Nhà thầu xây dựng 'đình công' vì bão giá

Nhà thầu xây dựng 'đình công' vì bão giá
TP - Giá vật liệu xây dựng trong mấy ngày qua tăng chóng mặt, đội giá thành xây lắp lên gấp nhiều lần so với giá trị hợp đồng, khiến nhiều nhà thầu thi công lao đao. Không chỉ mất khả năng tài chính, các nhà thầu còn đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng.
Nhà thầu xây dựng 'đình công' vì bão giá ảnh 1
Tiến độ xây lắp Cầu Nguyễn Văn Cừ đang bị trì trệ vì bão giá  Ảnh: Hồng Hạnh

Tháng 9/2007, anh Trần Anh Tuấn (ngụ đường Lê Lợi, phường 3, quận Gò Vấp) ký hợp đồng thuê một DNTN xây căn nhà 4 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 300m2.

Mới khởi công được gần 1 tháng đầu thì giá vật liệu bắt đầu tăng vọt. Để nhà thầu chuyên tâm vào công việc nhằm đảm bảo chất lượng công trình, anh Tuấn chủ động tăng giá trị gói thầu thêm 30 triệu đồng thành 680 triệu đồng. Và, suốt từ đó đến nay, nhà thầu thi công nhiều lần yêu cầu chủ nhà điều chỉnh.

“Tôi đã điều chỉnh tổng cộng 3 lần với số tiền tăng thêm hơn 100 triệu đồng nhưng nhà thầu thi công vẫn than lỗ và bắt đầu lãn công. Cách đây ít ngày không thấy họ điều động công nhân đến làm, gọi điện thoại cho người có trách nhiệm thì “ngoài vùng phủ sóng”, tôi bèn tìm đến trụ sở DN ở đường Phan Huy Ích (phường 12, Gò Vấp) thì phát hiện họ đã dọn đi từ bao giờ” - anh Tuấn cho biết.

Không còn cách chọn lựa, anh Tuấn đành “mời gọi” các nhà thầu thi công khác. Thế nhưng, giá cả các nhà thầu đưa ra làm anh “choáng” vì cao và vượt quá khả năng của gia đình.

Tuy không “bỏ của chạy lấy người” như trường hợp trên nhưng tại nhiều công trình xây dựng khác, tình trạng thi công cầm chừng, thậm chí tạm ngưng thi công diễn ra khá phổ biến.

Ông Hoàng Công Tú – Giám đốc Cty TNHH Xây dựng và trang trí nội thất Tú Anh (quận 3) cho biết các nhà thầu buộc phải làm như vậy để gây sức ép đối với các chủ đầu tư và hạn chế tình trạng thua lỗ. Ông Tú phân trần: “Giá VLXD tăng ít nhất hơn 20% so với đầu năm, công thợ tăng 40%. Nếu chủ nhà không thương tình tăng thêm tiền thì doanh nghiệp sạt nghiệp”.

Càng làm càng cụt vốn!

"Giá VLXD tăng ít nhất hơn 20% so với đầu năm, công thợ tăng 40%. Nếu chủ nhà không thương tình tăng thêm tiền thì (doanh nghiệp) có nước sạt nghiệp- Ông Hoàng Công Tú - Giám đốc Cty TNHH Xây dựng và trang trí nội thất Tú Anh nói.

Hiện nay, tiến độ xây dựng 4 cây cầu, gồm: Lôi Giang, An Nghĩa, Rạch Lá, Hà Thanh trên địa bàn huyện Cần Giờ đang bị trì trệ do ảnh hưởng giá sắt thép biến động mạnh.

Tổng  giá trị xây lắp của cả 4 cầu là gần 150 tỉ đồng nhưng với chiều hướng giá vật liệu tăng mạnh như vừa qua, giá thành xây lắp công trình có thể đội thêm vài chục tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án (QLDA thuộc Công ty quản lý công trình cầu TPHCM) thời điểm các nhà thầu trúng thầu, giá sắt, thép khoảng 6.000 đồng/kg, song đến nay đã tăng lên 15 - 18.000 đồng/kg. Do giá vật liệu tăng, giá trị các gói thầu công trình cũng tăng chóng mặt.

Gói thầu số 2 và số 3 công trình cầu Nguyễn Văn Cừ (Q.5- Q.8, TPHCM)  tăng thêm gần cả tỷ đồng, cầu Công Lý (Q.3 - Q.Phú Nhuận), tăng thêm 6 tỷ đồng. Nếu không được điều chỉnh giá trị thầu, nhiều nhà thầu hiện nay rơi vào tình trạng càng làm càng cụt vốn.

Nhiều nhà thầu đã chủ động kiến nghị xin điều chỉnh giá trị thầu. Đơn cử: Công ty công trình giao thông 68 (Cineco 6) tham gia thi công cầu An Nghĩa với giá trị xây lắp 56,2 tỉ đồng đã đề nghị điều chỉnh đơn giá đối với phần khối lượng còn lại theo giá thị trường, hoặc cho phép nhà thầu chỉ thi công phần móng trụ. Các nhà thầu thi công cầu Công Lý, Nguyễn Văn Cừ, Thủ Thiêm cũng đồng loạt đề nghị sớm điều chỉnh bổ sung đơn giá sắt, thép, chi phí nhân công, xe máy... 

Theo ông Nguyễn Phước Thuận - Phó Phòng Kế hoạch Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (khu quản lý số 4), hàng loạt nhà thầu thi công các dự án, gồm: Dự án đường trục Bắc - Nam giai đoạn 2 (từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao bờ Nam cầu bà Chiêm), dự án đường Chánh Hưng nối dài; dự án xây dựng cầu bản thay thế cầu Đa Khoa trên đường Nguyễn Thị Thập; nâng cấp sữa chữa đường Nguyễn Thị Thập và dự án mở rộng tỉnh lộ 10 đã chính thức đề nghị điều chỉnh giá các gói thầu.

Tuy Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư “Hướng dẫn điều chỉnh giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng, hợp đồng xây dựng do biến động giá nằm ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu” vào cuối tháng 2 vừa qua nhưng Sở Xây dựng và các ban ngành liên quan tại TPHCM chưa hướng dẫn nên Khu 4 chưa thể triển khai.

Theo báo cáo của nhà thầu thi công gói thầu số 1 công trình cầu Nguyễn Văn Cừ (Cty cầu 14 (Cienco 1), giá trị xây lắp của gói thầu này là 39 tỉ đồng. Hiện nay dù chưa hoàn tất nhưng đơn vị thi công đã chi gần 50 tỉ đồng (lỗ hơn 10 tỷ). Cầu Thủ Thiêm tuy đã thông xe từ cuối năm 2007 nhưng nhà thầu chính (Tổng Cty dựng số 1 - Bộ Xây dựng) đang phải ôm khoản chi phí tăng thêm lên tới hơn 50 tỷ đồng so với giá trị nhận thầu ban đầu.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.