Lộ trình tới 1/4 :

Người Việt ở Nga trông chờ điều gì ?

Người Việt ở Nga trông chờ điều gì ?
TPO - Những ngày giáp Tết Đinh Hợi  người Hoa ở Nga đã rầm rộ về nước. Người Cápcadơ chuyển nghề hoặc làm thủ tục xin nhập quốc tịch nước sở tại. Phần đông người Việt thuộc nhóm thứ ba – nghe ngóng và chờ đợi.
Người Việt ở Nga trông chờ điều gì ? ảnh 1

Chợ người Việt ở Cadan. Ảnh : Quang Vinh

Họ như được tiếp thêm sức mạnh khi các tờ báo cộng đồng đăng tin chính quyền thành phố Mát xcơva quyết định“lại cho phép người nước ngoài bán hàng ở chợ”. Đáng tiếc đây là thông tin không chính xác. Quyết định nói trên chỉ liên quan đến các chợ thực phẩm đã nhanh nhảu áp dụng “hạn ngạch” 1/4  quá sớm…

Người Việt, người Hoa và người Cápcadơ

 Ở Nga người Trung Á chủ làm cửu vạn hoặc đảm nhiệm việc vệ sinh môi trường, số nữa làm công nhân xây dựng. Người Thổ Nhĩ Kỳ hoặc làm ở các công trường hoặc bán buôn ở chợ. Riêng cộng đồng người Việt, người Hoa và người Cápcadơ tuyệt đại đa số làm công việc bán lẻ ở chợ thực phẩm, chợ hàng hóa.

Bởi vậy trong khi Luật về kê khai di trú, Luật sửa đổi về tình trạng pháp lý của người nước ngoài có tác động đến tất cả lao động nhập cư thì Luật về chợ bán lẻ chủ yếu làm đảo lộn cuộc sống của 3 cộng đồng nói trên.

Cơ quan di trú liên bang (FMS) được giao thực thi các điều luật liên quan đến người nhập cư. Kể từ khi Luật về kê khai di trú, Luật sửa đổi về tình trạng pháp lý của người nước ngoài, Luật về chợ bán lẻ có hiệu lực FMS bận rộn đi kiểm tra chợ ở các địa phương. Người Việt ở Mátxcơva tạm thời yên ổn.

Sự yên ổn này chỉ là tương đối. Những thông tin dội về từ các tỉnh khiến mọi người lo lắng, tại đó người Việt hoặc đã bỏ chợ hoặc buộc phải thuê người Nga bán hàng. Hàng họ ế ẩm và tương lai bấp bênh làm cho bầu không khí cộng đồng trĩu nặng. Một số “ốp” tại Mátxcơva đã đóng cửa từ đầu tháng 1/2007, các ông chủ nói là để làm thủ tục chuyển đổi từ chợ sang trung tâm thương mại.

 Chỉ rất ít trong số 100.000 người Việt ở Nga có quyết định hồi hương vĩnh viễn. Rất nhiều người tuy đã rời nước Nga nhưng vẫn mang theo hy vọng sẽ quay trở lại. Đại đa số đang chờ đợi một điều gì đó, mơ hồ, không rõ ràng. Thuê người Nga bán hàng, “lối thoát hiểm” đối với người nước ngoài kinh doanh ở chợ do chính FMS mở ra, không được người Việt hoan nghênh.

Tờ “Báo Nga” (cơ quan của chính phủ Nga) viết về một thương xá của người Việt như sau: “Người thanh niên Việt Nam đứng chặn lối vào một thương xá khá quen thuộc với người dân quận Bắc lõm bõm bằng tiếng Nga: “Chợ đóng cửa. Không có ai hết. Không có người bán hàng, không có các ông chủ, chúng tôi chỉ là bảo vệ thôi”.. “Đóng hẳn sao?”. “Không biết, luật ở nước này là do người Nga soạn ra chứ”.

Các chủ chợ (Việt Nam) giữ quan điểm chờ thời: Họ không tin là sau ngày 1/4 họ phải kết thúc công việc kinh doanh của mình ở thủ đô Nga. Vẫn còn cơ hội là chính quyền cao nhất, hoặc chính quyền Mátxcơva sẽ tìm ra sự thỏa hiệp sáng suốt và cho phép họ ở lại”.

