Người Việt ở Nga: Lại phập phồng tia hy vọng?

Người Việt ở Nga: Lại phập phồng tia hy vọng?
TPO - Giờ cao điểm tại một khu chợ người Việt ở Mátxcơva. Dãy bán áo lông buồn hiu hắt. Qua “đỉnh” của mùa đông rồi mà trời ấm, chưa có tuyết. Lại còn cái “hạn” tháng Tư nữa... Thế rồi cả chợ bỗng nháo nhác cả lên. Một người hô: “Sống rồi!”.
Người Việt ở Nga: Lại phập phồng tia hy vọng? ảnh 1
Người Việt tại Nga lại phập phồng tia hy vọng ? Ảnh : Quang Vinh

Tia hy vọng mong manh

Thì ra một tờ báo của cộng đồng đăng tin giật gân: Chính phủ Nga đồng ý cho người nước ngoài bán hàng ở chợ. Ông Gờ rép Gờ ráp gì đó (German Gref, Bộ trưởng Bộ phát triển kinh tế và thương mại) tuyên bố là sẽ không đóng cửa chợ nữa. Tức chợ vẫn còn, người Việt vẫn còn tiếp tục bán hàng ?

Khoảng tháng nay bà con ở chợ cũng đã nghe loáng thoáng về chủ trương của Nga chỉ cho phép người địa phương bán hàng. Lo sợ thật, song mọi người nhanh chóng gạt nỗi lo sang một bên. Phải kiếm sống đã. Hàng dạo này “đuội” (ế ẩm) quá.

Thời tiết trái khoáy chỉ là một chuyện. Người Hoa đã ngừng đánh hàng sang hoặc chỉ đánh nhỏ giọt. Mà người Việt thì chủ yếu trông vào đấy. Tại “Mát” (Mát xcơva), siêu thị, quần thể thương mại mọc lên nhiều quá. Hàng cho người giàu, hiển nhiên, rất nhiều. Cho người thu nhập trung bình cũng chẳng thiếu. Có cả cho người “hơi nghèo”, bởi giá không cao lắm.

những siwu thì và trung tâm mua sắm này đang bóp nghẹt các khu chợ của người Việt, người Hoa. May người dân các tỉnh còn nghèo, còn cần đến hàng rẻ tiền… chóng hỏng. Nhưng kể từ ngày 15/1 các mối người Việt ở tỉnh xa không về “ăn” hàng nữa. Chợ đang bị kiểm tra, chủ chợ không dám chứa người nước ngoài thì nhập hàng làm gì.

Cũng kể từ sau ngày 15/1 cộng đồng người Việt ở Mátxcơva mới cảm nhận rằng lần này Chính phủ Nga “nói là làm” và “làm thật”. Nhiều năm qua họ đã nghe quá nhiều tin về việc đóng chợ, di dời chợ, cấm người nước ngoài nhưng cuối cùng họ vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Thành ra họ học được thái độ bình thản, bình thản quá đến mức vô tư. Nhưng bây giờ thì khác. Tình hình nghiêm trọng thật rồi.

Anh Tâm, chị Mận đã quyết định về nước trước tháng Tư. 20 năm bôn ba ở Mátxcơva từ thời Liên Xô đủ để anh chị tích cóp vốn liếng về Hà Tây quê nội mở xưởng mộc. Anh Tâm nói: “Về thôi, chẳng cố đấm ăn xôi làm gì”. Hai anh chị này dễ dàng “dứt áo” là vì đã nhượng “công” (côngtenơ bán hàng) ở chợ Vòm từ nửa năm trước, khi còn được giá. Bây giờ họ thuê lại chỗ kinh doanh và đang bát nốt lô hàng thể thao còn lại.

Còn anh Dũng thì khác. Anh vẫn sở hữu một quầy bán quần áo phụ nữ ở chợ nên phải bám trụ cho đến ngày cuối cùng. Sau này dù không được bán hàng thì anh sẽ tìm cách xoay sang việc khác. Về nước anh không có nghề nghiệp trong tay, vốn liếng chưa nhiều.

Cộng đồng  người Việt tại Nga đang bị phân hóa như vậy đấy, dùng dằng giữa ở và về.

 Thông tin về việc Chính phủ Nga lại cho người nước ngoài bán hàng thổi bùng lên trong nhiều người niềm hy vọng được tiếp tục bám chợ làm ăn. Nhưng đây là niềm hy vọng mong manh.

Nguyên văn câu nói của Bộ trưởng Gref khi trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình “Vesti-24” ngày 17/1: “Chúng tôi sẽ khảo sát tình hình (ở các khu chợ bán lẻ) cùng với Cơ quan di trú liên bang. Trước ngày 1/4 tôi hy vọng chúng tôi sẽ có đủ thông tin. Nếu chúng tôi thấy có mối nguy hiểm nào đó thì thời hạn (cấm người nước ngoài bán hàng ở chợ) sẽ được lùi lại bằng một quyết định của chính phủ”.

Người Việt ở Nga: Lại phập phồng tia hy vọng? ảnh 2
Một quầy hàng của người Việt tại Nga. Ảnh : Quang Vinh

Đây chỉ mới là ý kiến cá nhân của một vị bộ trưởng và với chữ “nếu” rất to ở  đầu. Còn để có được quyết định của chính phủ không phải là chuyện dễ dàng. Lại nữa, nếu thời hạn 1/4 được đẩy lùi thêm vài ba tháng hoặc nửa năm thì về cơ bản số phận của cộng đồng người Việt ở Nga không thay đổi.

