Nguy cơ lạm phát hai chữ số

Nguy cơ lạm phát hai chữ số
Nguy cơ lạm phát hai chữ số trong năm 2008 cần được cảnh báo sớm, bởi đã xuất hiện những tín hiệu khá rõ ở diễn biến giá tiêu dùng trong những tháng đầu năm và những yếu tố tác động trong thời gian tới.
Nguy cơ lạm phát hai chữ số ảnh 1

Giá tiêu dùng tháng 2 đã tăng tới 3,56% so với tháng 1. Đây là tốc độ tăng không những cao hơn tốc độ tăng của tháng trước (2,38%), mà còn cao chưa từng thấy so với tháng 2 của 14 năm qua, tính từ năm 1994 - năm mà nước ta mới cơ bản ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội.

Cuộc khủng hoảng ấy với biểu hiện chủ yếu không thể nào quên. Đó là kinh tế suy thoái, lạm phát “phi mã”, thất nghiệp với tỷ lệ hai chữ số, đói nghèo chiếm trên một nửa dân số và trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng trên một nửa...

Giá tiêu dùng tháng 2.2008 so với tháng 12.2007 (tức là sau 2 tháng) đã tăng tới 6,02%, cũng là tốc độ tăng cao nhất tính từ năm 1996.

Mới qua 2 tháng mà tốc độ tăng đã gần bằng một nửa tốc độ tăng “giật cục” (12,63%) của cả năm 2007. Nếu không có giải pháp quyết liệt và đồng bộ, thì có khả năng năm nay giá tiêu dùng sẽ còn tăng “giật cục” hơn với kỷ lục còn cao hơn cả năm trước. Hai tháng đã tăng 6,02%, 10 tháng còn lại chỉ tăng hơn 0,6%/tháng, thì cả năm sẽ tăng cao hơn mức 12,63% của năm trước.

Nếu tính theo năm (tức là tháng 2 năm nay so với tháng 2 năm trước) thì tháng 2.2008 đã tăng tới 15,67%, cao hơn tốc độ tăng tương ứng của 3 tháng trước đây (tháng 11.2007 tăng 10,01%, tháng 12.2007 tăng 12,63%, tháng 1.2008 tăng 14,11%) và tính bình quân 2 tháng đầu năm 2008 so với cùng kỳ năm trước đã tăng 14,89%. Nói cách khác, tính theo năm, giá tiêu dùng đã tăng 2 chữ số và đáng lưu ý là đang có xu hướng tăng cao lên qua các tháng.

Như vậy, dù tính theo phương pháp nào (tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm trước hay tính bình quân năm nay so với năm trước), thì diễn biến trong hai tháng qua đều hé lộ một nguy cơ là tăng hai chữ số.

Một diễn biến khác đáng lưu ý là cả 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ đều tăng (chỉ có bưu chính viễn thông trong nhóm phương tiện đi lại, bưu điện là giảm nhẹ). Điều đó chứng tỏ, ngoài các yếu tố giá cả thế giới tăng, sản xuất lương thực - thực phẩm gặp thiên tai, dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng tăng..., còn có tác động của yếu tố tiền tệ.

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước sớm đưa ra các biện pháp mạnh mẽ về tiền tệ - tín dụng và đã có một số tác dụng bước đầu, nhưng thời gian tác động còn ngắn, lại chưa có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành khác, nên tác động đối với giá tiêu dùng chưa nhiều.

Trong mười nhóm của “rổ” hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, nhóm có tỷ trọng lớn nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống lại có giá tăng cao nhất, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của các nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng khác và cao hơn so với tốc độ tăng chung (tháng 2 tăng 6,18%, 2 tháng tăng 10,17%, sau một năm tăng 25,23%, trong đó riêng nhóm hàng thực phẩm còn tăng cao hơn).

