Nhà hàng, trường học đóng cửa, nông dân Hà Nội cũng bỏ rau

Nông dân tại Hoài Đức, Hà Nội vừa nhổ cải vừa ngóng chờ người đến mua. Ảnh: Trọng Tài
Nông dân tại Hoài Đức, Hà Nội vừa nhổ cải vừa ngóng chờ người đến mua. Ảnh: Trọng Tài
TP - Chợ, siêu thị hoạt động cầm chừng, hàng quán, trường học đóng cửa vì dịch bệnh, sức mua giảm khiến nhiều cánh đồng rau xanh tại các xã Tiền Yên và Song Phương, huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) giảm giá mạnh, ảnh hưởng đến thu nhập người trồng rau.

Sáng 19/2, cánh đồng thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên chỉ lác đác một số nông dân đang thu hoạch rau. Bà Lê Thị Minh, 56 tuổi cho biết, dịch bệnh phức tạp, nhiều hàng quán đóng cửa nên 2 sào rau cải cúc, cải ngồng, cải thìa, cải mèo… của nhà phải giảm giá mới mong có khách mua. “Thời điểm này các năm trước, chúng tôi làm không hết việc nhưng năm nay số lượng đơn vị thu mua giảm hẳn. Học sinh nghỉ, người dân ngại đi chợ, mang rau từ quê lên Hà Nội sử dụng nên giá rau bị giảm hơn một nửa so với trước”, bà Minh nói.

Theo bà Minh, trước Tết, rau cải ngồng được bán với giá 5.000 đồng/kg, nhưng thời điểm này chỉ còn 2.000 đồng/kg. “Rau cải trồng khoảng 1 tháng là thu hoạch được. Năng suất hiện nay khoảng 1,5 tấn rau/sào, mà giá quá thấp nên tính ra chỉ thu được khoảng 2 triệu đồng/sào, không đủ để bù chi phí. Nhiều ruộng rau cải quá lứa bị già, hỏng do không có người mua, nên chúng tôi phải nhổ vứt bỏ, thiệt hại rất lớn”, bà Minh nói thêm.

Trồng 3 sào bắp cải vào vụ thu hoạch, nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Vinh ở xã Tiền Yên khó tìm được đầu ra cho sản phẩm. Anh Vinh cho biết, thông thường thời điểm sau Tết, dân không có rau để bán. Nhưng năm nay, thời tiết thuận lợi, rau được mùa nhưng không có khách mua. “Mấy ngày đầu tôi phải mang rau ra chợ, nhưng chỉ lác đác người mua, không bõ công. Với tình hình như hiện tại, nông dân sẽ lỗ”, anh Vinh nói.

Đang nhổ bỏ một số cây cải bị già, chị Lê Thị Tâm, trú tại xã Song Phương nói, từ cuối năm ngoái, giá rau bắt đầu giảm mạnh. Cận Tết, bắp cải có giá 10.000 đồng/kg, su hào giá 15.000 đồng/kg, nhưng giờ đều giảm xuống hơn 1 nửa. “Hiện tôi còn 2-3 tạ su hào và khoảng 3 tấn bắp cải chuẩn bị thu hoạch, mức giá rẻ chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây nhưng vẫn chưa có thương lái thu mua”, chị Tâm nói.

Ông Đỗ Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Song Phương cho biết, hiện tại trên địa bàn toàn xã có gần 200 héc ta rau, củ, quả các loại. Theo ông Toàn, việc giá rau xanh giảm mạnh một phần do dịch bệnh, một phần là thời tiết thuận lợi, rau được mùa. Với các hộ sản xuất có sự bao tiêu của doanh nghiệp, mức giá vẫn ổn định, còn giá rau của nông dân bán cho thương lái giảm 60-80% so với trước. Trong thời gian tới, giá rau tiếp tục giảm mạnh, chúng tôi sẽ báo cáo huyện, liên hệ với các hệ thống chợ, cửa hàng, siêu thị tăng cường tiêu thụ để đảm bảo mức giá hợp lý cho người dân”, ông Toàn thông tin.

Giá rau củ trong siêu thị vẫn cao

So với mức giá từ nơi sản xuất như ở Hải Dương, nếu qua các kênh phân phối rồi đến tay người tiêu dùng như mức giá niêm yết tại các siêu thị hiện nay là quá cao. Theo khảo sát tại một số siêu thị như Coopmart, Vinmart tại Hà Nội, dù liên tục có khuyến mãi nhưng vẫn giữ giá cao từ sau Tết Tân Sửu. Đơn cử, tại siêu thị Coopmart, su hào có giá 12.600 đồng/kg; cải bắp có giá 9.000 đồng/kg, cà rốt có giá 12.500 đồng/kg. Hay tại siêu thị Vinmart, su hào có giá 9.900 đồng/kg; cà chua có giá 26.900 đồng/kg. Trong khi đó, giá niêm yết tại siêu thị BigC cũng tương đối cao như bắp cải xanh có giá 14.800 đồng/kg, cà chua Vietgap có giá 15.900 đồng/kg…

Theo giải thích của một số người bán hàng, sở dĩ giá rau, củ quả tại siêu thị có giá trung bình cao là do nguồn gốc sản phẩm được sản xuất, chế biến theo công nghệ cao, đảm bảo chất lượng sạch. Từ giá gốc nhập vào giá rau sạch, rau an toàn đã cao hơn giá rau thường, cộng với một số chi phí bảo quản và phân phối nên giá rau trong siêu thị thường cao hơn.

Long Vân

MỚI - NÓNG