Nguy cơ suy thoái vẫn lơ lửng

Nguy cơ suy thoái vẫn lơ lửng
Thị trường tài chính có dấu hiệu hồi phục mạnh sau khi có những tuyên bố bơm tiền. Tuy vậy, GS Paul Krugman, giải Nobel 2008 lại cảnh báo về nguy cơ suy thoái, như ông đã từng đúng trước đây.
Nguy cơ suy thoái vẫn lơ lửng ảnh 1
GS Paul Krugman

Những cảnh báo của Paul Krugman vẫn có xác suất đúng đáng kinh ngạc từ trước tới nay.

Ngay khi kinh tế Mỹ đang phát triển nhờ bong bóng thị trường địa ốc dưới thời George Bush, vị GS kinh tế của ĐH Princeton kiêm cây bút của tờ New York Times vẫn thường xuyên chỉ trích các chính sách kinh tế “được ngợi khen” đó.

Những gì diễn ra trên thị trường một năm qua đã chứng minh nhận định của ông. Trả lời phỏng vấn Reuters, ông nói mình được minh oan vì: “Khi tôi phê phán Bush, 80% dư luận vẫn ủng hộ ông ta, giờ thì có đến hơn 80% là phản đối ông ấy”.

Tiềm năng Nobel

Có bằng tiến sĩ từ Học viện công nghệ Massachusetts (MIT) năm 1974, Krugman là nhân vật đầu tiên trong lứa thế hệ những nhà kinh tế học xuất sắc của MIT và Harvard, như Larry Summers (cựu bộ trưởng tài chính thời Clinton), Ben Bernanke (chủ tịch FED hiện nay), Frederic Mishkin, Greg Mankiw... giành được giải Nobel.

Greg Mankiw, cựu chủ tịch hội đồng cố vấn kinh tế dưới thời George Bush, cách đây mười năm đã dự đoán sẽ có ngày Krugman giành được giải Nobel.

Cả hai mô hình tạo dựng tên tuổi của Krugman từ cuối thập niên 1970 đều liên quan tới thương mại quốc tế. Một mô hình kết luận rằng các cuộc khủng hoảng tiền tệ là hợp lý, xuất phát từ những phản ứng không thể tránh khỏi trước những chính sách không phù hợp của nhà nước.

Một học thuyết khác của ông lật lại quan niệm bấy lâu trong kinh tế học (cho rằng các nước chỉ có lợi thế trong thương mại quốc tế nhờ có công nghệ hoặc nguồn lực tốt hơn) bằng việc cho rằng có thể tăng doanh thu bằng sản xuất quy mô lớn để tạo ra lợi thế.

Các học thuyết truyền thống cho rằng mỗi nước có “đặc sản” và sẽ chỉ trao đổi các loại hàng hóa mà họ có lợi thế cạnh tranh như rượu từ Pháp, gạo từ Thái Lan. Mô hình này, xuất phát từ những nghiên cứu của David Ricardo hồi đầu thế kỷ 19, đã không phản ánh được dòng chảy hàng hóa và dịch vụ Krugman thấy trong thế giới quanh mình.

Viết học thuyết từ điều đơn giản

Ông giải thích tại sao thương mại thế giới lại bị chi phối bởi một vài nước - dù có cơ cấu tương tự như các nước khác - và tại sao một nước lại có thể nhập khẩu cùng loại hàng mà họ xuất khẩu.

Trong mô hình của ông, nhiều công ty bán cùng một loại hàng với những sự khác biệt nhỏ với nhau. Các khách hàng khác nhau cũng lựa chọn hàng hóa từ những nhà sản xuất ở các nước khác nhau, khiến các nước tiếp tục trao đổi các mặt hàng giống nhau mà họ sản xuất. Vì vậy mới có cảnh người Nhật mua Mercedes-Benz, còn người Đức mua Toyota. Hay cảnh người Mỹ mua Volkswagen, còn người Đức lại mua Ford.

Ngoài ra, trong các mô hình của mình ông còn chứng minh sự sụp đổ về tiền tệ có thể xuất phát từ chính sự sợ hãi của các nhà đầu tư, dù ở chính các nước có những chính sách kinh tế phù hợp (tương tự tình trạng sợ hãi trên thị trường tài chính quốc tế hiện nay). Điều này dẫn ông tới quan điểm rằng việc kiểm soát dòng vốn đôi khi là cần thiết - trái ngược với quan điểm về “bàn tay vô hình” của Adam Smith.

Các công trình của Krugman được ca ngợi vì tính đơn giản và thực tiễn của chúng - các yếu tố thường bị nhiều nhà kinh tế lờ đi. Học thuyết của ông về xu hướng của kinh tế đã giúp xây dựng rất nhiều mô hình toán cho các hình thái kinh tế hiện nay. GS kinh tế Maurice Obstfeld của ĐH California nhận xét: “Một số người nghĩ rằng những điều sâu sắc chỉ xuất hiện từ cái gì đó phức tạp. Sức mạnh của Paul là ở chỗ lựa chọn điều rất đơn giản, khiến nó thành mới mẻ và có ảnh hưởng mạnh mẽ”.

Tiềm ẩn nguy cơ suy thoái

Trở lại với cuộc khủng hoảng hiện tại, GS Krugman đã ca ngợi hành động chung của châu Âu giúp chứng khoán thế giới phục hồi mạnh mẽ trong hai ngày đầu tuần vừa rồi. Tuy vậy, ông cũng cảnh báo rằng những phản ứng tích cực của thị trường không đồng nghĩa rằng các giải pháp sẽ có hiệu quả hoàn toàn vì cuộc khủng hoảng đã gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho nền kinh tế thế giới.

“Cho dù chúng ta có gỡ trói được cho thị trường tín dụng, có lẽ sẽ vẫn có một cuộc suy thoái phía trước”, ông nhận định. Trước đó, trả lời các phóng viên của Thụy Điển, ông cũng dự đoán về một suy thoái kéo dài nhưng cho rằng sẽ không dẫn đến sụp đổ.

Khi Bộ Tài chính Mỹ chấp nhận để Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, Krugman đã chỉ trích Bộ trưởng Henry Paulson đang chơi may rủi với thị trường tài chính. Điều này đúng trong thực tế bởi sự sụp đổ của Lehman Brothers được coi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến một loạt chấn động kinh hoàng của thị trường tài chính trong hơn hai tuần qua.

Vị GS kinh tế ĐH Princeton cũng chỉ trích kế hoạch giải cứu 700 tỉ USD của Paulson vì cho rằng Paulson đã không giải thích được vì sao việc mua các “tài sản xấu” sẽ giúp giải quyết được cuộc khủng hoảng. Bản thân Krugman ủng hộ phương án bơm tiền trực tiếp vào các ngân hàng - cách thức mà các nước châu Âu đã thực hiện.

Việc trao giải thưởng Nobel cho Krugman bị coi là khá bất ngờ vì ông là cây bút phê phán đanh thép và sắc sảo đối với chính sách của cả Tổng thống Mỹ Bush và ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa John McCain. Thêm vào đó, Ủy ban Nobel cũng quyết định không chia giải thưởng cho một số người khác có nghiên cứu tương tự.

Với Krugman, khi giải thưởng Nobel được công bố, ông chỉ viết vẻn vẹn vài chữ: “Một điều buồn cười đã diễn ra vào sáng hôm nay...” trên blog của ông - một địa chỉ được rất nhiều người quan tâm trên trang web của tờ New York Times.

Theo Thanh Tuấn
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.