Nhà máy xi măng lớn nhất Việt Nam đi vào hoạt động

Nhà máy xi măng lớn nhất Việt Nam đi vào hoạt động
TP- Sau 998 ngày thi công khẩn trương, ngày 26/3, Tổng Cty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã làm lễ đốt lò nhà máy xi măng Vinaconex Cẩm Phả.

Công trình được Bộ Xây dựng gắn biển công trình kỷ niệm 50 năm truyền thống ngày Xây dựng Việt Nam.

Nhà máy xi măng lớn nhất Việt Nam đi vào hoạt động ảnh 1
Lễ gắn biển “Chào mừng 50 năm ngày truyền thống ngành xây dựng Việt Nam” cho nhà máy xi măng Cẩm Phả

Giảm “sốt” thị trường

Đúng 12 giờ 10, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaconex Nguyễn Văn Tuân đã nhấp chuột của chiếc máy tính chủ tại Trung tâm điều khiển nhà máy xi măng Cẩm Phả.

Trên màn hình, ngọn lửa bùng cháy và liếm ngọt miệng lò quay đường kính rộng đến 3-4m. Thời khắc thiêng liêng báo hiệu sự thành công của dự án xi măng 6.000 tỷ đồng - nhà máy xi măng lớn nhất Việt Nam hiện nay với công suất 2,3 triệu tấn/năm.

Các nhà thầu Nhật Bản, Đức, Pháp, Thụy Sĩ và hàng trăm kỹ sư, công nhân Việt Nam  trên công trường đã sung sướng đến ngộp thở...

“Sau 28 giờ đốt lò, nhà máy sẽ cho ra những tấn Clinker đầu tiên. Những tấn xi măng đầu tiên do nhà máy sản xuất sẽ hòa vào thị trường xi măng và góp phần giảm “sốt” xi măng hiện nay”- ông Tuân khẳng định.

Ông Nguyễn Hữu Tường, Phó Tổng GĐ Vinaconex cho biết, dự án gồm có 9 lô ( 5 lô cho nhà máy, 4lô cho trạm nghiền). Theo thiết kế: Nhà máy chính tại Cẩm Phả có công suất 6.000 tấn Clinker/ngày, tương ứng với 1.890.000 tấn Clinker/năm.

Trong đó có 690 tấn Clinker (820 tấn xi măng) được nghiền tại nhà máy chính. Tại phía Nam (Bà Rịa- Vũng Tàu), Vinaconex xây dựng trạm nghiền 1.200 tấn Clinker  sản xuất ra 1,2 triệu tấn xi măng. Số Clinker này được vận chuyển từ nhà máy chính tại Cẩm Phả.

Nhà máy chính tại Cẩm Phả được hoạt động theo dây chuyền hiện đại của Nhật Bản. Nhiều quy trình sản xuất được thực hiện theo công nghệ của Đức, Pháp, Thụy Sĩ có tính tự động cao từ khâu khai thác, nhập nguyên liệu đến đóng gói, xuất sản phẩm.

Theo đó, đá nguyên liệu được khai thác từ mỏ đá Quang Hanh 2, cách nhà máy 7km (đường chim bay). Đá sau khi được khai thác, sơ chế sẽ được chuyền về nhà máy bằng hệ thống băng chuyền tự động dài gần 7km. Việc này bên cạnh tiết kiệm chi phí vận chuyển còn đảm bảo giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường.

Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm của nhà máy xi măng Cẩm Phả, chủ đầu tư cũng đầu tư hệ thống 2 cảng trên biển trong đó có cầu cảng dài 4km đảm bảo cho tàu có trọng tải 15.000 tấn vào ăn hàng...

Công viên trong nhà máy!

Do được xây dựng ngay bên vịnh Bái Tử Long nên các yêu cầu về bảo đảm giữ gìn cảnh quan môi trường đã được chủ đầu tư và tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng.

“Chúng tôi phấn đấu xây dựng nhà máy mẫu mực theo phương châm chỉ đạo của tổng Cty Vinaconex là “ Nhà máy trong công viên, Công viên trong nhà máy”- ông Tường khẳng định.

Minh chứng cho điều này là hiện chỉ có 1/3 diện tích trong số 70ha của dự án được dùng xây dựng nhà máy. Diện tích còn lại dành làm công viên, cây xanh khu vui chơi, sinh hoạt thể thao văn hóa và nơi ở cho công nhân nhà máy.

Cũng tại buổi lễ đốt lò đưa nhà máy vào sử dụng, Vinaconex đã trao tặng 200 tấn xi măng cho quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh.

MỚI - NÓNG