Có một số vấn đề cần được bình luận ở đây. Về nguyên nhân, cha ông ta nói “phi nông bất ổn” quả không sai. Nước ta xuất phát từ nông nghiệp đi lên và hiện vẫn còn là nước nông nghiệp, tỷ trọng lương thực - thực phẩm trong tổng chi cho tiêu dùng còn lớn (42,85%), khi nông nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, thì lạm phát - một trong bốn đỉnh của tứ giá mục tiêu (tăng trưởng cao, lạm phát thấp, thất nghiệp ít, cán cân thanh toán có số dư) - là khó tránh khỏi.

Về hậu quả tác động, lạm phát sẽ làm cho mọi người tiêu dùng đều bị thiệt hại, nhưng trong điều kiện chênh lệch giàu nghèo lớn và gia tăng (hiện đã lên tới 8,43 lần), tỷ trọng chi tiêu cho lương thực - thực phẩm của nhóm nghèo cao gấp đôi nhóm giàu, thì người nghèo sẽ càng khổ hơn.

Mặc dù lãi suất huy động gần đây được nâng lên, nhưng tính chung những tháng qua vẫn còn “thực âm”.

Sắp tới, nhiều yếu tố làm tăng giá tiêu dùng

Nguy cơ lạm phát hai chữ số ảnh 2
Giá thực phẩm tăng khiến người nội trợ “đau đầu” - Ảnh: TN

Giá cả thế giới tiếp tục tăng cao, nhất là giá xăng dầu, sắt thép, đặc biệt là phôi thép, phân bón, chất dẻo, giấy, sợi dệt, bông, lúa mì, thức ăn gia súc, sữa và sản phẩm sữa, tân dược... Đây là yếu tố tác động làm cho lạm phát do “chi phí đẩy” diễn ra.

Việc thực hiện lộ trình điều hành giá cả theo cơ chế thị trường sẽ làm cho những hàng hóa, dịch vụ mà trong nước trước đây được kiềm chế giá năm nay sẽ tăng lên, như xăng dầu, than, học phí, viện phí...

Riêng dầu tăng giá vào cuối tháng 2 không chỉ trực tiếp làm giá tiêu dùng tăng 0,4-0,5%, mà còn gián tiếp làm tăng giá chung do xăng dầu là đầu vào của những hàng hóa và dịch vụ khác.

Cũng chính vì thế, có thể dự đoán giá tiêu dùng tháng 3 tới sẽ không giảm như thường xảy ra trong các năm trước, mà sẽ tăng lên, thậm chí cũng còn tăng cao, do thông thường tình trạng “tát nước theo xăng” vẫn diễn ra phổ biến.

Sản xuất nông nghiệp đứng trước những diễn biến thiên tai, dịch bệnh phức tạp sẽ có những khó khăn; hiệu quả đầu tư, hiệu quả sản xuất kinh doanh vẫn còn thấp chẳng những làm cho cân đối cung - cầu bị tác động, còn làm cho chi phí đầu vào, giá cả đầu ra tăng lên.

Mặc dù kiềm chế lạm phát là ưu tiên của Chính phủ vào thời điểm này, nhưng vẫn còn có những quan điểm khác nhau và sự phối hợp giữa các bộ, ngành vừa thiếu chặt chẽ, vừa thiếu đồng bộ sẽ làm cho việc chống lạm phát không hiệu quả. Đây là một cảnh báo quan trọng.

Giá ở những vùng khó khăn về lương thực, những nơi có nhu cầu cao về thực phẩm đều tăng cao hơn các nơi khác và cao hơn tốc độ chung. Với ý nghĩa đó, giá tháng 2 ở vùng Đông Bắc tăng 4,08%, Bắc Trung Bộ tăng 3,98%, Duyên hải miền Trung tăng 3,82%, Tây Bắc tăng 3,65%...; ở thành thị tăng 3,66%, ở nông thôn tăng 3,5%; Hà Nội tăng 3,92%, TP.HCM tăng 3,83%, Hải Phòng tăng 4,49%, Đà Nẵng tăng 4,02%...

Theo Ngọc Minh
 Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.