Nguy hại tour giá rẻ

Một lượng du khách Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam qua tour giá rẻ ảnh: HOÀNG DƯƠNG
Một lượng du khách Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam qua tour giá rẻ ảnh: HOÀNG DƯƠNG
TP - “Tour 0 đồng” là một trong những vấn đề nhức nhối, gây phương hại tới ngành du lịch mà rộng hơn là làm méo mó hình ảnh du lịch Việt Nam. Dù chuyên gia nhiều lần cảnh báo còn dư luận bức xúc nhưng câu chuyện này chưa có hồi kết.

Tổn hại

Từ khóa “tour 0 đồng” rộ lên thời gian gần đây ở Quảng Ninh, Nha Trang (Khánh Hòa). Khách hàng chủ yếu của dòng sản phẩm này có mức chi tiêu thấp mà phần đông là khách Trung Quốc. 
Bản chất của tour 0 đồng chính là tour giá rẻ, khách chỉ sử dụng một số dịch vụ tối thiểu như lưu trú, vé tham quan, ăn uống. Tuy nhiên những khách này buộc phải mua sắm ở một số cơ sở khép kín, phục vụ riêng dòng khách giá rẻ. Hàng hóa thường có chất lượng thấp nhưng giá cắt cổ. Phần lợi nhuận chênh lệch được chia cho doanh nghiệp phía bên kia. Một số trường hợp khách giao dịch bằng thẻ, tiền đổ trực tiếp ra nước ngoài.

 “Bộ VHTTDL phải chịu trách nhiệm đầu tiên vì để xảy ra hiện tượng này nhiều năm chưa xử lý được. Lãnh đạo địa phương không dẹp loạn phải chăng cũng vì lợi ích nhóm?”. PGS.TS Phạm Trung Lương


“Bản chất của tour giá rẻ là chi phí ở mức thấp nhất, doanh nghiệp Việt Nam hầu như không lãi. Đồng nghĩa các doanh nghiệp lữ hành chấp nhận cái giá ở ngưỡng tối thiểu để duy trì có khách, dẫn tới hiệu quả rất thấp”, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhận định.

PGS.TS Phạm Trung Lương nói rằng khách du lịch chọn tour giá rẻ thường có trình độ không cao. “Họ có thể thiếu chấp hành các quy định ở các điểm đến, tác động tiêu cực lên đời sống xã hội ở điểm đến đó như tập trung đông, ồn ào, xả rác”, ông nói.

Nhiều chuyên gia chỉ ra nguyên nhân chủ yếu tiếp tay cho tour 0 đồng lộng hành: Một bộ phận công ty lữ hành thỏa thuận với đầu cung cấp bên kia để mua bán khách với nhau. Việc kinh doanh bằng mọi giá làm cho môi trường kinh doanh du lịch rơi vào tình trạng không lành mạnh. 

Khó dẹp vì lợi ích nhóm

Sau những trận bùng phát tour 0 đồng ở một số địa phương, ngành du lịch yêu cầu địa phương báo cáo, chấn chỉnh. Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên, một số công ty sau thời gian án binh bất động nay rục rịch hoạt động trở lại và lách luật tinh vi hơn. Nhiều công ty đăng ký kinh doanh, nhưng đứng sau đó là chủ Trung Quốc. Doanh nghiệp lữ hành Việt Nam vẫn chấp nhận làm bình phong cho các đại lý Trung Quốc trục lợi. 

“Lãnh đạo địa phương hoàn toàn có thể làm đến cùng để hạn chế loại tour giá rẻ này. Không thể để những cửa hàng khép kín bắt chẹt, lừa đảo khách, và lộng hành trên đất nước có chủ quyền như thế được. Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể đặt dấu hỏi lợi ích nhóm ở đây. Người đứng đầu tỉnh/thành phải chịu trách nhiệm”, PGS.TS Phạm Trung Lương nói.

Tổng cục Du lịch với vai trò quản lý nhà nước có một số biện pháp phối hợp địa phương kiểm tra, rà soát khu vực bán hàng khép kín cho khách Trung Quốc. Lãnh đạo ngành nhắc tới một giải pháp chấn chỉnh tour giá rẻ, siết chặt quản lý doanh nghiệp lữ hành. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp lữ hành để xảy ra tình trạng “mua bán khách” thì chính quyền thu hồi giấy phép, xử lý nghiêm minh. Một chuyên gia du lịch đề xuất: do loại khách này thường đi hàng không giá rẻ, cho nên thay vì thả cửa thì nên cấp hạn mức nhất định.

Du lịch bền vững thay vì bệnh thành tích

PGS.TS Phạm Trung Lương nêu ý kiến: thay vì đặt mục tiêu tăng trưởng bằng con số, Chính phủ nên yêu cầu ngành du lịch tăng trưởng thông qua chỉ số đóng góp vào GDP, nhất là trong bối cảnh Chính phủ hướng tới phát triển du lịch thành ngành kinh tế 
mũi nhọn. 

“Đặt mục tiêu đóng góp vào GDP, nâng cao chất lượng phục vụ du khách và tổng doanh thu thực chất sẽ tốt hơn căn bệnh thành tích bằng con số. Từ 20 năm trước tôi đã nói tới câu chuyện phát triển du lịch bền vững trong đề tài nghiên cứu nhà nước”, ông Phạm Trung Lương nói.

Các chuyên gia và nhà quản lý du lịch nhận thức rằng Việt Nam sở hữu nhiều tài nguyên, tiềm năng phục vụ thị trường cao cấp mà nhiều quốc gia khao khát. Nếu để loại tour giá rẻ bùng phát, chúng ta đánh mất hiệu quả kinh tế, gây tổn hại, lãng phí nguồn tài nguyên vốn không vĩnh cửu và đi ngược lại xu thế phát triển bền vững.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".