Nhà máy, đại lý đường đang lãi bao nhiêu?

Nhà máy, đại lý đường đang lãi bao nhiêu?
TP - Giá đường trong nước vẫn ở mức cao ngất ngưởng (trên dưới 20.000 đồng/kg) mặc dù niên vụ sản xuất trong nước của một số nhà máy đã gần kết thúc.

>> Các nhà máy đường bắt tay nâng giá

Mệnh lệnh hành chính từ các bộ NN&PTNT, Công Thương xem ra đã không được các nhà máy đường tuân thủ bởi quyền định giá là của doanh nghiệp.

Nhà máy, đại lý đường đang lãi bao nhiêu? ảnh 1
Đường và nhiều sản phẩm được chế biến từ đường tăng giá, người tiêu dùng băn khoăn trước khi chọn mua. 
Ảnh: Phạm Yên

Doanh nghiệp “dọa” xuất khẩu đường?

Những năm trước Việt Nam luôn lo ngay ngáy việc chống đường nhập lậu từ biên giới Campuchia. Thông thường mọi năm, giá đường Thái Lan đi qua con đường Campuchia thấp hơn giá trong nước 2.000 - 3.000 đồng/kg. Khi nhập lậu về Việt Nam, trừ các chi phí vận chuyển thì đầu nậu lãi khoảng 1.000 đồng/kg đường. Một bao đường 50 kg đưa về kho trót lọt, các chủ đường lậu đút túi 50.000 đồng. Năm nay thì các cơ quan phòng, chống buôn lậu được “ngồi chơi xơi nước” bởi có thả cửa đường lậu cũng không vào.  

Phó giám đốc kinh doanh - tiếp thị một công ty sản xuất đường lớn tại ĐBSCL cho biết, giá đường của Việt Nam và Campuchia hiện không chênh lệnh. Giá đường cao ngang nhau nên việc nhập lậu đường rủi ro lớn mà không lời nên đường lậu chảy vào Việt Nam đã tự chấm dứt. Thậm chí, khi giá đường thế giới nhảy vọt lên 780 USD/tấn thì giá đường của Việt Nam còn thấp hơn giá thế giới.

Đã có thời điểm giá đường Việt Nam thấp hơn giá đường Campuchia khoảng 1.000 đồng/kg. Do vậy, các đầu nậu đang thu gom đường trong nước để chờ cơ hội xuất lậu ngược sang Campuchia nếu đường trong nước duy trì mức giá hiện nay và giá thế giới tiếp tục tăng.

Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam Võ Thành Đàng cho biết, giá đường giao dịch tại thị trường London giao trong tháng 3 - 2010 đã lên tới 740 USD/tấn. Với mức giá này cộng với chi phí vận chuyển, bảo hiểm thì về đến Việt Nam, giá đã 17.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá đường bán sỉ tại cổng nhà máy cho đại lý cấp một là 15.000 - 16.000 đồng/kg. “Giá đường bán sỉ trong nước đang thấp hơn giá đường nhập khẩu nên tình trạng xuất lậu đường có thể xảy ra” - Ông Đàng cảnh báo.

Doanh nghiệp, đại lý lãi bao nhiêu?

Có một nghịch lý đang tồn tại là con đường từ nhà máy đến các siêu thị, cửa hàng bán lẻ đường một số nơi chỉ dài vài chục km nhưng giá đường đã bị thổi lên vô tội vạ. Từ 15.000 đồng/kg chỉ qua nhà phân phối và cơ sở bán lẻ đã lên tới trên 20.000 đồng/kg.

“Cả nước có hơn 100 nhà phân phối đại lý cấp một, hàng ngàn đại lý nhà máy phân phối cấp hai và hàng vạn cửa hàng đại lý cấp ba. Chúng tôi không thể kiểm soát được giá của khu vực này” - Ông Võ Thành Đàng thừa nhận.

