Nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Chỉ hai ngày sau khi Mỹ quyết định áp mức thuế 35% với lốp xe và xe khách nhập khẩu Trung Quốc, Bắc Kinh đã có hành động trả đũa khi quyết định điều tra chống phá giá mặt hàng ôtô và gà nhập khẩu từ Mỹ.

Hôm chủ nhật (13/9), dù là ngày nghỉ, Bộ Thương mại Trung Quốc vẫn ra thông báo nói sẽ tiến hành điều tra do có lo ngại đối với các mặt hàng này ở thị trường trong nước.

Theo New York Times, ảnh hưởng của vụ tranh cãi vượt quá chuyện áp thuế đối với lốp xe, thịt gà hay ôtô. Chính phủ hai nước hiện đang đối mặt với các áp lực trong nước đòi phải cứng rắn hơn với nước kia về thương mại, và tranh cãi thương mại này có thể còn diễn biến xấu đi.

Bắc Kinh ban đầu chỉ đưa ra một tuyên bố chung chung chỉ trích hành động của Mỹ là bảo hộ thương mại. Tuy vậy, áp lực từ các diễn đàn trong nước đã khiến các quan chức Trung Quốc buộc phải hành động cứng rắn hơn.

Trên các diễn đàn mạng của Trung Quốc, nhiều người đã lên tiếng phản ứng mạnh đối với quyết định của Mỹ. Một số đã đề nghị Bắc Kinh bán toàn bộ lượng trái phiếu trị giá khoảng 700 tỉ USD của Mỹ mà nước này đang cầm giữ.

Ông Eswar Prasad, nguyên vụ trưởng phụ trách chính sách về Trung Quốc tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cảnh báo nguy cơ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể leo thang và vượt khỏi tầm kiểm soát.

Những diễn biến mới có thể làm ảnh hưởng tới cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Barack Obama tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Pittsburg vào cuối tháng 9 cũng như chuyến thăm của ông Obama tới Trung Quốc vào tháng 11.

“Vụ cãi nhau về lốp xe và thịt gà này có thể nhanh chóng chuyển biến xấu” - ông Prasad bình luận.

Các sản phẩm liên quan tới vụ tranh cãi mới đây nhất chỉ chiếm một phần nhỏ trong thương mại hai chiều nhưng tác động có thể là rất lớn. Trong bảy tháng đầu năm, khối lượng lốp xe Trung Quốc xuất sang Mỹ đã đạt 1,3 tỉ USD, trong khi Mỹ bán khoảng 800 triệu USD phụ tùng ôtô và khoảng 376 triệu USD thịt gà sang Trung Quốc. Kim ngạch hai chiều giữa hai nước đã đạt hơn 330 tỉ USD vào năm ngoái.

Trong nhiều năm, việc áp thuế chống phá giá đối với một số mặt hàng nhỏ của Trung Quốc là một cách để các chính trị gia Mỹ lấy ảnh hưởng trong nước. Chủ tịch Ủy ban Ngoại thương quốc gia William Reisch nói “hành động này sẽ tạo thêm uy tín của ông Obama với quốc hội”. Trong năm năm qua, Bộ Thương mại Mỹ đã nhiều lần áp thuế hoặc hạn chế nhập khẩu các mặt hàng Trung Quốc.

Trong hầu hết các trường hợp đó, Trung Quốc chỉ lên tiếng phản đối nhưng không hành động gì do lo ngại căng thẳng có thể ảnh hưởng tới kim ngạch thương mại hai chiều. Tuy vậy, trạng thái cân bằng này có vẻ như đang thay đổi dần.

Theo Thanh Tuấn
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.