Luật đã ban ra là phải thi hành, còn các biện pháp thực hiện thì có thể điều chỉnh tùy theo tình hình cụ thể. Căn cứ vào lời nói của Bộ trưởng Gref thì sự lo ngại của nhiều chuyên gia kinh tế Nga rằng người địa phương không thể thay thế dân nhập cư tại các chợ bán lẻ, rằng sau ngày 15/1 sự lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng, là có cơ sở.

Người Nga đã… ra chợ

Các đồng nghiệp Nga ở tờ “Vzgliad” (Quan điểm) từ nhiều địa phương trong cả nước đã tổng kết những ngày đầu thực hiện Luật về chợ bán lẻ. Thông tin hoàn toàn ngược với hy vọng của cộng đồng chúng ta.

Các cuộc kiểm tra chợ đang diễn ra trên toàn nước Nga – chính quyền các địa phương thực hiện Nghị định số 683 (đã trở thành luật) có hiệu lực từ ngày 15/1 về hạn chế hoạt động của công dân nước ngoài trong thương nghiệp bán lẻ.

Chủ các chợ hiểu rằng lần này không thể trì hoãn việc chấp hành luật nên đã nhanh chóng “buông” những người bán hàng không mong muốn. Tại một số vùng việc thực hiện Nghị định dẫn đến những hậu quả bất ngờ. Đã xuất hiện những sự lạm dụng quyền lực đầu tiên do các chủ chợ không nắm được luật.

Những tác động của điều luật mới có thể thấy rõ từ vùng Viễn Đông cho tới các vùng trung tâm nước Nga - tại các chợ Trung Quốc (và Việt Nam) đang diễn ra việc bán phá giá với quy mô lớn.

Người kinh doanh muốn bán tống bán tháo hàng hóa nên đôi khi hạ giá xuống mấy lần, có một số chợ mở cửa suốt đêm. Giá cả không chỉ làm người ta ngạc nhiên mà khiến họ bị sốc - một trong những khu chợ lớn nhất của người Hoa (và cả người Việt) ở Khabarovsk giá một chiếc áo lông tụt xuống dưới 1.000 rúp (gần 40 USD), còn quần bó giảm giá 10 lần.

Theo con số chính thức hiện tại ở Khabarovsk có 2.500 người Hoa buôn bán hợp pháp, nhiều người khác không có giấy tờ hợp lệ. Từ nay cho đến ngày 1/4 người bán hàng Trung Quốc vẫn có thể kinh doanh ở chợ nhưng số lượng đã giảm đi, còn sau đó thì họ chỉ có thể làm chủ các điểm kinh doanh và thuê người Nga bán hàng.

Các cuộc kiểm tra chợ mang tính ồ ạt và đã xuất hiện những kết quả tài chính đầu tiên: Chủ một vài chợ ở Stavropolie đã phải nộp phạt hơn 600.000 rúp vì trong chợ có mặt một số người bán hàng là dân nhập cư bất hợp pháp.

Tại Baskiria sau khi kiểm tra 3.075 người nước ngoài (ở các chợ) thì phát hiện 1.010 người làm việc bất hợp pháp, chỉ riêng tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp thêm đã hơn 1 triệu rúp.

Tại Kharasia các cơ quan bảo vệ pháp luật cho người nước ngoài hiểu rằng họ không nói đùa: Tháng 12/2006 Viện kiểm sát của nước cộng hòa đã quyết định giải tỏa một khu nhà kính trồng rau của người Hoa và khi các chủ trại không chịu di dời khẩn cấp thì người ta đã cho máy ủi san bằng mọi thứ.

Còn cuộc kiểm tra các chợ ở tỉnh Sverlovsk cho thấy ở nhiều chợ hoàn toàn không có người bán hàng nước ngoài. Nhưng đoàn kiểm tra thì không cho là như vậy bởi người nước ngoài (người Việt, người Hoa) giải thích với đoàn: “Tôi không phải là người bán hàng, tôi chỉ ngồi trông hàng hộ để khỏi bị mất cắp thôi”.

Phó giám đốc Cơ quan di trú liên bang Nga Vyacheslav Postavnin cho biết các quy định mới không nói lên rằng Nga chối bỏ nhân công nước ngoài. Bán hàng chỉ là một phần nhỏ trong các khâu của thương nghiệp bán lẻ, người nước ngoài vẫn được ở lại làm các công việc khác. Chẳng hạn họ có thể đầu tư để mua một điểm kinh doanh nhưng phải thuê người Nga bán hàng.

Theo ông Postavnin các biện pháp mới được đưa ra trước hết là nhằm chống tham nhũng và tội phạm ở chợ, và cũng để mở rộng cửa cho các nhà sản xuất Nga bước vào. Giá cả tại chợ sẽ không tăng và chỗ trống do người bán hàng nước ngoài bỏ lại sẽ được người Nga lấp đầy. Trong những ngày qua không có sự ngưng trệ lưu thông hàng hóa. Một số người nước ngoài rút khỏi chợ và người Nga đã lập tức thay thế.

MỚI - NÓNG