Người tiêu dùng thiệt lớn

Người tiêu dùng thiệt lớn
TP - Giá vàng thế giới cao, trong nước ăn theo tăng lên, đó là lẽ tự nhiên bởi  Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào giá vàng nhập khẩu. Nghịch lý ở chỗ: giá trong nước nhất là của các đại gia lớn  luôn “đội” cao hơn giá thế giới.
Người tiêu dùng thiệt lớn ảnh 1

Người dân đổ xô đi mua vàng mặc dù giá vàng trong nước đắt hơn so với giá vàng thế giới một cách vô lý. Ảnh: Phạm Yên

Chỉ lấy giá vàng của những ngày giữa tháng 10/2006 làm ví dụ, hãy thử so sánh. Ngày 13/10, giá vàng thế giới đạt 579 USD/ounce tương đương với 11,37 triệu đồng/lượng - trong nước vàng SJC bán ra tại TPHCM được công bố lên tới 11,79 triệu đồng/lượng.

Ngày 17/10, vàng thế giới tăng thêm 6 USD so với hôm trước lên 598, 50 USD/ounce- giá vàng SJC tại Hà Nội tăng thêm 40.000 đồng/lượng lên tới 11,82- 11,92 triệu đồng/lượng; TPHCM tăng thêm 60.000 đồng/lượng.

Trên thị trường tự do, vàng của DN Bảo Tín - Minh Châu tăng 80.000 đồng lên tới 11,61-11,73 triệu đồng/lượng. Ngày 17/10, giá thế giới quanh mức 594,5 USD/ounce tương đương 11,52 triệu đồng/lượng thì giá SJC bán ra tại TPHCM lên tới 11,92 triệu đồng/lượng...

Nếu với mỗi ounce vàng bán buôn, các nhà đầu tư nước ngoài giỏi nhất cũng chỉ lãi trên dưới 1 USD/ounce tương đương với lãi khoảng 1.500 đồng/chỉ (1 ounce tương đương khoảng 8,2 chỉ vàng) thì cùng khi đó, giá vàng của các DN đang được chuộng tại Hà Nội và TPHCM đang “đội” cao hơn so với mức tăng của giá thế giới quãng từ 200 - 600 ngàn đồng/lượng.

Vàng 3 chữ A (Cty Kinh doanh vàng bạc NN&PTNT) cũng chênh ít nhất từ 100 - 200 ngàn đồng/lượng. Cứ cho là mức giá trên do phải “gánh”  các chi phí nhưng ngay cả khi trừ đi hết (thuế, phí vận chuyển, công gia công) thì phần lãi thu được từ chênh lệch này - theo giới kinh doanh trong ngành - vẫn rất lớn.

Hiện tại nhu cầu gia công vàng của SJC đang tăng gấp 3 so với bình thường  (khoảng 300 kg vàng tương đương 8.000 lượng/ngày). Tại cửa hàng Bảo Tín - Minh Châu hàng bán ra ngày cao điểm lên tới cả trăm lượng vàng. Có thể thấy khoản lợi nhuận mà các DN kinh doanh vàng bạc đang thu về là rất lớn.

Trao đổi với Tiền phong cách đây chưa lâu, chính ông Lưu Quang Điền, Giám đốc Cty vàng bạc đá quý SJC Hà Nội cho hay, tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2006, Cty SJC tại Hà Nội đã có doanh thu khoảng 80 tỷ đồng.

“Tuy nhiên, kinh doanh vàng là ngành gánh chịu nhiều rủi ro cao. Biết đâu vào những tháng cuối năm nếu giá vàng đột ngột biến động mạnh,  chúng tôi lại có thể “sạch bách” lợi nhuận vì kể cả khi giá lên cao đến mức nào chúng tôi vẫn chấp nhận mua vào vàng đã bán ra”  - Ông Điền nhấn mạnh.

Lời lớn nhờ... thương hiệu

Nhu cầu mua vàng của những thương hiệu mạnh trong dân tăng vọt chính là cơn cớ khiến giá vàng của các “đại gia” luôn cao trên thị trường.

Nói về điều này, ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Cty kinh doanh vàng NHNNo - Phó chủ tịch Hiệp hội  kinh doanh vàng VN nhấn mạnh: “Giữa các thành viên trong hiệp hội không ràng buộc bất cứ cam kết nào về giá bán niêm yết.

Người tiêu dùng thiệt lớn ảnh 2
Cửa hàng vàng bạc Bảo Tín - Minh Châu, trên đường Trần Nhân Tông - Hà Nội, lúc 16h ngày 22/10/2006. Ảnh: Phạm Yên

Giá vàng 3 chữ A chỉ chênh lệch dao động từ 10 –20 ngàn đồng/chỉ so với giá thế giới. Đó là mức giá chúng tôi đã tính cho tất cả các chi phí; từ vốn, lãi, trả lương CBCNV và phù hợp nhất với người tiêu dùng.

Còn với DN khác, như SJC chẳng hạn, họ có thể sử dụng  “thuật” kích cầu thương hiệu (không có gì sai luật - PV) nên dù cùng nhập hàng từ ngân hàng của Thuỵ Sỹ và Nhật, chất lượng như nhau nhưng giá SJC vẫn luôn đắt nhất trên thị trường (có lúc cao hơn giá thế giới tới 600 ngàn đồng/lượng)”.

“Lý do chính để người tiêu dùng chuộng SJC vì vàng này có “thương hiệu” (SJC hoạt động được 18 năm). SJC luôn đảm bảo chất lượng 100% đúng vàng 4 số 9. Tất cả các cửa hàng sẵn sàng mua lại vàng SJC khi khách muốn bán” - Ông Lưu Quang Điền khẳng định.

Theo ông, thường thì giá vàng  SJC sẽ chênh so với giá thế giới khoảng 250 ngàn đồng/lượng, đó là giá đã tính tất cả các chi phí. Cũng có thời điểm khan hàng, giá SJC có thể vênh lên cao hơn là do  khi đó “cung” không đủ “cầu” và một số DN kinh doanh lợi dụng điều này.

Mua vàng vì đặt niềm tin vào tên tuổi thương hiệu là chuyện đương nhiên nhưng cũng đến lúc, người tiêu dùng cần tỉnh táo, đừng “tự nguyện” gánh thiệt thòi khi mua đắt thêm  mỗi cây vàng hàng trăm ngàn, mất tiền cho một khoản chênh lệch không đáng có.

Đã có lần, một  DN trong giới kinh doanh vàng đã phải lên tiếng đề nghị “đại gia” SJC tại Hà Nội hạ bớt mấy giá (khi giá thế giới đã hạ) để cho họ còn hạ theo chứ không thì rất khó bán hàng.

MỚI - NÓNG