Nhà đầu tư nước ngoài rót gần 32.000 tỷ vào chứng khoán Việt

Dù chỉ số tăng nhẹ, song khối ngoại vẫn rọt mạnh vốn vào thị trường Việt Nam
Dù chỉ số tăng nhẹ, song khối ngoại vẫn rọt mạnh vốn vào thị trường Việt Nam
Theo thống kê, 9 tháng đầu năm, chỉ số VN-Index chỉ tăng nhẹ 3,3% chốt ở mức 1.117 điểm (30/9) so với đầu năm 2017 trong khi HNX giảm 0,5% về mức 115,5 điểm. Dù vậy, thị trường chứng khoán Việt vẫn vô cùng hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại.

Cụ thể, trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 343 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 31.700 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017.

Cổ phiếu hút khối ngoại nhất đó là VHM của Công ty cổ phần Vinhomes. Ngày 17/5, VHM chính thức lên sàn với giá tham chiếu chỉ 92.100 đồng/cổ phiếu. Ngay trong phiên giao dịch thứ hai của mình, VHM đã phá mọi kỷ lục khi thanh khoản lên tới 268 triệu cổ phiếu, giá trị đạt 1,35 tỷ USD. Trong đó riêng khối ngoại mua vào 249 triệu cổ phần, tương ứng hơn 28.500 tỷ đồng.

Cổ phiếu VRE cũng giao dịch sôi động khi khối ngoại mua ròng mạnh gần 3.900 tỷ đồng. Ngoài ra các cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh là HDB, YEG,…

Các công ty con được mua ròng mạnh nhưng công ty mẹ là Tập đoàn Vingroup (VIC) lại bị khối ngoại xả mạnh. Trong 9 tháng đầu năm, khối ngoại bán VIC với giá trị đạt 7.600 tỷ đồng. Trước đó, VIC cũng bị bán mạnh trong năm 2017.

Mua ròng mạnh trên HOSE song nhà đầu tư nước ngoài lại ở vị thế bán ròng trên HNX. Trong 9 tháng, khối ngoại đã bán ròng 42 triệu cổ phiếu tương ứng hơn 800 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ.

Cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trên HNX là SHB với giá trị 373 tỷ đồng. Ngoài ra, các cổ phiếu PVS, VCG, VPI cũng được mua ròng khá lớn. Cổ phiếu VGC bị bán ròng nhất trên HNX với giá trị 247 tỷ đồng...

Sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 1.684 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng đạt 26,7 triệu cổ phiếu.

Tổng cộng, trong 9 tháng 2018, khối ngoại mua vào 4,2 tỷ cổ phiếu, trị giá 217.600 tỷ đồng, trong khi bán ra hơn 3,87 tỷ cổ phiếu, trị giá 186.700 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 301 triệu cổ phiếu, trị giá 30.880 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại mua ròng rất mạnh ở sàn HOSE.

Mới đây, một trong những tổ chức cung cấp chỉ số uy tín toàn cầu, FTSE Russell đã chính thức đưa thị trường Việt Nam vào danh sách xem xét để nâng hạng từ thị trường Cận biên thành thị trường mới nổi hạng 2.

FTSE Russell cho biết có ba thị trường mới được nhà cung cấp chỉ số này đưa vào danh sách xem xét nâng hạng, bao gồm Argentina, Tanzania và Việt nam.

FTSE Russell được sử dụng chuẩn cho các loại tài sản tại hơn 80 quốc gia và 98% thị trường có thể đầu tư toàn cầu. Tính đến 31/12/2017 có 1.700 tỷ USD tài sản quản l{ theo tiêu chuẩn bộ chỉ số FTSE toàn cầu, trong đó có 1.400 tỷ USD tài sản đầu tư theo chỉ số này.

Về việc thu hút vốn khi được nâng hạng, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định khi Việt Nam lọt vào danh mục thị trường mới nổi, nếu với tỷ trọng bình quân 1% thì riêng các quỹ ETF sẽ phân bổ lại tỷ trọng mua vào ở thị trường Việt Nam khoảng 1,6 tỷ USD. 

Theo giả định này thì khi Việt Nam vào danh mục thị trường mới nổi sơ cấp của FTSE thì các ETFs sẽ mua vào 677 triệu USD. Điều này đồng nghĩa thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút được một lượng tiền nóng từ các quỹ ETF trong khoảng thời gian trước và sau khi được chính thức xếp hạng.

Theo Theo VnEconomy
MỚI - NÓNG