Người đàn bà làm giàu trên vùng đầm hoang

Người đàn bà làm giàu trên vùng đầm hoang
TP - Dựng lều sinh sống cùng ngao trên đầm hoang, cuối cùng chị Đoàn Thị Kết đã thành công. Vụ đầu tiên nuôi thử nghiệm 10 tấn ngao chị thu được 30 tấn, trừ chi phí lãi gần 70 triệu đồng.
Người đàn bà làm giàu trên vùng đầm hoang ảnh 1
Chị Kết cùng gia đình thu hoạch ngao

Năm 2005, được sự động viên, khuyến khích và giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè, chị Đoàn Thị Kết thử mạnh dạn đầu tư nuôi ngao.

Chị vay mượn được 140 triệu đồng lặn lội tới Thái Bình mua tre, lưới để quây rồi mua giống thả trên diện tích gần 2 ha tại vùng bãi hoang ở xã Vĩnh Quang (Tiên Lãng - Hải Phòng).

Từ ngày ấy, trên đầm hoang chị và con trai dựng lều sinh sống cùng ngao. Nhìn vùng nuôi ngao độc một chiếc lều đơn sơ của hai mẹ con, xung quanh là sông nước, đêm xuống trời tối đen như mực, ban ngày chẳng có một giọt nước ngọt nào ở vùng bãi để sinh hoạt, chị không khỏi buồn rầu nhưng hai mẹ con vẫn kiên trì bám trụ.

Hằng ngày, chiếc thuyền độc mộc của hai mẹ con vào đất liền vận chuyển nước ngọt ra ngoài bãi. Chị Kết kể, trong cơn bão lớn nhất năm 2005, nước dâng to, nhưng hai mẹ con chị vẫn kiên trì bám bãi ngao, kiểm tra và khắc phục thường xuyên những chỗ lưới quây bị sóng đánh hỏng.

Một cơn gió mạnh khiến thuyền của chị trôi khá xa khỏi vùng bãi, sau đó phải nhờ bộ đội biên phòng cứu giúp. Nhưng bao lo âu bỗng tan biến khi chị nhìn thấy vùng bãi nuôi ngao không bị cuốn đi cùng bão.

Bây giờ, chị Kết có thể tin tưởng vào sự thành công của mình ở bãi nuôi ngao đó. Vụ đầu tiên nuôi thử nghiệm 10 tấn ngao chị thu được 30 tấn, trừ chi phí lãi gần 70 triệu đồng.

Nhìn những sản phẩm bằng mồ hôi, nước mắt của 2 mẹ con sau gần 1 năm, chị không muốn bị những người mua buôn ép giá nên liên kết với bạn bè để bán sản phẩm ở một số tỉnh, thành phố lân cận và sang Trung Quốc.

Từ việc thử nghiệm thành công, ngay sau vụ đầu tiên, chị tiếp tục mạnh dạn huy động vốn bạn bè, người thân mở rộng diện tích nuôi lên 12 ha với tổng số vốn đầu tư 450 triệu đồng.

Trong rủi có may

Chị Kết sinh ra và lớn lên ở xã Vinh Quang. Tuổi thơ của chị gắn bó với đồng ruộng và sản xuất nông nghiệp. Đến tuổi lập gia đình, chị lấy chồng và về làm dâu ở Kiến Thụy (Thái Bình).

Về nhà chồng, cuộc sống vật lộn với bao khó khăn. Đã vậy chị còn thường xuyên bị nhiều đòn roi vô cớ của người chồng, bởi anh đã có tình ý với người phụ nữ khác.

Hạnh phúc gia đình đổ vỡ, cuối năm 2005, chị về sống cùng với người thân ở xã Vinh Quang. Sự động viên của bạn bè, gia đình, người thân giúp chị gượng dậy để tiếp tục công việc buôn bán hải sản.

Gặp bạn bè ở Thái Bình, Nam Định… chị ngạc nhiên khi thấy có nhiều người thành công bởi những dự án nuôi ngao lớn. Một người bạn của chị gợi ý: “Chỉ cần mạnh dạn bỏ vốn đầu tư mua giống, cùng với địa thế vùng bãi phù hợp và được trời cho “lộc” là có thể trở thành tỷ phú nuôi ngao”. Lời gợi ý đó khiến chị chợt nghĩ đến vùng ven biển quê mình và chị đã thành công.

Chẳng ai ngờ vùng ven biển xưa mỗi khi thủy triều lên là mênh mông sóng nước, bây giờ mỗi khi thủy triều xuống lại lộ ra bãi ngao rộng mà người thành công ấy lại là một nữ nông dân với nhiều sóng gió cuộc đời.

Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, chị Kết bảo: “Chỉ có niềm tin và sự tâm huyết với công việc đã giúp tôi vượt qua sự đau khổ để có thành công bước đầu. Mong sao sự thành công của tôi sẽ rộng mở hướng phát triển kinh tế mới cho nhiều bà con địa phương.

Vùng ven biển này khá rộng. Nếu bà con địa phương mạnh dạn mỗi người khoanh vùng vài héc-ta để phát triển nuôi ngao thành công thì thu nhập khá hơn nhiều so với làm nông nghiệp. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giúp bà con thu mua sản phẩm”.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.