Không có chuyện chỉ có một người của JBIC ở Hà Nội quản lý việc sử dụng vốn trong các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam. Mọi quyết định và việc giám sát đều thông qua trụ sở chính của JBIC. Quyền quyết định không phải chỉ thuộc về văn phòng JBIC ở Hà Nội quyết định.

Trong cuộc họp giữa kỳ nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) tới đây, Nhật Bản sẽ đề cập gì với Chính phủ Việt Nam liên quan đến vụ việc này?

Chắc chắn tại hội nghị CG tới, các nhà tài trợ sẽ bàn luận về vấn đề này bởi việc sử dụng hiệu quả và kiểm soát tốt nguồn vốn viện trợ là những quan tâm hàng đầu của chúng tôi. Tuy nhiên, nội dung cụ thể là gì thì phải chờ xem kết quả điều tra thế nào.

Hiện cộng đồng các nhà tài trợ vẫn đánh giá Việt Nam sử dụng vốn ODA hiệu quả so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng giữa Chính phủ và các nhà tài trợ cho Việt Nam nên tăng cường đối thoại và tiếp xúc. Đồng thời, các bên phải cùng nhau chia sẻ trách nhiệm trong vấn đề quản lý và sử dụng ODA.

Theo Vnexpress

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.