 Gần 1 triệu người Hoa ít lạc quan hơn. Những người đang kinh doanh ở phía Đông nước Nga, nơi FMS tiến hành các cuộc kiểm tra đầu tiên, đã về nước. Một phóng viên Nga vừa ở Viễn Đông trở về cho biết: “Người Hoa trước Tết đã bán tháo hàng và hồi hương, cũng may là đường về quê mẹ chỉ có một quãng.

Sự mau lẹ này có vẻ như là lời cảnh báo của kẻ mạnh đối với kẻ yếu: “Chẳng chóng thì chầy các vị lại gọi chúng tôi quay lại, mà chúng tôi thì còn phải suy nghĩ chán ”. Có 8.000 người Hoa đăng ký buôn bán ở tỉnh Xvétlốp, ngay cuối tháng 1/2007 đã có quá nửa không muốn ở lại nước Nga. Họ không đáp ứng được những đòi hỏi của Luật về chợ bán lẻ”.

 Những người Cápcadơ thích ứng nhanh với điều kiện mới. Theo lý thuyết thì Luật về chợ bán lẻ phải làm thay đổi bộ mặt tại các chợ thực phẩm của Nga. Nhưng dạo qua các khu chợ này ở vùng Uran ta không nhận thấy sự “Nga hóa” đáng kể nào mặc dù các chủ  chợ đã cấm triệt để người nước ngoài bán hàng.

Những người Cápcadơ vốn có tài kinh doanh hoa quả, thực phẩm “từ trong máu” đã chuyển sang công việc bảo vệ. Ai không kịp xin một chân bảo vệ trong biên chế thì tự nguyện làm… không lương. Nhiều người Adécbaigian vẫn làm công việc truyền thống của họ - bán hoa quả. Nhưng họ không phạm luật bởi họ đã có quốc tịch Nga.

71% người Nga ủng hộ

Người Việt ở Nga trông chờ điều gì ? ảnh 2

Chợ người Việt ở Ecatêrinbua. Ảnh : Quang Vinh

Theo số liệu của FMS sau đợt một kiểm tra các chợ ở Nga, hơn 1/4 chỗ bán hàng do người nước ngoài để lại còn trống (chủ yếu là chợ thực phẩm). Chỗ dành cho các cá thể còn trống tới 2/3 trong khi hơn 99% số quầy dành cho các tổ chức có tư cách pháp nhân đã được lấp đầy. Sau ngay 1/4 chỗ trống tại các chợ còn lớn hơn nhiều vì tất cả người nước ngoài phải ra đi. Dĩ nhiên điều này ảnh hưởng đến doanh thu của các chủ chợ.

Ông Alexandr  Pyankov, Giám đốc chợ Shartashki ở Ecatêrinbua, cho biết: “Từ chối (người nước ngoài) bán hàng thì dễ, nhưng vấn đề là ai thay thế họ. Không nhiều người muốn. Để kinh doanh, cần phải có một số giấy tờ nhất định. Liệu các chủ trang trại hay nông dân có chịu làm các thủ tục “lằng nhằng” đó”.

Bà Galina Vitkovskaia, chuyên viên Tổ chức di trú quốc tế tại Nga, cho rằng mục tiêu mà các quan chức và những nhà làm luật đặt ra nhằm hạn chế lao động nhập cư ở Nga không phù hợp với các biện pháp thực thi. Theo bà, hậu quả là giá hàng hóa sẽ tăng, người nhập cư hồi hương và Nga mất đi phần lao động nhập cư tích cực nhất.

Tuy nhiên, nhìn chung người Nga ủng hộ những quy định mới của chính phủ Nga về người nhập cư và chợ bán lẻ. Trung tâm nghiên cứu dư luận toàn Nga cho thấy 71% những người được hỏi cho rằng điều này sẽ đem lại kết quả tích cực.

Chỉ có 22% có ý kiến ngược lại. Những người ủng hộ các biệp pháp hạn chế người nhập cư đồng thời cũng đánh giá tình trạng tài chính của họ thuộc loại khá, tức họ không cần đến những mặt hàng giá rẻ. Họ là số đông. Còn những người phản đối thuộc tầng lớp có thu nhập thấp và là thiểu số.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.