Nhà đầu tư trốn tránh cổ phiếu ngành ngân hàng và GM

Nhà đầu tư trốn tránh cổ phiếu ngành ngân hàng và GM
TPO - Tình trạng bấp bênh của hệ thống tài chính cũng như tương lai không đảm bảo của hãng xe hơi General Motors đã làm cho Wall Street tiếp tục bị kéo xuống thấp kỷ lục.

Các chỉ số cơ bản Wall Street đang xuống mức thấp nhất trong hơn 12 năm qua, hơn cả mức thấp do 5 phiên giảm trước đó, do lo ngại về tính ổn định của hệ thống tài chính cũng như tương lai mờ mịt của gã khổng lồ ngành xe nơi GM. 

Lệnh bán ra ồ ạt đã diễn ra trong suốt phiên giao dịch trước ngày Bộ Lao động Mỹ thông báo tỷ lệ thất nghiệp tháng 12 vào đêm nay, dẫn tới Dow Jones mất 281 điểm, trong khi các chỉ số khác cũng giảm hơn 4%.

Chỉ số Standard & Poor's 500 cũng đã giảm 56,4% so với mức đỉnh tháng 10/2007, tạo ra khoảng thời gian giảm tồi tệ nhất trong lịch sử kể từ đợt giảm  86,2% trong giai đoạn 1929-32.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch rạng sáng nay theo giờ VN, Dow giảm 281,40 điểm tức 4,1% còn 6.594,44 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 4/1997. S&P 500 giảm 30,32 điểm tức 4,3% còn 682,55 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 9/1996. Nasdaq giảm 54,15 điểm tức 4% còn 1.299,59 điểm.

Trước đó một ngày, những hy vọng Trung Quốc sẽ thông báo gói kích thích kinh tế mới đã làm Dow Jones tăng gần 150 điểm hôm thứ tư sau 5 ngày liên tiếp trượt dốc.

Tập đoàn ngân hàng Citigroup vẫn đang trong tình trạng bấp bênh dù đã nhận được hỗ trợ tổng cộng 180 tỷ USD từ chính phủ, và cổ phiếu của "đại gia" này có lúc đáy mức 1 USD, nhưng kết thúc ngày giao dịch là giảm 9,7% còn 1,02 USD. 

Tương tự cổ phiếu của Bank of America giảm 42 cent tức 11,7% còn 3,17 USD; Wells Fargo giảm 1,54 USD tức 15,9% còn 8,12 USD; JPMorgan giảm 2,70 USD tức 14% còn 16,60 USD.

Tương lai của General Motors cũng đang là nỗi lo lớn của các nhà đầu tư. Kết quả kiểm toán vừa công bố cho thấy khả năng duy trì hoạt động của GM là khá mong manh dù đã nhận khoản vay nóng 13,4 tỷ USD từ Chính phủ Mỹ. Cổ phiếu GM giảm 34 cent tức 15,5% còn 1,86 USD.

Ngoài ra, tình trạng thất nghiệp có thể tăng cao trong tháng hai này cũng là mối lo ngại lớn cho thị trường bởi điều đó có nghĩa nhiều người tiêu dùng sẽ giảm chi tiêu, trong khi chi tiêu tiêu dùng của người dân Mỹ chiếm hơn 2/3 các hoạt động kinh tế của Mỹ.

Trước đó, các thị trường lớn tại châu Âu cũng kết thúc phiên giao dịch hôm qua giảm điểm. FTSE 100 của Anh giảm 3,2% còn DAX của Đức giảm 5% và CAC-40 của Pháp giảm 4%.

Tuấn Đức
Theo Reuters/AP

MỚI - NÓNG