Câu chuyện sốt đường hiện nay không khác mấy so với đợt biến động giá gạo năm 2008. Khi đó, các công ty lương thực cũng không thể kiểm soát được giá do không có hệ thống phân phối, cửa hàng bán lẻ.

 Ngay sau đợt biến động đó, Tổng Cty Lương thực Miền Bắc phải lập ngay công ty phân phối bán lẻ. Điều này khiến đợt sốt gạo cuối năm 2009 bị dập tắt ngay từ khi mới manh nha.

Tuy nhiên, lập hệ thống phân phối, cửa hàng bán lẻ không hề đơn giản. Các nhà máy đường vốn chưa thoát khỏi khó khăn cũng không muốn vay thêm tiền ngân hàng để đầu tư, bởi mức giá hiện nay họ cũng đã lãi lớn.

Trong hơn chục nhà máy đường tại ĐBSCL hiện chỉ có Cty CP mía đường Cần Thơ có đóng gói, bán lẻ, các nhà máy khác đều bán sỉ cho các công ty sữa, bánh kẹo, chứ không có hệ thống phân phối tới người tiêu dùng.

Với giá bán sỉ 16.000 đồng/kg, các công ty đường đang lãi 30 - 50%. Theo tính toán, với giá mía nguyên liệu 1.000 đồng/kg, với 8 kg mía được một kg đường, cộng với các chi phí khác thì giá thành một kg đường chỉ trên dưới 10.000 đồng. Bán buôn ngay tại cổng nhà máy cũng lãi gần 50%.

Đối với các đại lý, đợt biến động giá đường lần này họ cũng ăn đậm, lợi nhuận 20 - 25%. Trước khi vào vụ ép, một số nhà máy đường phải vay vốn từ các công ty thương mại để mua mía của nông dân. Sau đó, số tiền này được trả nợ bằng đường.

Đường ngay khi xuất xưởng từ nhà máy đã đóng bao bì của các công ty thương mại, phân phối. Chính điều này cũng khiến một số nhà máy đường không quyết định được giá, mà lại do doanh nghiệp phân phối quyết định.

Giải trình với Bộ NN&PTNT về thông tin các nhà máy đường “bắt tay” tăng giá đường, ông Võ Thành Đàng nại rằng: Trong số 40 công ty nhà máy đường ở Việt Nam vụ 2009 - 2010 không có công ty nào có sản lượng đường vượt quá 80.000 tấn đường/vụ. Doanh nghiệp có sản lượng đường lớn nhất là Cty CP mía đường Lam Sơn, sản xuất được 80.000 tấn vụ này thì cũng chỉ nắm giữ 5 - 6% tổng sản lượng đường trong cả nước.

Các đơn vị hoạt động theo hình thức sở hữu khác nhau, với tiềm lực và khả năng tài chính khác nhau, nằm rải rác khắp các vùng miền trên cả nước. Hiện nay, các công ty, nhà máy đường cần lượng tiền lớn để mua mía và chi phí chế biến. Vì vậy, khả năng độc quyền để đầu cơ đường khó có thể xảy ra vì không công ty, nhà phân phối nào đủ sức để dự trữ đường.

Nói như vậy để thấy, doanh nghiệp cũng có lý của mình. Trong khi, cũng như mặt hàng sữa, cơ quan nhà nước cũng bất lực nhìn giá đường tăng cao. Người tiêu dùng Việt Nam hết khổ vì sữa giờ lại đến đường. 

Để tránh việc chuyển độc quyền điều tiết thị trường, giá cả của nhà nước thành độc quyền của doanh nghiệp, cần phải xây dựng phương án nhập khẩu đường dự trữ và tiêu thụ đường theo giá chỉ đạo của nhà nước để bình ổn thị trường, như kinh nghiệm Trung Quốc, Thái Lan đã áp dụng. Tránh tình trạng các doanh nghiệp được cấp quota nhập khẩu mà không nhập ở thời điểm phù hợp, tạo ra thiếu đường giả tạo cục bộ. (Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị)
MỚI - NÓNG