Nhà thầu xây dựng đứng trước nguy cơ phá sản

Nhà thầu xây dựng đứng trước nguy cơ phá sản
TPO - Công nhân bỏ việc, doanh nghiệp từ chối thi công chấp nhận chịu phạt còn hơn làm lỗ, nhiều công trình đứng trước nguy cơ chậm tiến độ và tạm dừng thi công, nhiều nhà thầu đứng trước nguy cơ thua lỗ, phá sản vì giá VLXD các loại liên tục tăng cao.
Nhà thầu xây dựng đứng trước nguy cơ phá sản ảnh 1
Nhiều dự án khó khăn vì giá VLXD tang cao

Đó là những bức xúc được các nhà thầu bày tỏ trong cuộc Hội thảo mang tên “VLXD tăng giá và nguy cơ phá sản của nhà thầu” do Hiệp hội các nhà thầu Việt Nam phối hợp tổ chức vào ngày (18/3) tại Hà Nội.

Theo ông Vũ Khoa, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (HHNTXD), thực tế hiện nay quả đúng như tên gọi của cuộc hội thảo “Giá VLXD tăng, nhà thầu nguy cơ phá sản”.

Bởi thời gian vừa qua, đặc biệt từ những tháng cuối năm 2007 đến nay, giá tất cả các loại VLXD đều tăng chóng mặt. “Điều này tác động không nhỏ đến các nhà thấu và các chủ đầu tư. Nhiều nhà thầu đứng trước nguy cơ thua lỗ, phá sản, nhiều công trình đứng trước nguy cơ chậm tiến độ, tạm dừng thi công.... Thậm chí nhiều nhà thầu chấp nhận chịu phạt còn hơn phải làm lỗ"-Ông Khoa cho biết.

Theo TS Dương Văn Cận, Viện trưởng Viện kinh tế xây dựng, thông thường cơ cấu vật liệu chiếm 60- 80% giá thành xây dựng nên khi giá VLXD chỉ tăng 1% thôi đã làm ảnh hưởng tăng đáng kể đến giá thành xây dựng rồi. “Với mức trượt giá tới 20% thì nguy cơ các nhà thầu phá sản là hoàn toàn có thể xảy ra”- TS Cận nói.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó TGĐ Cty xuất nhập khẩu xây dựng (Vinaconex) cho rằng, trong các hoạt động kinh doanh hợp đồng là cái quan trọng nhất. Các nhà thầu phải xem xét kỹ các điều khoản, mức giá trong hợp đồng trước khi đặt bút ký và phải chấp nhận tất cả những gì đã cam kết, thậm chí thua lỗ. Tuy nhiên, sự biến động giá đã vượt ngoài khả năng dự đoán của tất cả các nhà thầu và chủ đầu tư.

“Ký hợp đồng trọn gói, thua lỗ, nhà thầu phải gánh chịu. Thế nhưng, khi sự thua lỗ đó vượt quá sức chịu đựng của nhà thầu, thậm chí đẩy họ đứng trước nguy cơ phá sản và họ buộc phải tự cứu lấy mình”.

Theo đại diện các nhà thầu, hiện tượng trì hoãn thi công, thậm chí tiêu cực hơn là phương án "bỏ chạy" dù đã lường trước được những thiệt hại về kinh tế đã xuất hiện. Và tất yêu tiến độ, chất lượng của các dự án đầu tư sẽ bị ảnh hưởng.

“Công trình hồ chứa nước cửa Đạt do đơn vị làm nhà thầu, đã có một số gói thầu bị ách lại. Khi một số nhà thầu phụ khi đưa hơn 2000 công nhân vào nhận công trình ngay lập tức, công nhân đã quay đầu bỏ đi vì giá cả chênh lệch quá lớn. Họ không thể làm theo đơn giá cũ với mức tiền công cũ....”- Ông Nguyễn Thanh Phương dẫn chứng.

Còn ông Phạm Quang Dũng, Hiệp hội các nhà thầu XD Nam Định đã phải thốt lên cay đắng khi trao đổi với các PV, "Nếu không phải là đạo đức nghề nghiệp, vì thương hiệu thì chắc chắn nhà thầu sẽ "bỏ của chạy lấy người".

Ông Dũng cho biết, ở Nam Định, hàng năm vốn Nhà nước dành cho đầu tư xây dựng khoảng 300-500 tỷ đồng. Song, tỉnh này có tới 200 nhà thầu lớn nhỏ. Dự án ít, người làm thì nhiều, buộc phải bỏ thầu cao, chưa kể dự án có vốn của nhà nước, phải thi công theo lộ trình của Sở kế hoạch và đầu tư và Hội đồng tỉnh thông qua và có khi kéo dài hàng năm trong khi nhà thầu phải vay tiền của ngân hàng để làm.

Cách nào “gỡ” khó

Mặc dù Bộ xây dựng vừa có thông tư 05 hướng dẫn việc điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên, nhiên vật liệu. Nhưng theo nhiều nhà thầu, để có quyết định này chủ đầu tư đôi khi phải mất hàng tháng để ban hành.

“Sự chậm trễ trong thanh toán khiến cho nhà thầu phải chịu thêm lãi suất ngân hàng. Do đó chi phí trực tiếp tăng lên, nhiều công trình thậm chí lợi nhuận không đủ bù lãi vay vốn thi công”-Một đại biểu nói.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Viêt Nam đề xuất, trong khi chờ sự điều chỉnh giá của Chính phủ thì nên cho các chủ đầu tư tạm ứng để họ tiếp tục có vốn kinh doanh và trả nợ ngân hàng.

Nếu công trình có thầu phụ thì bên A nên trực tiếp tạm ứng cho cả nhà thầu phụ chứ nếu qua tay thầu chính thì chắc chắn sẽ bị giữ lại vì họ đang khát vốn. Trong tình huống này các nhà thầu phụ và nhà cung ứng vật tư bị thiệt thòi nhất do bị nhà thầu chính chiếm dụng vốn.

“Cơ chế tạm ứng này rất cấp bách, nếu không thực hiện được thì "nước xa không dập được lửa gần", e nhà thầu sớm bị phá sản trong cảnh đùn đẩy trách nhiệm của bộ máy quan liêu. Thiệt hại kinh tế lúc này thuộc về về kinh tế quốc dân. Phải chăng nên cấp tốc lập ra một lực lượng đặc nhiệm để làm vấn đề này?”-Ông Liêm kiến nghị.

Theo ông Đặng Huy Đông, Vụ trưởng Vụ quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT, thực tế hiện nay Chính phủ chấp thuận cho điều chỉnh các hợp đồng trọn gói. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế, còn nếu đúng thì phải làm theo hợp đồng và các bên bình đẳng với nhau theo hợp đồng đã ký kết.

Ông Lê Minh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Xây dựng tỉnh Trà Vinh lại kiến nghị cho phép điều chỉnh giá VLXD đưa vào công trình đối với các gói thầu hợp đồng trọn gói.

Đối với các công trình xây dựng đã chỉ định thầu, hoặc tổ chức đấu thầu đang triển khai thi công xây dựng vào thời điểm này thì chủ đầu tư cùng với tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát công trình xây dựng và các nhà thầu tổ chức nghiệm thu, xác nhận khối lượng hoàn thành phù hợp với từng thời điểm giá VLXD tăng đột biến.

Theo ông Vũ Khoa, Chủ tịch HHNTXD những kiến nghị của các nhà thầu sẽ được tập hợp để trình lên các cơ quan chức năng gỡ khó cho nhà thầu trong giai đoạn hiện nay.

MỚI - NÓNG