NH quản lý tài khoản của NĐT : Cty chứng khoán kêu khó

NH quản lý tài khoản của NĐT : Cty chứng khoán kêu khó
TPO - Từ 1/10/2008, các Cty chứng khoán sẽ phải thực hiện quản lý tách biệt tiền giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư bằng cách chuyển về ngân hàng. Thời điểm đang đến gần, nhưng nhiều Cty chứng khoán vẫn tìm cách thoái thác thực hiện với 1.001 lí do.
NH quản lý tài khoản của NĐT : Cty chứng khoán kêu khó ảnh 1
Từ 1/10/2008, các Cty chứng khoán sẽ phải thực hiện quản lý tách biệt tiền giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư.

Tại cuộc tọa đàm về chuyển đổi tài khoản của nhà đầu tư sang ngân hàng quản lý do Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) tổ chức chiều nay 20/8 tại Hà Nội, ông Đoàn Văn Minh, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Hải Phòng phàn nàn, thời gian qua, công ty đã rất vất vả tìm kiếm ngân hàng để kết nối.

Điều mà các công ty chứng khoán quan tâm là việc xử lý những tổn thất khi không thực hiện được lệnh. Ở đây, rất khó xác định được đó là thiệt hại do lỗi đường truyền, công ty chứng khoán hay ngân hàng gây ra.

Một bất cập nữa là khi công ty chứng khoán vươn rộng điểm giao dịch đến các tỉnh miền núi thì rất khó nhận lệnh. Bên cạnh đó, hiện nay các công ty chứng khoán quản lý tách biệt tiền của nhà đầu tư và tiền của công ty. Không công ty chứng khoán nào muốn làm sai cả. Mọi hoạt động của công ty chứng khoán đều do đạo đức nghề nghiệp và sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước chi phối.

Đại diện công ty chứng khoán SSI cho biết SSI cũng như các công ty chứng khoán khác đang sử dụng phần mềm riêng. Nếu phải kết nối với các ngân hàng thì lo ngại lớn nhất là vấn đề hệ thống kết nối giữa hai bên có thể xảy ra trục trặc do phải tuân thủ chuẩn mực chung về công nghệ.

Nếu công nghệ giữa công ty chứng khoán không tương thích với ngân hàng kết nối thì sẽ gây ra những rủi ro tiềm tàng vì mỗi ngân hàng có quy định riêng, bản thân các công ty chứng khoán cũng không được phép xâm nhập vào các bí mật công nghệ đó.

“Với SSI trong một thời điểm nhất định, số lệnh của nhà đầu tư đưa ra trong vòng 30 phút có thể lên tới 1.000 đến 1.500 lệnh và không nhà đầu tư nào chấp nhận công ty chứng khoán chậm trễ trong xử lý lệnh đặt của mình. Nếu xảy ra sự chậm trễ trong đặt lệnh của khách hàng gây thiệt hại thì việc phân định trách nhiệm giữa công ty chứng khoán, ngân hàng và đơn vị cung cấp đường truyền sẽ xác định thế nào.

Hệ thống ATM của ngân hàng đầu tư trong thời gian dài như vậy mà vẫn trục trặc, vẫn xảy ra hiện tượng khách hàng không rút được tiền. Vậy kết nối giữa ngân hàng và công ty chứng khoán cũng có thể xảy ra trường hợp như vậy. Với giao dịch chứng khoán thì không chấp nhận những trục trặc như vậy”- Đại diện SSI nói.

Đại diện các công ty chứng khoán khác như An Bình, Đông Á, Hà Thành... cũng bày tỏ lo ngại việc đến thời điểm này vẫn chưa có một văn bản hành chính nào qui định trách nhiệm hoặc các tranh chấp phát sinh giữa các bên (công ty, ngân hàng, nhà đầu tư) khi xảy ra sự cố.

Ông Nguyễn Thanh Kỳ,Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh chứng khoán cũng đề xuất, trong bối cảnh thị trường đang có nhiều biến động, UBCKNN nên xem xét giãn thời gian thực hiện quyết định mới đến đầu năm 2009. Thời hạn này sẽ giúp các công ty chứng khoán có thêm thời gian chuẩn bị chu đáo trước khi quyết định mới có hiệu lực.

Cty chứng khoán giữ tiền của nhà đầu tư : chỉ ở Việt Nam mới có !

