Nguy cơ Úc cấm xuất bò sang Việt Nam vì giết bò bằng búa tạ

Quy trình giết mổ bò của Úc. Ảnh: Duy Dương.
Quy trình giết mổ bò của Úc. Ảnh: Duy Dương.
TP - Úc vừa cáo buộc một số cơ sở giết mổ ở Việt Nam vi phạm tính nhân đạo khi giết mổ gia súc (giết bò bằng búa tạ). Nếu không sớm chấn chỉnh và sớm làm việc với Úc về vấn đề trên, có khả năng Úc sẽ cấm xuất bò sang Việt Nam.

Năm 2015, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) nhận được cảnh báo của phía Úc về vấn đề giết mổ bò Úc tại Việt Nam. Sau đó, Cục chỉ đạo hệ thống thú y trong nước tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, để hướng dẫn, giám sát quá trình giết mổ bò Úc theo đúng yêu cầu về đối xử nhân đạo.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc các DN giết mổ Việt Nam vi phạm về Esacs (hệ thống đảm bảo chất lượng chuỗi cung ứng xuất khẩu) đã được cảnh báo nhiều lần trước, nhưng vẫn “dính”. Theo ông, phía Úc đã đưa ra bằng chứng vi phạm tại lò mổ của Animex Hải Phòng, đồng thời tiếp tục điều tra về tình trạng giết mổ bò Úc ở Việt Nam. “Nếu sau khi họ điều tra, đúng các bằng chứng các lò mổ Việt Nam vi phạm luật Esacs, có thể họ sẽ cấm mình nhập khẩu bò Úc, điều họ đã làm với Indonesia năm 2011, với Ả Rập Xê Út năm 2009”- ông Chinh cảnh báo.

Hiện một số DN như Cty CP Bình Hà (Hà Tĩnh), hay của Hoàng Anh Gia Lai… đã đầu tư rất lớn. Lãnh đạo Cục Chăn nuôi nói:  “Nếu phía Úc cấm, sau khi các DN giết mổ hết bò vỗ béo rồi, thì lấy gì mà nuôi nữa, bỏ chuồng không thì chết... Ở nước ta, lấy đâu ra vài trăm nghìn con mà nuôi”.

Thông tin trên có ảnh hưởng đến nguồn thực phẩm Việt Nam? Vấn đề này, ông Chinh cho rằng, trước mắt chưa ảnh hưởng gì lớn. Hiện nguồn thịt ngoài nhập khẩu, còn có lượng bò DN đang nuôi vỗ béo đến giai đoạn giết mổ (khoảng 500kg) còn rất nhiều, ngoài ra còn có bò nhập từ Thái Lan, Campuchia, Myanmar… “Tuy nhiên, khi đã giết mổ hết đám bò đang vỗ béo, nếu Úc cấm, sẽ tác động cuối năm nay, dịp Tết mới đáng lo ngại” - ông Chinh nói.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, cục này đang phối hợp với Cục Thú y, liên hệ với phía Úc làm việc về vấn đề trên. Việc tuân thủ “cuộc chơi” khi hội nhập là đương nhiên và Việt Nam đã đưa vấn đề vật quyền vào Luật Thú y. “Dẫu vậy, vấn đề là hiện Việt Nam chưa thể nào áp dụng đồng bộ được, mà cần có lộ trình. Trước mắt là áp dụng với cơ sở nhập bò từ Úc về, đơn vị nào vi phạm đề nghị phía Úc ngừng nhập bò, còn các DN tuân thủ tốt nên cho nhập bình thường”- ông Chinh nói.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng cho biết, để hạn chế phụ thuộc nguồn bò từ Úc, nhiều DN đang tìm các nguồn khác, tính toán để nhập bò từ Brazil, Argentina… Trong 6 tháng đầu năm 2016, Việt Nam nhập khẩu trên 100.000 con bò từ Úc. Trong khi đó, năm 2014 nước ta nhập gần 200.000 con và năm 2015 nhập trên 300.000 bò Úc.

“Khi xảy ra cạnh tranh thương mại, nếu xem thường những quy định đó (giết mổ nhân đạo), cứ nghĩ nhập được về là ngon rồi, sẽ rất nguy hiểm. Nếu các DN không chủ động làm giống trong nước, giảm bớt nhập khẩu thì sẽ rất gay. Bây giờ bao nhiêu trang trại, đồng cỏ, máy móc lắp đặt… mà không có bò nuôi là các bác chết”- ông Tống Xuân Chinh nói.

Bộ Nông nghiệp Úc điều tra

Liên quan quyết định tạm ngưng xuất gia súc đối với Công ty Animex Hải Phòng, Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, trong tuần này Bộ Nông nghiệp Úc đã bắt đầu cuộc điều tra về những cáo buộc từ Animals Australia đối với các lò mổ của Việt Nam, đồng thời cũng thông báo với giới chức Việt Nam về cuộc điều tra này. Phía Úc cũng đồng thời rà soát lại các lò mổ lớn áp dụng Hệ thống đảm bảo chất lượng chuỗi cung ứng xuất khẩu (ESCAS). Nếu lò mổ nào vi phạm ESCAS sẽ bị đình chỉ nhập khẩu bò của Úc để giết thịt.

Theo quy định của Úc, tại lò mổ, vào hôm trước hoặc trong ngày giết mổ, các gia súc như trâu, bò, cừu, dê và lợn được cho ăn, uống nước, nghỉ ngơi. Những con bị ốm hoặc bị thương được tách khỏi nhóm để chữa trị hoặc hưởng cái chết nhân đạo. Trước khi bị giết, bò được lùa vào trong lò mổ và phòng sốc điện. Sau khi bị sốc điện và bất tỉnh, bò được treo lên móc. Vài giây sau đó, người ta dùng thiết bị chuyên dụng cắt vào động mạch của bò để “tháo máu”. Vì con vật đã bất tỉnh nên không hề cảm nhận được đau đớn. Trong vòng hai tiếng sau khi con vật bị sốc điện, quá trình mổ thịt phải hoàn tất và các nhân viên phải đưa thịt vào tủ đông lạnh.    

P.Tuyên

MỚI - NÓNG