Phó Giám đốc Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (HASTC), ông Nguyễn Văn Dũng thì cho rằng việc các công ty chứng khoán kêu khó trong việc tách bạch quản lý tiền của nhà đầu tư do “ngại” vấp phải những vấn đề rắc rối như: Hệ thống kỹ thuật không đồng bộ, khó kết nối, quản lý không hiệu quả... là những lí do khó có thể chấp nhận được.

Ông dẫn chứng các nước trên thế giới hiện nay đều áp dụng theo mô hình: Công ty chứng khoán không quản lý tiền trong tài khoản của nhà đầu tư mà việc này được giao cho các ngân hàng thực hiện nhằm đảm bảo sự minh bạch.

“Thực ra hiện nay các công ty chứng khoán chưa thực sự coi trọng việc kết nối này. Việc công ty chứng khoán giữ tiền của nhà đầu tư trên thế giới thì chỉ ở Việt Nam mới có. Cái cần và cũng là cái khó hiện nay đó là giữa hai bên có giải pháp cho vấn đề này hay không. Tôi dám chắc có rất ít nhà đầu tư phản đối việc chuyển tài khoản sang cho ngân hàng quản lý”- Ông Dũng nói.

Đại diện HASTC cũng cho rằng cần phải phân tích rõ việc các công ty chứng khoán có thật sự muốn “nhả” số tài khoản mà họ đang nắm giữ sang cho các ngân hàng hay không. Chỉ có ngân hàng “có vấn đề” mới không muốn tiếp nhận việc chuyển giao này.

Theo ông Dũng, để giải quyết các khó khăn và tìm ra giải pháp cho những vấn đề mà các công ty chứng khoán đưa ra thì Hiệp hội kinh doanh chứng khoán nên đứng ra để lựa chọn công ty cung cấp các phần mềm dùng chung để đưa ra các giải pháp khắc phục những khó khăn được nêu.

Đây là việc hoàn toàn “trong tầm tay” của các công ty chứng khoán và ngân hàng. Việc triển khai sớm mô hình quản lý này sẽ giúp nhà đầu tư cảm thấy thị trường chứng khoán của ta minh bạch và chuyên nghiệp.

Về phần mình bà Thục Anh, Phó ban Kinh doanh, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng việc thực hiện quản lý tách biệt tiền giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư là việc làm cần thiết.

“Chúng tôi đã khảo sát mô hình quản lý của các nước như Trung Quốc, Thái Lan và Mỹ. Ở Trung Quốc, có công ty chứng khoán kết nối với 8 ngân hàng khác nhau. Trong giai đoạn từ 2001-2005, thị trường chứng khoán của Trung Quốc đi xuống dốc, từ 500 công ty đến nay chỉ còn 105 công ty. Nhưng điều quan trọng là sự ra đi của các công ty chứng khoán không ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà đầu tư”- Bà Thục Anh nói.

Bà cũng cho biết trong điều kiện hiện nay, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước không có đủ khả năng để giám sát hoạt động của các công ty chứng khoán. Cho nên việc để ngân hàng quản lý tài khoản của nhà đầu tư là hoàn toàn hợp lý. Cùng với đó những vướng mắc về luật sẽ được gỡ dần.

Với cách quản lý hiện nay, tiền gửi vào tài khoản do các công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư mở tài khoản quản lý. Công ty chứng khoán sẽ gửi toàn bộ tiền của nhà đầu tư vào một tài khoản chung tại ngân hàng. Lúc này, ngân hàng chỉ biết tổng số tiền trong tài khoản chung còn con số cụ thể trong từng tài khoản của nhà đầu tư thì chỉ duy nhất công ty chứng khoán nắm được.

Đã có không ít trường hợp tài khoản của nhà đầu tư tự nhiên thiếu một khoản tiền lớn hoặc có lệnh mua “từ trên trời rơi xuống” xuất hiện mà chủ tài khoản không hề đặt lệnh thực hiện. Việc quản lý tách biệt tiền gửi của nhà đầu tư là một trong những mục tiêu quan trọng của Bộ Tài chính nhằm cải cách hệ thống giao dịch trên thị trường chứng khoán và giúp tài khoản của nhà đầu tư được quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng tiền bị sử dụng tùy tiện. 

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG